Ứng dụng KHCN, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động
Thời gian qua, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trong các lĩnh vực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Khẳng định vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
TS Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết, thời gian qua, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện lao động đang trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật trong thương mại do các chuẩn mực về lao động như an toàn, vệ sinh lao động được quốc tế hóa ở cấp độ cao hơn.
Theo kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giai đoạn 2013 – 2023, Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã và đang thực hiện 167 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp.
Nhiều năm qua, Viện đã có những đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc ở nước ta.
Các đề tài nghiên cứu thực hiện trong các giai đoạn 2013-2023 đều bám sát phương hướng và nhiệm vụ được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động trong định hướng hoạt động giai đoạn 2010 – 2015, 2016 – 2020, 2021 – 2030.
Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều cho kết quả có tính ứng dụng, có giá trị thực tiễn, được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tìm cách áp dụng. Các sản phẩm của những công trình nghiên cứu giai đoạn 2013 – 2023 đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.
Nhiều nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ về an toàn vệ sinh lao động nổi bật
Theo TS Thơ, kết quả hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ về vệ sinh an toàn lao động và bảo vệ môi trường của Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động được đánh giá cao với khoảng 50 sản phẩm nổi bật.
Về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động, các đơn vị thuộc viện đã thực hiện quan trắc môi trường tính đến năm 2022 cho 7.577 đơn vị, ước tính đến hết năm 2023 quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị. Kết quả quan trắc cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.
Kết quả quan trắc môi trường đã góp phần tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các yếu tố có hại giúp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp.
Trong quá trình quan trắc cũng phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp, đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.
Về kết quả tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường: Thực hiện huấn luyện sức khoẻ nghề nghiệp, huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động tại các doanh nghiệp: Tính đến hết năm 2022, tập huấn cho khoảng 200 đơn vị và hết năm 2023, tập huấn cho khoảng 230 đơn vị.
Thực hiện tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho tính đến hết năm 2022 cho 151.363 lượt người với 1.577 lớp. Ước tính đến hết năm 2023 tập huấn được 160.619 lượt người với 1.647 lớp.
Về kết quả khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho các bộ, công nhân, viên chức, lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Mỗi năm trung bình khám sức khoẻ định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho khoảng từ 50.000 – 90.000 lượt người.
Tính đến hết năm 2022, tổng số lượt khám là 547.284 lượt người. Trung bình mỗi năm khám cho 150 – 200 doanh nghiệp. Ước tính đến hết năm 2023, tổng số lượt khám sức khoẻ là 652.319 lượt người với khoảng 1.700 doanh nghiệp.
Về định hướng nghiên cứu về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường lao động, theo TS Nguyễn Anh Thơ thời gian qua, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có các nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, mô hình văn hóa an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, trong hoạt động an toàn vệ sinh lao động và thu nhận xử lý dữ liệu an toàn vệ sinh lao động, môi trường lao động trên môi trường số
Nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp và xây dựng danh mục bệnh nghề nghiệp. Đồng thời hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ an toàn, vệ sinh lao động.
(Nguồn tin: laodong.vn)