Gần 7.400 vụ tai nạn lao động khiến hơn 7.500 người bị nạn
Bộ Lao động-Thương binh cho biết, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, giảm 324 vụ, tương ứng với 4,2% so với năm 2022. Số vụ tai nạn lao động này làm 7.553 người bị nạn, giảm 370 người, tương ứng với 4,7% so với năm 2022. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai. |
Trong số các vụ tai nạn lao động trên, có 662 vụ tai nạn lao động chết người, giảm 58 vụ tương ứng 8,06% so với năm 2022. Số người chết vì tai nạn lao động là 699 người, giảm 55 người tương ứng 7,29% so với năm 2022. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người, tăng 73 người tương ứng với 4,43% so với năm 2022.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, về tình hình tai nạn lao động năm 2023, khu vực có quan hệ lao động giảm về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người so với năm 2022.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 ở cả hai khu vực là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.
Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2023, có 10 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 9 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được cho thấy, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là: xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết; cơ khí, luyện kim chiếm 11,78% tổng số vụ và 10,77% tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,56% tổng số vụ và 9,09% tổng số người chết; dệt may, da giầy chiếm 7,18% tổng số vụ và 7,88% tổng số người chết; dịch vụ chiếm 4,5% tổng số vụ và 4,22% tổng số người chết.
Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất: Tai nạn giao thông chiếm 31,64% tổng số vụ và 29,81% tổng số người chết; ngã từ trên cao, rơi chiếm 17,92% tổng số vụ và 16,8% tổng số người chết; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 17,32% tổng số vụ và 16,41% tổng số người chết; điện giật chiếm 11,01% tổng số vụ và 10,47% tổng số người chết; đổ sập chiếm 8,21% tổng số vụ và 9,57% tổng số người chết.
Về nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44.37% tổng số người chết. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Còn lại 38,1% tổng số vụ tai nạn lao động với 39,33% tổng số người chết xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Còn những tồn tại
Từ những số liệu thống kê trên đây, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại.
Trước hết, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.
Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lao động được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2023 là 600 người. Số người lao động được khám sức khỏe năm 2023 là hơn 2,4 triệu người. Tỷ lệ sức khỏe loại yếu loại 4 và 5 là 8,9%.
Bà Chu Thị Hạnh lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chủ ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Số biên bản nhận được chiếm 35,3% tổng số vụ tai nạn lao động chết người, tăng 7,5% so với năm 2022.
Trong năm 2023, tất cả các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc báo cáo tình hình tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Một số địa phương báo cáo chậm như: Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Tây Ninh, Gia Lai.
Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình tai nạn lao động gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội còn thấp, đạt khoảng 7,52%. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa đầy đủ. Do vậy, việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Thiệt hại do tai nạn lao động tăng
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2023 để chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương….. là hơn 16.357 tỷ đồng. Con số này tăng khoảng 2.240 tỷ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản là hơn 722 tỷ đồng, tăng khoảng 454 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là hơn 149.770 ngày, tăng khoảng 6.302 ngày so với năm 2022.
Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm. (Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới ban hành ngày 19/3/2024) |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh, trong năm 2023, công tác điều tra tai nạn lao động đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế.
63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã báo cáo thống kê tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định.
Trong thời gian tới, cần tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động với sự hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, .
Tổ chức, hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động; lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động với người làm việc không theo hợp đồng lao động.
Với các doanh nghiệp, tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2023 – Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 2/2/2023 tại Công ty Cổ phần Nosco Shipyard (Quảng Ninh). Hậu quả làm 4 người chết, 4 người bị thương là công nhân của Công ty Cổ phần Nosco Shipyard khi đang thực hiện công việc được giao: cắt, sửa chữa cầu thang xoắn đứng xuống hầm số 5 của tàu Oriental Glory thì xảy ra cháy, nổ tại khoang hàng số 5. – Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 25/5/2023, tại Công trình nhà ở kết hợp dịch vụ kinh doanh ẩm thực; tại 34-36 đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng do sập dầm sàn ban công khi thi công xây dựng công trình. Hậu quả làm 5 người bị nạn (2 người chết, 3 người bị thương) là công nhân của nhà thầu thi công (Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và thiết kế xây dựng Minh Phát Phủ). -Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 26/8/2023, tại lò thượng VC3, Phân xưởng Khai thác 3, Công ty Cổ phần than Vàng Danh Vinacomin thuộc Tập đoàn than Khoáng sản Việt Nam, nguyên nhân do bục nước trong khai thác than hầm lò làm 4 người tử vong. |