Gần 3 triệu người chết vì tai nạn và bệnh liên quan đến công việc

Thứ Hai, 18/03/2024, 11:12(GMT +7)

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO ước tính có 395 triệu người lao động trên toàn thế giới bị thương trong các vụ tai nạn lao động nhưng không gây tử vong.

Theo ước tính mới nhất của ILO, mỗi năm có gần 3 triệu người lao động chết do tai nạn và bệnh liên quan đến công việc, tăng hơn 5% so với năm 2015. Con số này nhấn mạnh vào những thách thức dai dẳng trong việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của người lao động trên toàn cầu.

Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến công việc, tổng cộng là 2,6 triệu trường hợp, bắt nguồn từ các bệnh liên quan đến công việc. Theo phân tích, tai nạn lao động gây ra thêm 330.000 trường hợp tử vong. Các bệnh về tuần hoàn, u ác tính và bệnh hô hấp là ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến công việc. Cùng với đó, 3 loại này đóng góp hơn ¾ tổng số tử vong đến công việc.

Dữ liệu mới, có trong báo cáo mới của ILO, Lời kêu gọi vì môi trường làm việc an toàn và lành mạnh hơn, đã được trình bày tại Đại hội thế giới lần thứ 23 về An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất về chủ đề này, diễn ra tại Sydney, Austrailia từ 27-30/11/2023.

Báo cáo nhấn mạnh rằng nam giới tử vong do tai nạn lao động (51,4 người/100.000 người ở độ tuổi lao động) nhiều hơn nữ giới (17,2 người/100.000 người). Khu vực châu Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ tử vong liên quan đến công việc cao nhất (chiếm 63% tổng số toàn cầu) do quy mô của lực lượng lao động trong khu vực này.

Theo báo cáo, nông nghiệp, xây dựng, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chế tạo sản xuất là những lĩnh vực nguy hiểm nhất, gây ra 200.000 ca thương tích gây tử vong mỗi năm, chiếm 63% tổng số ca thương tích nghề nghiệp gây tử vong. Đặc biệt, 1/3 số ca thương tích nghề nghiệp gây tử vong trên toàn cầu xảy ra ở những người lao động trong ngành nông nghiệp.

Để thúc đấy các nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, ILO đã ban hành kế hoạch mới, Chiến lược toàn cầu về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2024-2030. Mục tiêu là ưu tiên phúc lợi của người lao động phù hợp với cam kết của ILO về công bằng xã hội và thúc đẩy việc làm bền vững trên toàn thế giới.

Chiến lược này khuyến khích các thành viên của ILO hành động dự trên 3 nội dung:

Đầu tiên, cải thiện khung quốc gia về An toàn và Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) bằng cách tăng cường quản trị, thúc đẩy dữ liệu đáng tin cậy, và xây dựng năng lực.

Thứ hai, đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp và đầu tư vào ATVSLĐ ở cấp quốc gia và cấp toàn cầu.

Thứ ba, tăng cường hệ thống quản lý ATVSLĐ tại nơi làm việc bằng cách thúc đẩy các nguyên tắc của ILO-OSH 2001, xây dựng hướng dẫn mang tính chuyển đổi về giới và điều chỉnh hướng dẫn này phù hợp với các mối nguy hiểm, rủi ro, lĩnh vực và nghề nghiệp cụ thể.

Biên dịch: Xuân Đài

Nguồn: https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_902220/lang–en/index.htm