Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7011-8:2013 về Quy tắc kiểm máy công cụ – Phần 8: Rung động

Thứ Hai, 25/12/2023, 11:51(GMT +7)

TCVN 7011-8:2013 hoàn toàn tương đương với ISO/TR 230-8:2010; TCVN 7011-8:2013 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 39 Máy công cụ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này nhằm mục đích chuẩn hóa các phương pháp kiểm đặc tính của máy công cụ, thường không lắp dụng cụ cắt của máy, và không kể tới các dụng cụ máy cầm tay. Tiêu chuẩn này thiết lập các quy trình chung cho việc đánh giá rung của máy công cụ.

Sự cần thiết đối với sự kiểm soát rung được công nhận mục đích để các loại rung tạo ra các tác động không mong muốn được giảm bớt. Các tác động này được nhận biết chủ yếu là:

– Đặc tính gia công không chấp nhận được đối với độ chính xác và gia công tinh bề mặt;

– Sự mài mòn hoặc hư hỏng sớm của các bộ phận máy;

– Tuổi thọ dụng cụ cắt bị giảm;

– Mức độ ồn không chấp nhận được;

– Các tổn thương về thân thể đối với người vận hành máy.

Tiêu chuẩn này quy định các loại rung động khác nhau có thể xuất hiện giữa bộ phận kẹp dụng cụ cắt và bộ phận kẹp chi tiết gia công của máy công cụ (để đơn giản, các bộ phận này thường được gọi là “dụng cụ cắt” và “chi tiết gia công”). Đây là các loại rung có thể gây ảnh hưởng xấu đến sản phẩm của cả gia công tinh bề mặt nghiệm thu được và chi tiết gia công chính xác.

Tiêu chuẩn này không hướng chính vào các chuyên gia phân tích rung và những người thường xuyên làm việc phân tích rung trong môi trường nghiên cứu và phát triển. Do đó, tiêu chuẩn này không thay cho các tài liệu sách chuẩn về rung (xem Thư mục tài liệu tham khảo). Tuy nhiên, tiêu chuẩn này hướng cho nhà chế tạo và người sử dụng có kiến thức kỹ thuật chung để tăng sự hiểu biết của họ về các nguyên nhân rung bằng cách đưa ra một tổng quan lý thuyết cơ bản liên quan.

Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các quy trình đo cơ bản để đánh giá loại rung nào đó có thể xảy ra ở máy công cụ:

– Rung xuất hiện do mất cân bằng cơ học;

– Rung sinh ra do sự hoạt động của các bộ phận trượt của máy;

– Rung truyền đến máy do các ngoại lực;

– Rung sinh ra do quá trình cắt bao gồm cả các rung tự kích thích (tự rung).

Ngoài ra, tiêu chuẩn này đề cập việc áp dụng kích thích rung nhân tạo với mục đích phân tích kết cấu.


(Nguồn tin: Trích dẫn TCVN 7011-8:2013)