Phân loại phương tiện bảo vệ cá nhân

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:47(GMT +7)

Phân loại PTBVCN là sự phân chia các loại PTBVCN thành những tập hợp nhỏ hơn (nhóm) theo các dấu hiệu đặc trưng.

Nguyên tắc phân loại

Những nguyên tắc cần tuân thủ khi phân loại PTBVCN:

– Phải hình thành được hệ thống logic theo một trình tự kế tiếp hợp lý đi từ cao đến thấp, từ dấu hiệu chung nhất đến những dấu hiệu cá biệt ít chung nhất.

– Chỉ được dùng một dấu hiệu khi phân chia một tập hợp lớn thành tập hợp nhỏ hơn kế tiếp, hoặc chuyển từ bậc phân loại trên xuống bậc phân loại dưới kế tiếp. Nếu dùng đồng thời một dấu hiệu sẽ làm hỗn loạn hệ thống, không tránh khỏi trùng lặp, bỏ sót.

– Phải bảo đảm bao trùm được toàn bộ danh mục PTBVCN đang có, đồng thời có chỗ dự trữ để tiếp tục bổ sung những loại phương tiện mới xuất hiện mà không gây xáo trộn hệ thống phân loại đã có.

Dấu hiệu phân loại

Dấu hiệu phân loại là đặc trưng của PTBVCN được chọn làm căn cứ để phân chia tập hợp PTBVCN thành những bộ phận (nhóm). Các dấu hiệu được dùng để phân loại PTBVCN gồm:

– Công dụng: PTBVCN được dùng để bảo vệ bộ phận hoặc cơ quan nào của cơ thể, phòng chống tác động của các yếu tố nguy hiểm và có hại nào.

– Đối tượng sử dụng: Người lao động thuộc ngành nghề nào

– Kết cấu: Hình dáng, cấu tạo của PTBVCN.

– Vật liệu sử dụng làm PTBVCN

Khi phân loại, các dấu hiệu trên được dùng theo các thứ bậc khác nhau:

– Bậc phân loại cao nhất, sử dụng 1 trong 2 dấu hiệu: Công dụng (bảo vệ cơ quan hoặc bộ phận của cơ thể) và đối tượng sử dụng.

– Bậc kế tiếp: Yếu tố nguy hiểm và có hại

– Bậc tiếp theo: Kết cấu, kiểu dáng, vật liệu, nguyên lý hoạt động

Ở đây, công dụng của PTBVCN là dấu hiệu quan trọng nhất, được dùng cho nhiều bậc khác nhau.

Phân loại phương tiện bảo vệ cá nhân

Dựa trên nguyên tắc và các dấu hiệu phân loại vừa nêu, PTBVCN được phân loại theo các cách như sau:

1. Cách thứ nhất: Phân loại theo bộ phận, cơ quan của cơ thể người cần bảo vệ. Theo cách này, PTBVCN gồm 8 nhóm:

  • Phương tiện bảo vệ đầu: Mũ, lưới bao tóc
  • Phương tiện bảo vệ mặt, mắt: Kính, tấm chắn
  • Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp: Khẩu trang, bán mặt nạ, mặt nạ và mặt trùm.
  • Phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác: Nút tai, bịt tai, tổ hợp mũ và bịt tai…
  • Phương tiện bảo vệ thân thể: Quần áo, tổ hợp quần áo, yếm, tạp dề.
  • Phương tiện bảo vệ tay: Găng tay, bao lòng bàn tay, bao ngón tay
  • Phương tiện bảo vệ chân: Giày, ủng, tất, xà cạp
  • Phương tiện bảo vệ cá nhân khác: Dây an toàn, phao cứu sinh, kem bảo vệ da, sào, thảm…

2. Cách thứ hai: Phân loại theo công dụng. Theo cách này, PTBVCN được phân thành 2 nhóm:

– PTBVCN có công dụng đặc biệt (mũ an toàn công nghiệp, giầy an toàn, ủng chống xăng, dầu mỡ…)

– PTBVCN có công dụng thông thường (Quần áo lao động phổ thông, ủng chống nước bẩn…)

3. Cách thứ ba: Phân loại theo đối tượng sử dụng thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau (PTBVCN cho ngành điện, ngành hóa chất, ngành xây dựng…)

Ba kiểu phân loại trên có quan hệ khăng khít với nhau, tạo nên các thứ bậc cao thấp tùy thuộc việc chọn dấu hiệu phân loại nào là chính. Mối quan hệ này có thể được biểu diễn bằng sơ đồ trên hình dưới:

1. Phân loại theo cách thứ nhất; 2. Phân loại theo cách thứ hai; 3. Phân loại theo cách thứ ba

Mối quan hệ giữa các cách phân loại phương tiện bảo vệ cá nhân

Để hiểu rõ hơn mối quan hệ trên, có thể nêu một vài ví dụ:

Phương tiện bảo vệ đầu (phân loại theo cách thứ nhất) sẽ gồm các loại phương tiện có công dụng đặc biệt: mũ an toàn công nghiệp… và phương tiện có công dụng thông thường: mũ vải lao động phổ thông… (phân loại theo cách thứ hai). Phương tiện bảo vệ đầu cũng sẽ gồm các loại cho thợ xây dựng, thợ điện… (phân loại theo cách thứ ba). Ngược lại PTBVCN có công dụng đặc biệt cũng sẽ gồm 8 loại phương tiện từ phương tiện bảo vệ đầu đến PTBVCN khác và có những loại dùng cho các ngành, nghề khác nhau. Tương tự như vậy, PTBVCN cho các ngành nghề khác nhau (xây dựng, hóa chất…) cũng sẽ gồm những loại phương tiện có công dụng đặc biệt và thông thường, các loại phương tiện bảo vệ đầu đến các loại PTBVCN khác.

Trên thực tế có nhiều cách phân loại khác nhau như vừa nêu. Song cách phân loại theo bộ phận, cơ quan chức năng của cơ thể cần bảo vệ là cách phân loại đáp ứng tốt nhất với yêu cầu đặt ra. Vì thế cách phân loại này đang được dùng phổ biến.

Hiện trong nước có khoảng 128 loại PTBVCN được hệ thống trong 8 nhóm theo cách phân loại trên. Trong đó

– Nhóm phương tiện bảo vệ đầu có 12 loại (mũ chống chấn thương sọ não cho thợ xây dựng, mũ vải bao tóc…),

– Nhóm phương tiện bảo vệ mắt, mặt: 13 loại (kính chống các vật văng bắn, kính chống tia laze…);

– Nhóm phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp: 21 loại (khẩu trang lọc bụi, bán mặt nạ lọc hơi khí hóa chất hữu cơ…),

– Nhóm phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác: 3 loại (nút tai, bịt tai chống ồn…),

– Nhóm phương tiện bảo vệ thân thể: 29 loại (quần áo chống cháy, quần áo lao động phổ thông…);

– Nhóm phương tiện bảo vệ tay: 18 loại (găng tay chống rung, găng tay chống dung môi hữu cơ…);

– Nhóm phương tiện bảo vệ chân: 25 loại (giầy chống axit kiềm, giầy lao động phổ thông…) và các PTBVCN khác: 7 loại (dây an toàn, phao cứu sinh…).

Nếu phân loại theo cách thứ hai, Có 64 loại PTBVCN có công dụng đặc biệt và cũng có khoảng 64 loại PTBVCN có công dụng thông thường.


(Nguồn tin: Theo tài liệu – Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)