Tọa đàm “Quản trị rủi ro bằng Văn hóa An toàn – Tầm nhìn và Mô hình hiệu quả ở Việt Nam” lần thứ nhất năm 2024

Thứ Sáu, 26/04/2024, 02:22(GMT +7)

Chiều 25/4, hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động tổ chức tọa đàm “Quản trị rủi ro bằng Văn hóa An toàn – Tầm nhìn và Mô hình hiệu quả ở Việt Nam” lần thứ nhất năm 2024. Buổi tọa đàm đã nhận được sự tham gia và đóng góp rất tích cực từ các chuyên gia và hơn 100 khách mời có chuyên môn về An toàn, vệ sinh lao động bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Buổi tọa đàm là nơi chia sẻ góc nhìn toàn cảnh, phân tích chuyên sâu, bóc tách những cơ hội, thách thức trong quản trị an toàn từ các chuyên gia đầu ngành của các tham luận và phân tích như Tầm nhìn về quản trị xây dựng Văn hóa an toàn lao động ở Việt Nam đến năm 2045; Kinh nghiệm một số mô hình chỉ số đánh giá về văn hóa an toàn; Mô hình văn hóa an toàn trong một số doanh nghiệp lớn; Mô hình văn hóa an toàn tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Đến tham dự buổi tọa đàm có đ/c Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động; đ/c Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Tập đoàn dầu khí; GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam; TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động… cùng đại diện các ban ngành đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

TS. Nguyễn Anh Thơ khai mạc buổi tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết: trong tình hình hiện nay, vai trò và trách nhiệm của công tác an toàn đóng góp cho việc quản trị quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vị thế rất quan trọng. Theo các văn bản văn kiện như Luật An toàn vệ sinh lao động, Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương hay Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ phải xây dựng văn hóa an toàn cũng như áp dụng các hệ thống quản lý về an toàn. Câu chuyện phải xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp, trong công nhân lao động và các hệ thống quản trị an toàn là một nhu cầu rất cấp thiết và cần sớm được thực hiện. TS. Nguyễn Anh Thơ hy vọng rằng qua buổi tọa đàm này, người sử dụng lao động, người lao động và doanh nghiệp sẽ có góc nhìn mới về việc xây dựng quản trị rủi ro bằng văn hóa an toàn.

GS.TS. Lê Vân Trình trình bày tham luận

GS.TS. Lê Vân Trình cho rằng Văn hóa an toàn là quản lý an toàn vệ sinh lao động một cách toàn diện ở tất cả các khía cạnh, từ luật pháp tới quản lý và kỹ thuật là việc làm hết sức cần thiết giúp đem lại điều kiện lao động an toàn và lành mạnh cho người lao động. Tiếp cận an toàn vệ sinh lao động từ khía cạnh văn hóa doanh nghiệp có thể đem tới sự cải thiện bền vững hiệu quả hoạt động an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp. Theo ông, để đánh giá công tác an toàn vệ sinh lao động của một doanh nghiệp, người ta dựa vào 3 thành tố cơ bản là Cấu trúc doanh nghiệp (loại hình sản xuất, quy mô sản xuất lớn hay nhỏ); Quy trình sản xuất (công nghệ, nguyên vật liệu, lực lượng lao động) và Văn hóa doanh nghiệp (trong đó có văn hóa an toàn).

Ông Quản Hồng Đức trình bày tham luận

Cùng chung quan điểm như trên, chuyên gia Quản Hồng Đức, Chuyên gia tư vấn Văn hóa an toàn và Chuyển đổi số, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên The Liner Việt Nam nêu quan điểm Nếu an toàn là một giá trị thì hãy ngừng xem an toàn là ưu tiên, hãy xem an toàn như là một điều kiện tiêu quyết để làm việc. Ông cho rằng, để xây dựng văn hóa an toàn, nhân viên ở mọi cấp độ, bắt đầu từ tổng giám đốc, giám đốc phải tin mọi tai nạn tại nơi làm việc đều có thể phòng tránh được. Ông đã giới thiệu sơ qua về Mô hình 4 cấp độ phát triển văn hóa an toàn, phương pháp đo lường cấp độ phát triển văn hóa an toàn, mô hình ngôi nhà văn hóa an toàn đang được sử dụng tại một số doanh nghiệp sắp xếp, công cụ xây dựng ngôi nhà văn hóa an toàn…tại cty Unilever Việt Nam.

Bà Trần Phương Thảo trình bày tham luận

Bà Trần Phương Thảo, Ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra 10 quy tắc hành vi an toàn và 12 nguyên tắc cơ bản thực thi văn hóa an toàn để người sử dụng lao động và người lao động được biết và thực hiện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý công tác an toàn giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt ra các mục tiêu như Giảm tối thiểu 30% tần suất tai nạn và ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn bền vững hướng tới không có tai nạn chết người; Xây dựng và thực thi văn hóa an toàn lao động mục tiêu đến năm 2025 văn hóa an toàn của tập đoàn đạt mức 3/5; Nghiên cứu ứng dụng hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 45001).

Các chuyên gia có ý kiến đóng góp

Sau khi nghe các phần trình bày, các đại biểu tham dự tọa đàm đã sôi nổi thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đánh giá để buổi tọa đàm sau được tốt hơn nữa. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, buổi tọa đàm “Quản trị rủi ro bằng Văn hóa An toàn – Tầm nhìn và Mô hình hiệu quả ở Việt Nam” không chỉ mang lại những ý nghĩa to lớn về mặt an toàn trong lao động mà còn mang đến những cách nhìn mới, những bài học hay cho doanh nghiệp để nâng cao vấn đề văn hóa trong an toàn.

Bài và ảnh: Nguyễn Kim Thi