Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá ở Ninh Bình
Hiện nay, các mỏ khai thác đá tại Ninh Bình không chỉ đáp ứng về nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình mà còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích thì các mỏ đá này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình khai thác.
Tai nạn luôn rình rập
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 32 mỏ khai thác đá đang hoạt động với hàng trăm công nhân lao động.
Hàng ngày làm việc trong môi trường khắc nghiệt, trang bị bảo hộ lao động lại sơ sài khiến những công nhân, lao động tại đây đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động xảy ra bất kỳ lúc nào.
Theo quan sát của PV Lao Động, tại hầu hết các mỏ khai thác đá, công nhân đều không được trang bị đồ bảo hộ hoặc trang bị sơ sài. Nguy hiểm nhất là những người làm công tác nổ mìn, họ phải ôm máy khoan bám dây thừng và trèo bằng tay lên vách núi cao cả chục mét để khoan lỗ nhồi thuốc nổ.
Mới đây, vào ngày 25.3, tại mỏ khai thác đá làm vạt liệu xây dựng của Công ty TNHH Tô Tiến Phát (tại thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) đã xảy ra một vụ tai nạn khiến một người chết.
Theo một số công nhân ở đây, trong lúc khai thác đá anh T, sinh năm 1979 (trú tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã bị trượt chân ngã và tử vong tại chỗ.
Cũng trên địa bàn thành phố Tam Điệp, vào ngày 19.4, tại mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân vận tải Sơn Linh đã xảy ra một vụ tai nạn khiến 2 người thương vong.
Theo lời kể của những công nhân ở đây, vào khoảng 16h45, ngày 19.4, trong lúc vận hành máy bơm nước, ông S, sinh năm 1965, (trú phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) đã bị điện giật bất tỉnh. Thấy vậy, anh H, công nhân làm việc tại mỏ đá đã lao đến kéo ông S lên nhưng cũng bị điện giật nằm bất động tại chỗ.
Sự việc sau đó được những công nhân khác phát hiện, nhanh chóng cắt nguồn điện và đưa ông S và anh H đi cấp cứu. Tuy nhiên, chỉ có anh H là qua khỏi còn ông S đã tử vong.
Tai nạn lao động còn diễn biến phức tạp
Ông Lâm Xuân Phương – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình – cho biết, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số mặt hạn chế. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xảy ra 93 vụ tai nạn lao động, trong đó có 8 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 9 người.
Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chủ yếu xảy ra ở những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao như: Khai thác khoáng sản, xây dựng, vận hành máy và thiết bị sản xuất.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên là do việc phối hợp, tổ chức triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại một số địa phương còn chưa đồng bộ; ý thức, kỷ luật lao động còn chưa cao; một bộ phận người lao động còn thiếu kiến thức về kỹ thuật an toàn và nhận diện các yếu tố rủi ro; vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Cũng theo ông Phương, nhằm triển khai có hiệu quả, giúp người sử dụng lao động và người lao động nắm vững các biện pháp làm việc an toàn, ngày 25.4 vừa qua, Ban chỉ đạo Tháng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Ninh Bình đã phát động hưởng ứng “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.