Báo động tình trạng gia tăng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp (Tiếp theo và hết)
Khám, điều trị cho người bệnh tại Khoa bệnh phổi nghề nghiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương). Ảnh: MINH HÀ
Bài 2: Buông lỏng quản lý sức khỏe nghề nghiệp –
Tình trạng chung là doanh nghiệp (DN) thờ ơ với sức khỏe NLĐ, trong khi NLĐ không biết hoặc không dám đòi hỏi quyền lợi; công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, phòng ngừa và điều trị BNN của ngành chức năng còn nhiều bất cập.
Bài 1: Bệnh nghề nghiệp đe dọa sức khỏe người lao động
Nhiều người mắc bệnh nhưng ít được khám
Anh Lương Văn Khiếu, 32 tuổi, quê ở xã An Phụ (Kinh Môn, Hải Dương), là công nhân khai thác hầm lò Công ty Than Quang Hanh (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) được 12 năm. Nửa năm nay, anh thường xuyên bị những cơn ho kéo dài, uống thuốc không khỏi. Tháng 8-2016, anh Khiếu phải cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương do viêm phổi cấp. Ra viện chưa được một tháng, anh tiếp tục nhập viện do bệnh tái phát. Quá trình khám, điều trị tại đây, các bác sĩ xác định anh mắc bệnh bụi phổi than do yếu tố nghề nghiệp.
Theo quy định hiện hành, trường hợp như anh Khiếu phải được DN hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng giám định y khoa, bảo hiểm xã hội (BHXH) địa phương để giám định BNN. Nếu anh Khiếu được xác định mắc bệnh nằm trong danh mục BNN, bị suy giảm khả năng lao động (hay tỷ lệ tổn thương cơ thể) từ 5% trở lên sẽ được chi trả bồi thường theo quy định của Luật BHXH. Ngoài ra, anh Khiếu còn được DN chuyển đổi, bố trí việc làm phù hợp, được khám sức khỏe sáu tháng một lần, được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã được DN bố trí công việc nhẹ nhàng hơn, nhưng anh Khiếu vẫn chưa được giám định BNN để hưởng chính sách bồi thường.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ anh Khiếu mà phần lớn công nhân khai thác mỏ phải có “thâm niên” làm việc ít nhất 15 năm mới “đủ tuổi” được DN gửi đi giám định để hưởng chế độ BNN. Nhiều trường hợp chưa “đến tuổi”, dù đã có triệu chứng của các bệnh liên quan yếu tố nghề nghiệp vẫn phải đợi tuổi. Tại Bệnh viện Than – Khoáng sản, chúng tôi gặp anh Phan Văn Độ, 52 tuổi, là công nhân của Công ty Than Dương Huy (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam). Anh Độ làm công nhân vận hành tàu điện từ năm 1983, nhưng đến năm 2014, tức là sau 31 năm, mới được giám định BNN, dù các triệu chứng của bệnh đã có từ lâu. Cũng tại Công ty Than Dương Huy, có anh Mai Văn Hạnh, 48 tuổi, mới được giám định BNN sau 18 năm làm việc dưới hầm lò. Phần lớn những công nhân khai thác mỏ bị mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp, chỉ sau khi được giám định sức khỏe mới được DN cho đi điều trị súc rửa phổi. Theo bác sĩ Trần Quang Lương, Giám đốc Bệnh viện Than – Khoáng sản, những trường hợp bị bệnh bụi phổi thì việc điều trị rửa phổi cần được tiến hành càng sớm càng tốt.
Thời gian qua dư luận cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng các DN, cơ sở lao động “trốn” khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN cho NLĐ. Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất mỗi năm một lần. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất sáu tháng/lần. Thế nhưng, sau hơn 20 năm Bộ luật này có hiệu lực thi hành, đến nay mới chỉ có khoảng hơn 10% số cơ sở lao động thực hiện các quy định này, chủ yếu là DN có quy mô lớn. Có nhiều DN mấy năm liền không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Có những lao động làm hàng chục năm trong nghề có yếu tố độc hại mà chưa một lần được khám BNN. Ở một vài địa phương, nhiều năm qua, chưa khám, phát hiện và điều trị được một trường hợp nào mắc BNN.
