Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của các cơ quan, ban ngành, chủ sử dụng lao động và người lao động; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; đồng thời điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản… nhằm nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra.
Năm 2023, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATVSLĐ. Các đoàn thanh, kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ 38 máy, thiết bị vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng. Xử phạt vi phạm hành chính 9 đơn vị, công trình xây dựng vi phạm ATVSLĐ với tổng số tiền 164 triệu đồng. Qua kiểm tra 95 đơn vị, công trình xây dựng đã có 367 kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về ATVSLĐ.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn cho người lao động
Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, tham gia ý kiến về biện pháp thi công đảm bảo an toàn lao động trong việc sử dụng cần trục tháp trong thi công xây dựng công trình đối với 52 dự án. UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 39 cuộc kiểm tra với 507 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và đã có 760 kiến nghị, yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ.
Đến nay, nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về công tác đảm bảo ATVSLĐ được nâng lên. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng bộ máy làm công tác ATVSLĐ; đầu tư mua máy, thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động. Vì vậy, nhiều sự cố, nguy cơ mất an toàn lao động, cháy, nổ được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, môi trường, tài sản của người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2023, toàn thành phố xảy ra 294 vụ tai nạn lao động làm 300 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động tại khu vực người lao động làm việc có hợp đồng lao động là 117 vụ, làm 119 người bị nạn, làm 27 người chết và 35 người bị thương nặng. Số vụ tai nạn lao động tại khu vực không có hợp đồng lao động là 179 vụ, làm 181 người bị nạn, làm 26 người chết và 32 người bị thương nặng. So với năm 2022, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng có người chết tăng 10 vụ, số người chết tăng 11 người, số người bị thương nặng giảm 5 người.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ, trong năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ của các cơ quan, ban ngành, chủ sử dụng lao động và người lao động; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; đồng thời điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản… Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tổ chức hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ.
Thành phố cũng sẽ tập trung tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Nhằm tạo đợt cao điểm trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động về ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…/.
Hưng Minh
Nguồn: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội