Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024: Định hướng, trọng tâm công tác An toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam

Thứ Tư, 17/04/2024, 08:58(GMT +7)

“Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” là chủ đề của tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng.

Lễ phát động Tháng hành động về An toàn Vệ sinh lao động năm 2023

Thực trạng công tác an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam

Việt nam chúng ta, với Quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đặc biệt là một số ngành có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây lắp, cơ khí, điện, chế tạo, khai thác và chế biến lâm, thủy sản. Đồng thời, lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp. Cường độ lao động ngày càng cao do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia nhiều Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 về Hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện lao động cũng đang trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật trong thương mại do các chuẩn mực về lao động như an toàn, vệ sinh lao động được quốc tế hóa ở cấp độ cao hơn.

Đồng thời, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của lực lượng lao động, trong đó có vấn đề sức khỏe tinh thần, vấn đề mà lâu nay, xã hội chưa sẵn sàng đề cập, cũng như các nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cũng chưa tường tận, đầy đủ. Tuy nhiên, với những con số như khoảng 15% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khoảng 1% dân số mắc các triệu chứng lo âu, trầm cảm, rối loại cảm xúc và trong 5 năm qua, có gần 6000 người chết vì tai nạn lao động, gần 50.000 trường hợp bị TNLĐ và hàng chục nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, chết nhiều người vẫn xảy ra, trong khi đã xuất hiện những nơi làm việc có hàng trăm người bị bệnh nghề nghiệp, có nhiều người chết, với mức độ hầu hết người lao động trực tiếp tiếp xúc với yếu tố có hại đề mắc bệnh nghề nghiệp. Đã góp thêm một tiếng chuông trong hồi chuông cảnh báo TNLD, BNN trong sản xuất ở Việt Nam.

Có thể nói, đây là vấn đề xã hội rất lớn, Đảng, Quốc Hội, Chính phủ cần có biện pháp hiệu quả hơn để xử lý nhằm vừa phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa phòng ngừa được TNLĐ, BNN, duy trì và phát triển nguồn nhân lực khỏe mạnh, chất lượng của đất nước.

Chuỗi cung ứng và những vấn đề đặt ra về ATVSLĐ ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đầu và có một số chuỗi cung ứng, ví dụ như các mặt hang điện, điện tử, dệt may, da giày, một số ngành chế biến khác. Chúng ta đang ở khâu sản xuất, lắp ráp, chế tạo một phần của chuỗi sản xuất đó và là điểm đầu của chuỗi cung ứng hàng nông sản.

Với chuỗi cung ứng hàng nông sản, hiện nay ở khâu trồng trọt, sơ chế, chế biến, thậm chí ở nhiều khâu chưa kiểm soát hết các yếu tố về môi trường, điểu kiện làm việc, gánh nặng nghề nghiêp. Ở đó, nhiều NLĐ đang được xếp vào khu vực phi kết cấu, không có quan hệ lao động, hợp đồng lao động dẫn đến nhiều quyền lợi của NLĐ, trong đó có quyền lợi được đảm bảo an toàn theo Hiến pháp năm 2013 chưa đầy đủ.

Ngay trong các chuỗi cung ứng đang giữ vai trò là nơi lắp ráp, hoàn thiện với rất đông lao động như dệt may, da giày, điện tử thì trong thời gian qua, sau 20 năm phát triển các khu công nghiệp, môi trường lao động được cải thiện rất nhiều do các nhãn hàng đưa ra các yêu cầu cùng với pháp luật ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, ý thức và nhận thức của doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

Tuy nhiên ở đâu đó, ngay cả chuỗi cung ứng hàng công nghệ cao, mặt hàng mới phải dùng công nghệ mới, nguyên liệu mới… chúng ta chưa có được nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến NLĐ nên quyền lợi của họ chưa đảm bảo. Rất nhiều bệnh nghề nghiệp mới phát sinh liên quan đến vật liệu mới, công nghệ mới nhưng chưa được nghiên cứu để kịp thời bổ sung là một ví dụ. Hay những yếu tố nguy hiểm, có hại, chúng ta chưa đủ năng lực để phát hiện, đánh giá mức độ gây ra những tác động đến sức khoẻ, nhiều lĩnh vực sản xuất điện tử phần mềm, gia công điện tử, gia công các sản phẩm dệt may, gia dày, điều kiện làm việc, sự tập trung lao động đang gây ra căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, quan hệ xã hội của NLĐ nhưng chưa có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ NLĐ đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.