Phó Cục trưởng An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Bùi Đức Nhưỡng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, hầu hết các DN vừa và nhỏ không thực hiện quy định về khám sức khỏe, khám BNN cho NLĐ. Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh cũng xác nhận, trong tổng số hơn 10 triệu NLĐ đang làm việc có đóng BHXH, mỗi năm chỉ có khoảng 100 nghìn lượt NLĐ được khám BNN, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%. Việc khám BNN cũng chỉ thực hiện được tại 38 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong số hơn 6.000 trường hợp được phát hiện BNN mỗi năm, chỉ có hơn 500 trường hợp được giám định để hưởng chế độ bảo hiểm, chiếm chưa đến 10% tổng số người phát hiện bệnh. Trên thực tế, đã có hàng chục nghìn NLĐ làm việc trong môi trường độc hại phải xin về “hưu non” do suy giảm sức khỏe, nhưng không biết mình mắc BNN để đòi hỏi quyền lợi.
Văn bản ban hành chậm và bất cập
Từ năm 1976, nước ta công nhận tám BNN được hưởng BHXH. Qua năm lần bổ sung tiếp theo vào các năm: 1991; 1997; 2006; 2012; 2015, tổng cộng đến nay mới có 34 BNN được bảo hiểm. Trong khi, trên thực tế có rất nhiều bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động xấu tới sức khỏe NLĐ.
Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật – Bảo hộ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã từng khảo sát hàng trăm công nhân nữ làm việc trong các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh. Kết quả cho thấy, chu vi bắp chân của họ tăng từ 0,5 cm đến 1,5 cm sau một ca đứng làm việc. Đây là triệu chứng rất rõ của bệnh giãn tĩnh mạch chân do tác động của yếu tố nghề nghiệp. Nhưng đến nay, bệnh này chưa có trong danh mục BNN được bảo hiểm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, một số bệnh đặc thù như: rối loạn cơ xương của công nhân sản xuất giày, bệnh tiếp xúc với dung môi hữu cơ, nội dịch thủy hải sản của công nhân chế biến thủy hải sản cũng chưa nằm trong danh mục BNN, trong khi nhiều nước đã công nhận đó là BNN.
Theo quy định, NLĐ chỉ được hưởng trợ cấp BNN do quỹ BHXH chi trả khi bị bệnh thuộc danh mục BNN. Việc xác định là BNN phải đáp ứng hai điều kiện: được hội đồng giám định y khoa giám định mức suy giảm khả năng lao động; có biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại hoặc kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động trong thời hạn 24 tháng do cơ quan có thẩm quyền lập. Trong khi đó, BNN chỉ phát sinh khi NLĐ làm việc trong môi trường độc hại trong một thời gian dài, tiếp xúc nhiều và thường xuyên với các chất độc hại. Mặt khác, phần lớn các DN “trốn” đo, kiểm tra môi trường lao động, “trốn” tổ chức khám sức khỏe định kỳ và “trốn” khám phát hiện BNN cho NLĐ, cho nên có rất nhiều NLĐ dù mắc BNN nhưng không được giám định, không được hưởng chính sách bồi thường. Những trường hợp NLĐ bị BNN nhưng đã nghỉ việc, hoặc về hưu, còn không biết phải làm thế nào để được giám định, được hưởng chính sách đền bù sức khỏe vì cho đến nay, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm việc này. Cũng vì những “vướng mắc” đó mà hiện nay số NLĐ được giám định để hưởng bảo hiểm BNN chiếm tỷ lệ rất thấp. Đơn cử, trong số gần 9.000 trường hợp nghi mắc BNN trong năm 2015, chỉ có 636 trường hợp được giám định, được hưởng chế độ. Trong khi, các cơ sở lao động vừa “trốn” được khoản chi phí đo đạc môi trường, chi phí khám bệnh, vừa “trốn” được khoản bồi thường thiệt hại sức khỏe cho NLĐ bị mắc BNN.
