Quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các công ty rác thải đô thị tại Italia

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:48(GMT +7)

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống của cả xã hội cũng như của mỗi cá nhân. Mục đích của việc quản lý ATVSLĐ là để cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Hiệu quả của việc quản lý ATVSLĐ phụ thuộc vào các yếu tố quản lý, văn hóa và quy chuẩn.

Tất cả các tổ chức đều có bổn phận tuân thủ nhằm đảm bảo người lao động và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động của doanh nghiệp đều được đảm bảo an toàn tại mọi thời điểm. Những lý giải về mặt luật pháp đối với việc quản lý ATVSLĐ liên quan tới hiệu quả của việc phòng ngừa, xử phạt và đền bù của các quy định pháp luật bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho người lao động. Quản lý ATVSLĐ có thể làm giảm các chi phí liên quan đến thương tích và bệnh tật của người lao động, bao gồm cả việc chăm sóc y tế, nghỉ ốm và trợ cấp tàn tật. Quản lý OHS cũng có thể làm tăng (hoặc giảm) uy tín của doanh nghiệp và hình ảnh của doanh nghiệp với các đối tác.

Một số nghiên cứu đã được tiến hành để xác minh hiệu quả và tác dụng của việc quản lý ATVSLĐ cũng như của hệ thống quản lý có liên quan; ví dụ: mối quan hệ giữa quản lý ATVSLĐ và kết quả đạt được của doanh nghiệp, sự hợp nhất các khía cạnh về ATVSLĐ trong văn hóa doanh nghiệp. Hơn nữa, nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích mối liên hệ giữa quản lý ATVSLĐ và các yếu tố mang tính bối cảnh nhằm xác định các điều kiện tổ chức và môi trường liên quan đến quản lý ATVSLĐ.

Quản lý ATVSLĐ cũng đã được nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, quản lý ATVSLĐ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường lại ít được nghiên cứu mặc dù thực tế người lao động làm việc trên đường phố dễ phơi nhiễm với nhiều rủi ro khác nhau gây ra từ hóa chất, tác nhân sinh học, vật lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người lao động. Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường việc thu gom rác, quét dọn đường phố được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Việc thu gom rác thải có thể phải làm bằng tay, hoặc có sự hỗ trợ của máy móc để có thể thu gom được khối lượng lớn, được cơ giới hóa toàn bộ hoặc được cơ giới hóa nhưng có sự hỗ trợ của người lao động. Mặc dù bản thân người lao động thực hiện cùng một nhiệm vụ nhưng môi trường làm việc hàng ngày có thể thay đổi hoàn toàn, do sự thay đổi của điều kiện môi trường bên ngoài. Như vậy, người lao động phải chịu nhiều rủi ro từ việc làm việc trên đường và từ những tác động của máy móc. Thiếu những nghiên cứu về quản lý ATVSLĐ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường trái ngược hẳn với việc các tài liệu y học và dịch tễ xếp lĩnh vực vệ sinh môi trường vào loại lĩnh vực rủi ro cao đối với các vấn đề về an toàn và sức khỏe của người lao động.

Trên cơ cở các vấn đề nêu trên, nghiên cứu này phân tích: (1) mức độ thuần thục trong việc quản lý ATVSLĐ của các công ty rác thải đô thị, và (2) các yếu tố bối cảnh có ảnh hưởng đến mức độ này hay không. Việc phân tích được thực hiện thông qua các cuộc điều tra trên một mẫu gồm 29 công ty quản lý rác thải và thông qua 10 cuộc phỏng vấn trực tiếp. Các kết quả cho thấy mức độ thuần thục về quản lý ATVSLĐ và sự ảnh hưởng của các yếu tố mang tính tổ chức đến sự thuần thục đó.

Bài viết này góp phần cung cấp thêm thông tin về quản lý ATVSLĐ thông qua việc giải quyết vấn đề quản lý ATVSLĐ theo kinh nghiệm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường vốn không được quan tâm trước đây, và các yếu tố liên quan đến sự phát triển của công tác quản lý ATVSLĐ.

      Cấu trúc của bài nghiên cứu cụ thể như sau: Phần 1: Giới thiệu; Phần 2: trình bày bối cảnh lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu; Phần 3: mô tả việc thu thập dữ liệu và lập đề cương nghiên cứu. Phần 4: phân tích kết quả. Phần 5: đưa ra những thảo luận, hạn chế và cơ hội nghiên cứu trong tương lai.

Nội dung bài viết có trong file pdf đính kèm (tiếng Anh- 439K).

Tác giả : Massimo Battaglia, Emilio Passetti, Marco Frey

(ST: K. Dung)


(Nguồn tin: Safety Science, Volume 72, February 2015, Pages 55-65)