An toàn sức khỏe cho người lao động
Hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện thực hành, kỹ năng đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động huyện Sơn Hòa được khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí. Ảnh: LÝ TÂM
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, công ty, đơn vị cũng đã phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ), giúp họ yên tâm làm việc tốt hơn.
Có sức khỏe, yên tâm làm việc
LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ huyện Phú Hòa vừa phối hợp với Công đoàn ngành Y tế tổ chức khám sức khỏe, tầm soát phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 100 công nhân lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát.
Tại buổi khám, các công nhân không chỉ được khám tổng quát về thể lực, nội khoa, ngoại khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, sản phụ khoa, cận lâm sàng…, mà còn được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo đặc thù của ngành sản xuất. Qua đó tầm soát và sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của NLĐ, người sử dụng lao động; hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Tôi làm công nhân ở Đại Hưng Phát được 2 năm rồi. Hằng năm, công ty đều hợp đồng với Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa khám sức khỏe cho NLĐ. Khi đau bệnh bất ngờ, chúng tôi cũng được sơ cứu ban đầu nên yên tâm làm việc. Hôm nay được các đơn vị tổ chức khám sức khỏe để phát hiện bệnh nghề nghiệp chị em rất vui, vì sức khỏe tốt mới đảm bảo công việc, thu nhập cũng ổn định hơn.
Qua khám, siêu âm, chị Lê Thị Liễu phát hiện mắc bệnh phụ khoa; bác sĩ đã kê đơn thuốc, cấp thuốc miễn phí để điều trị ban đầu. Chị Liễu nói: Mấy hôm nay tôi thấy hơi đau bụng nhưng cố gắng đi làm. Nay nhờ có đợt khám mới phát hiện bệnh. Tôi sẽ cố gắng điều trị, ổn định sức khỏe để tiếp tục làm việc.
LĐLĐ, Trung tâm Y tế, BHXH và Huyện đoàn Sơn Hòa cũng vừa phối hợp tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, chính sách BHXH, BHYT cho đoàn viên, thanh niên lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Tại chương trình, 50 nữ đoàn viên và NLĐ của 5 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, được các bác sĩ, chuyên viên chuyên môn khám phụ khoa, tư vấn, chăm sóc sức khỏe miễn phí. Cùng với đó, chị em còn được giới thiệu về chính sách BHXH, BHYT và giải đáp thắc mắc khi khám chữa bệnh BHYT; hướng dẫn khám chữa bệnh bằng VssID, VNeID, căn cước công dân gắn chíp.
Theo Luật ATVSLĐ, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất một lần/năm. Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động là người khuyết tật, cao tuổi, chưa thành niên thì phải được khám ít nhất 6 tháng một lần. |
Là công nhân mới vào nghề, lần đầu tiên được khám sức khỏe, chị Ngô Thị Chơn, làm việc tại Chi nhánh Công ty Sản xuất đá granit Phú Yên TNHH bày tỏ: Tôi cùng nhiều chị em khác được các bác sĩ khám sức khỏe, siêu âm, phát thuốc miễn phí. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa giúp chúng tôi có cơ hội kiểm tra sức khỏe, qua đó cẩn thận hơn trong công việc để đảm bảo ATVSLĐ, an toàn cho bản thân.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cho biết: Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn là một trong những việc làm thường niên, được Công đoàn ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả.
Hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024, các đơn vị đã có kế hoạch liên tịch tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, chính sách BHXH, BHYT cho đoàn viên, thanh niên lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện nhằm truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho họ. Việc thăm khám, tầm soát đã giúp phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp của NLĐ, từ đó NLĐ nắm bắt được sức khỏe của mình để có kế hoạch làm việc hợp lý, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty, doanh nghiệp.
Cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn
Theo Luật ATVSLĐ, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất một lần/năm. Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động là người khuyết tật, cao tuổi, chưa thành niên thì phải được khám ít nhất 6 tháng một lần.
Theo số liệu báo cáo của 48 doanh nghiệp, trong năm 2023, các đơn vị đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 3.807 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 13.503 NLĐ. Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH Nguyễn Duy Linh |
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thời gian qua, cùng với quan tâm chăm sóc sức khỏe NLĐ, các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh đều chú trọng nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Người lao động được bác sĩ tư vấn về sức khỏe và chế độ BHYT, BHXH. Ảnh: LÝ TÂM
Còn theo ông Nguyễn Duy Linh, Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH, qua kết quả kiểm tra hằng năm của ngành và liên ngành cho thấy, công tác khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm triển khai, bố trí công việc hợp lý, thực hiện các chế độ, chính sách liên quan với NLĐ. Những doanh nghiệp có môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, công nhân còn được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hợp lý, đảm bảo sức khỏe để làm việc. Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp, trong năm 2023, các đơn vị đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 3.807 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 13.503 NLĐ.
“Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024 đã được các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ với nhiều hoạt động đúng theo kế hoạch của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế bộ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ theo quy định của pháp luật; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; phối hợp tham gia chiến dịch truyền thông về thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ”, ông Phan Đại Thắng nhìn nhận.
KIM CHI – LÝ TÂM