Các định hướng, trọng tâm trong công tác ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng

Qua cách chọn chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm, Chính phủ muốn gửi thông điệp đến Công đoàn, doanh nghiệp, người dân các vấn đề trọng tâm của công tác ATVSLĐ cũng như các nội dung, giải pháp lớn triển khai hằng năm. Đặc biệt, Tháng hành động về ATVSLĐ phải có vấn đề cụ thể, thiết thực như huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức và phải có hành động cụ thể để nhận diện nguy cơ mất an toàn, đi kèm với đó là giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu được rủi ro và cải thiện điều kiện lao động liên tục.

Sau đại dịch Covid-19, bên cạnh các yếu tố vốn có trong môi trường lao động đã phát sinh trầm trọng hơn vấn đề tâm sinh lý lao động, căng thẳng tại nơi làm việc. Do vậy, trong các năm 2022, 2023, chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ đã nhấn mạnh nội dung này, ví dụ như vấn đề sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ tại nơi làm việc.

Với nguyên tắc lấy phòng ngừa làm ưu tiên trong phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ qua từng năm đều gắn với mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, có giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, có phương pháp đánh giá để môi trường lao động của NLĐ ngày càng tốt hơn.

Năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của một quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP , Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)… và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

Với những vấn đề về ATVSLĐ, sức khoẻ NLĐ cũng như vai trò của NLĐ trong các chuỗi cung ứng hàng hoá mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia trong thời gian tới thì tổ chức Công đoàn ở các cấp cần phải xác định được những nội dung cụ thể về công tác ATVSLĐ, vấn đề sức khoẻ, an toàn của NLĐ tương ứng với từng chuỗi cung ứng mà NLĐ đang chịu gánh chịu, cũng như tác động của yếu tố điều kiện làm việc đến sức khỏe người lao động.

Từ đó, ngay từ cấp cơ sở, Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua thương lượng tập thể, đối thoại để yêu cầu NSDLĐ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đưa ra các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, hướng tới chă sóc sức khoẻ toàn diện.

Đối với hoạt động Khoa học ATVSLĐ, thì phải đề xuất các nghiên cứu khoa học với những ngành nghề mà ở đó chuỗi cung ứng hàng hoá đang phát triển, có đông lao động. Đồng thời chúng tôi cũng đang đề xuất các đề tài liên quan đến chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho NLĐ trong các khu công nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn trong công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn. Cần thiết sẽ xây dựng các mô hình chăm sóc toàn diện sức khoẻ NLĐ, các mô hình văn hoá an toàn lao động để nhân rộng trong các cấp công đoàn và công nhân lao động cả nước. Qua đó góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và triển khai ngay khâu đột phá thứ nhất trong 03 khâu đột phá mà Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 – 2028) đề ra đó là: “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”.

Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư, nhà sản xuất các mặt hàng trong nhiều chuỗi cung ứng. Chúng ta đang đươc chọn là “cứ điểm sản xuất của các chuỗi cung ứng hàng hoá” cũng như là điểm đầu và điểm quan trọng của chuỗi cung ứng một số mặt hàng nông sản chủ lực như lương thực, thuỷ sản, rau củ quả, các mặt hàng nông sản khác và một số mặt hàng công nghệ, hàng tiêu dùng. Do đó, các cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, chủ sử dụng lao động, bản thân NLĐ phải nhận thức được vai trò của công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá một cách bền vững và phục vụ cho tăng trưởng cũng như phát triển đất nước một cách ổn định và an toàn.

TS. Nguyễn Anh Thơ

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động