Cần có chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ
Theo TS, BS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) thì hệ thống khám phát hiện, chẩn đoán, giám định, điều trị BNN ở nước ta vẫn còn yếu cả về tổ chức, nhân lực và trang, thiết bị.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện cả nước mới chỉ có 63 khoa y tế lao động và 53 phòng khám BNN, với hơn 300 bác sĩ. Số trung tâm có từ năm bác sĩ trở lên chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp phát triển như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Nhiều tỉnh chỉ có một vài bác sĩ, thậm chí có tỉnh không có bác sĩ nào làm công tác y tế lao động. Số bác sĩ được đào tạo y tế lao động và đào tạo chuyên môn về BNN cũng rất hạn chế. Các bác sĩ làm công tác y tế lao động chủ yếu dành thời gian cho việc đo, kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, mà ít dành thời gian thực hiện khám BNN.
Từ nhiều năm nay, các khoa BNN của Bệnh viện E, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) hầu như không hoạt động. Một số khoa của một số bệnh viện khác trước đây có tham gia khám dịch vụ khám BNN, tiếp nhận bệnh nhân mắc BNN để điều trị, nhưng thời gian gần đây, các khoa này cũng không khám BNN, do các bác sĩ chuyên ngành sức khỏe nghề nghiệp đã về hưu, trong khi không có bác sĩ thay thế… Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường ở các tỉnh là đơn vị có chức năng khám, phát hiện BNN, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, nhưng do năng lực khám BNN và thực hiện các kỹ thuật lâm sàng giúp chẩn đoán BNN hạn chế, nhiều cán bộ chuyên môn chưa có chứng chỉ khám BNN, trang thiết bị máy móc phục vụ khám chẩn đoán BNN thiếu, cho nên hầu như các trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN cho NLĐ trên địa bàn. Việc phát hiện, tầm soát BNN đã khó, việc điều trị càng nan giải do có quá ít cơ sở y tế quan tâm đến BNN. Hiện nay, cả nước chỉ có một khoa BNN chuyên sâu là Khoa BNN tại Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng – Điều trị BNN tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay khoa này vẫn chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để điều trị tất cả các loại BNN, một số loại bệnh vẫn phải gửi sang các bệnh viện khác để điều trị. Trong khi có tới hàng chục nghìn NLĐ được xác định mắc bệnh phổi nghề nghiệp thì hiện cả nước chỉ duy nhất Bệnh viện Phổi Trung ương có Khoa bệnh phổi nghề nghiệp, mới thành lập hơn một năm, thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những người mắc bệnh phổi nghề nghiệp và điều trị phục hồi sức khỏe cho NLĐ sau khi mắc bệnh và đã được giám định BNN.
Mặc dù, tình trạng NLĐ suy giảm sức khỏe và phơi nhiễm với các BNN đã đến mức báo động, số người chết vì BNN còn cao hơn cả chết vì tai nạn lao động, nhưng thời gian qua, công tác phòng, chống, đẩy lùi BNN lại chưa được chú trọng. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, các thông tin, số liệu thống kê về BNN từ các ngành chức năng còn quá xa với thực tế. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về BNN. Do các dữ liệu, thông tin về BNN chưa được thu thập, cập nhật đầy đủ, chính xác theo một hệ thống, cho nên không phản ánh đúng thực trạng tình hình.
Theo PGS, TS Nguyễn An Lương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, BNN tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Xây dựng chiến lược phòng ngừa chính là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà BNN mang lại. Trong xây dựng chiến lược này, cần coi trọng nội dung xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc; cần tập trung nghiên cứu, sớm bổ sung danh mục BNN được bảo hiểm… Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng), bác sĩ Lê Hữu Nghị cũng cho rằng, cần có một chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, để không chỉ bảo đảm quyền lợi của NLĐ, mà còn bảo vệ nguồn “tài nguyên” vô giá của xã hội.
Việc chậm bổ sung các BNN được bảo hiểm trong nhiều năm qua đã gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ. Mặt khác, từ năm 2010, Tổ chức Lao động quốc tế đã ban hành danh mục gồm 105 BNN, nhưng cho đến nay nước ta mới công nhận 34 BNN (thực tế mới giám định được 25 BNN) là quá ít và quá thiếu – PGS, TS Nguyễn An Lương, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam
ANH THƠ
(Nguồn tin: Báo điện tử Nhân dân)