Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2025-2030

Thứ Ba, 23/04/2024, 09:47(GMT +7)

Xác định công tác đảm bảo an toàn và sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng và hàng đầu của tổ chức công đoàn, đặc biệt là sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW và Quốc hội ban hành Luật ATVSLĐ, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/ĐĐTLĐ ngày 10/01/2014, Kế hoạch số 03/KH-TLĐ ngày 13/01/2014 triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW đến các cấp công đoàn.

Từ đó đến nay, Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn công tác ATVSLĐ đến các cấp công đoàn. Trong đó, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành 01 Nghị quyết chuyên đề về công tác ATVSLĐ (Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017) về “Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TLĐ ngày 03/3/2017 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào ‘Xanh-Sạch-Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong tình hình mới.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc”

THỰC TRẠNG VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG HỆ THỐNG CÔNG ĐOÀN

Công tác ATVSLĐ đã được các cấp Công đoàn quan tâm, đẩy mạnh hoạt động đồng bộ các nội dung, đạt được nhiều thành tích nổi bật trên một số mặt sau:

Tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nội quy về ATVSLĐ. Thời gian qua, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã tham gia xây dựng (tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc góp ý bằng văn bản) vào 01 dự án Luật, 09 Nghị định, 26 Thông tư, 04 Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, 22 Tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.

Đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương, cơ sở và người sử dụng lao động nâng cao hiệu quả quản lý, có nhiều biện pháp thực hiện và tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ mang lại những hiệu quả thiết thực to lớn.

Các cấp công đoàn tích cực phối hợp với người sử dụng lao động kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đến nay, đã có 27.111 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên với tổng số 276.137 an toàn, vệ sinh viên.

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ được các cấp công đoàn quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng về ATVSLĐ. Hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ATVSLĐ ngày càng đa dạng, đổi mới bằng các hình thức trực quan, sinh động, nội dung phong phú, tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hằng năm, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và người sử dụng lao động tổ chức phát động và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động – PCCN (từ năm 2016 trở về trước) và Tháng hành động về ATVSLĐ kết hợp Tháng Công nhân hằng năm (từ năm 2017 đến nay).

Để tập trung nguồn lực, tăng cường sự phối hợp giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và tổ chức công đoàn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn đã sáng kiến phối hợp tổ chức chung Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân; Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn kịp thời tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp vừa đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc, vừa ổn định việc làm, thu nhập, hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do mất việc, giảm việc, ngừng việc, đặc biệt là công nhân nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật.

Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, nhiều diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ đã được thực hiện góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả người lao động, người sử dụng lao động về chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.

Trong 10 năm, từ 2013 – 2022, các cấp công đoàn đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay An toàn vệ sinh tới người lao động và an toàn vệ sinh viên; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ trên các báo, tạp chí của hệ thống công đoàn, của các bộ, ngành, địa phương, đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Công tác thông tin, tuyên truyền của hệ thống công đoàn từ trung ương đến địa phương đã tập trung vào việc phản ánh các mô hình tốt, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có sáng kiến trong lĩnh vực ATVSLĐ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào thi đua về ATVSLĐ, đưa tin, phản ánh kịp thời, công khai các vụ việc vi phạm, xảy ra tai nạn lao động, sự cố xảy ra trong quá trình làm việc.

Tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ cho người lao động, an toàn vệ sinh viên. Hằng năm, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động và an toàn vệ sinh viên. 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức/phối hợp tổ chức 191.481 cuộc/lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn vệ sinh viên. Nội dung tập huấn, huấn luyện đã chú trọng hơn vào các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, nguy cơ mất an toàn lao động, các biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vào thời điểm 2020-2022, dịch Covid-19 bùng phát.

Tăng cường phối hợp kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ theo hướng chủ động và hiệu quả hơn. Hằng năm, Tổng Liên đoàn đều phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động. Nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã xây dựng kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác ATVSLĐ. 10 năm qua, công đoàn cấp trên cơ sở đã tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát 41.294 cuộc với 127.624 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động 208.182 cuộc.

Qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, có 495.000 nguy cơ, vi phạm về ATVSLĐ được phát hiện, kiến nghị yêu cầu khắc phục; từ đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 218.000 nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ.

Việc phối hợp trong công tác điều tra tai nạn lao động cũng đã tốt hơn. Hầu hết các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng đều có đại diện công đoàn tham gia, qua đó góp phần xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ tai nạn; đề ra các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động tương tự, tái diễn và giám sát việc giải quyết chế độ tai nạn lao động kịp thời, đầy đủ cho người bị tai nạn lao động.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thực thuộc TLĐ thực hiện nhiều đề tài khoa học để đưa ra những cơ sở khoa học giúp Tổng Liên đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, đưa ra những giải pháp để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, phòng chống TNLĐ và BNN, đề xuất bổ sung bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội ở nước ta. Công tác đào tạo cán bộ có trình độ đại học, cao học về ATVSLĐ được Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện tốt, hằng năm cung cấp cho các ngành kinh tế – xã hội hàng trăm cán bộ ATVSLĐ.

Trong 10 năm qua, đã có trên 266.000 công trình, sáng kiến, đề tài liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện; nhiều sáng kiến đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, làm lợi về kinh tế nhiều ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2023, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã và đang triển khai thực hiện 167 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp, các nghiên cứu tập trung vào điều kiện làm việc, các nguy cơ rủi ro ở các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát hiện bệnh nghề nghiệp, đánh giá, dự báo tác hại nghề nghiệp đến sức khỏe người lao động, các giải pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe người lao động, các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho kết quả có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở áp dụng.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN NGHIÊN CỨU TRONG 5 NĂM TỚI

Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ làm cho các doanh nghiệp đối mặt với các yêu cầu khắt khe về điều kiện làm việc và an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Pháp luật lao động tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy thị trường lao động và quan hệ lao động phát triển, vận hành đầy đủ theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Việc thiết lập và thực hiện quan hệ lao động sẽ do chính các bên tiến hành thông qua phương thức thương lượng, thỏa thuận, đối thoại là chủ yếu.

Để thực hiện tốt chức năng của mình, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tập trung đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn về ATVSLĐ. Để làm được điều này, Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn cần chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu về ATVSLĐ, nhất là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cơ sở. Điều này đỏi hỏi, các cấp công đoàn cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát, phát hiện, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc trên quan điểm lợi ích và an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động. Chủ động nghiên cứu đề xuất bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội. Ví dụ, nghiên cứu về điều kiện lao động của giáo viên mầm non hay công nhân lao động ngành may mặc, da giầy, thủy sản.

Tăng cường công tác nắm bắt thông tin, lắng nghe phản ánh từ cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tình hình thực hiện chế độ, chính sách ATVSLĐ của các doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại từ cơ sở đến trung ương nhằm trực tiếp giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng, tác động đến an toàn, sức khỏe, tính mạng, điều kiện làm việc của đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn chủ động hơn nữa, tăng cường phối hợp với các cơ quan, chức năng, người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác giám sát của tổ chức công đoàn và phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Củng cố và tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn và chuyên gia về ATVSLĐ. Lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở các cấp công đoàn được đào tạo chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động.

Tiếp tục đổi mới, đa dạng về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng tính hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ, chú trọng tuyên truyền trực quan, giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; phổ biến phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến cán bộ công đoàn, người lao động; góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực nhận biết các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ, kỷ luật lao động, tự bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động. Sử dụng hiệu quả mạng lưới an toàn vệ sinh viên vào công tác tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ.

Tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, sức lan tỏa của các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, đặc biệt là phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện phong trào đảm bảo tính thường xuyên, liên tục; tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò nòng cốt của phong trào, song cũng cần nghiên cứu sửa đổi, đổi mới phù hợp với tình hình mới, quan tâm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Đổi mới nội dung, phương pháp triển khai phong trào gắn với thực tiễn ở địa phương, ngành, cơ sở, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia hưởng ứng. Nâng cao chất lượng khen thưởng của các cấp công đoàn từ tiêu chuẩn đến công tác tổ chức thực hiện, trở thành động lực phấn đấu của các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh công tác phát hiện, lựa chọn, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

Công đoàn cơ sở tăng cường đối thoại, thương lượng về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc; ATVSLĐ, bữa ăn ca trong Thỏa ước lao động tập thể; chủ động phối hợp, đôn đốc người sử dụng lao động rà soát các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ, tổ chức đánh giá các nguy cơ mất ATVSLĐ; tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích người lao động phát hiện các nguy cơ mất ATVSLĐ, đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ và tạo cơ chế thuận lợi cũng như phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động./.

ThS. Hồ Thị Kim Ngân

Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động -Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam