Bệnh bụi phổi bông (Byssinoses)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Trong đời sống cộng đồng các sản phẩm bông vải sợi là không thể thiếu. Các loại bụi. từ bông vải sợi lọt vào đường thở gây khó thở. Bệnh bụi phổi bông là tình trạng khó thở ở người tiếp xúc với bụi vải sợi được Ramazzini phát hiện ở những người thợ dệt vải, đay, gai… từ thế kỷ XVII. Khi nền công nghiệp dệt ở châu âu phát triển thì bệnh này cũng được phát hiện nhiều bởi số người tiếp xúc ngày một tăng, đặc biệt là tình trạng suy giảm chức năng hô hấp bắt buộc bệnh nhân phải đến với thầy thuốc. Khi kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp có những tiến bộ rõ rệt thì bệnh bụi phổi bông đã được khẳng định và chẩn đoán phân biệt rõ rệt với các bệnh khác ở phổi.

Chưa có ảnh

I. NGUYÊN NHÂN, CƠ CHẾ BỆNH SINH

1.1. Tác nhân gây bệnh

Byssinoses là bệnh phổi nghề nghiệp (không thuộc loại bệnh bụi phổi thông thường) gặp trên công nhân tiếp xúc với bụi bông, lanh, gai, sợi dứa dại (ít gặp trong công nhân tiếp xúc với bụi đay) biểu hiện bệnh đặc trưng bằng hội chứng ngày thứ hai: tức ngực khó thở vào cuối ngày làm việc sau ngày nghỉ. Nguyên nhân gây bệnh thường là bụi bông, đây là loại bụi thực vật dạng sợi. Thành phần bụi bông rất phức tạp, bao gồm sợi bông (cellulose), các thành phần rác (từ thân, lá, vỏ bông, vỏ quả và lá bẹ), thành phần đất nơi trồng bông và các vi sinh vật. Thành phần bụi bông rất thay đổi, thậm chí bông trồng từ một cánh đồng cũng có các thành phần khác nhau.

Trong thành phần bụi bông, cellulose là chất trơ sinh học, chiếm tỷ lệ cao nhất. Hàm lượng SiO2 tự do trong bụi bông rất ít (0,l – 5%). Thành phần hoá học rất phức tạp. Trong đó chất tanin ngưng đọng có thể đóng vai trò gây bệnh. Thành phần vi sinh vật (nhất là vi khuẩn) trong bụi bông được coi là chỉ số c nhiễm bụi bông. Các nội độc tố của vi sinh vật được coi là tác nhân chủ yếu gây bệnh Byssinoses, điều này được chứng minh trên thực nghiệm và trong điều tra dịch tễ học của các nghiên cứu gần đây. Tuy vậy, yếu tố nào trong bụi bông gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh thì chưa được xác định hết. Người ta chỉ biết rằng, chúng hoà tan được trong nước, qua lọc ở cỡ 0,22µ m, bay hơi ở 400C (Haminton et al – 1973). Tuy rằng đa số các tác giả nghĩ đến khả năng bụi bông có đặc tính dị nguyên nên mới gây ra các hội chứng bệnh lý tương ứng mà ta có thể gặp.

Các bụi sợi thực vật khác: Bụi lanh, gai, bụi cây dứa kẻo sợi cũng là tác nhân gây Byssinoses, trong đó bụi lanh có hoạt tính sinh học cao nhất, cao hơn bụi bông. Các bụi này chỉ gây bệnh khi quá trình xử lý nguyên liệu bằng phương pháp ngâm (phương pháp sinh học) để lấy sợi. Theo các tác giả nước ngoài bụi đay là bụi ít hoặc không có hoạt tính sinh học gây Byssinoses.

1.2. Các nghề tiếp xúc

Tiếp xúc với bụi bông gặp trong quá trình cán hạt bông, đóng kiện bông, bộ phận cào, xé bông, chải bông, ghép và kẻo sợi thô, máy sợi con, xe và dệt vải.

Công nhân nhà máy chế biến bông y tế do quá trình hấp ướt bông nguyên liệu, thành phần gây bệnh trong bông bị loại trừ, vì vậy ở đây không có nguy cơ mắc bệnh Byssinoses.

Tại các cơ sở sử dụng bông tái sinh, do bông bị nhiễm bẩn bởi vi sinh vật rất nặng nề, ở đây có nguy cơ bị sốt do bội nhiễm, nhiễm trùng nhiều hơn là nguy cơ bị Byssinoses.

Tại phân xưởng dệt vải, bên cạnh bụi bông còn có bụi hồ sợi, có nhiều nấm mốc, công nhân ở đây có nguy cơ mắc Byssinoses thấp nhất nhưng lại có thể mắc bệnh “Ho của thợ dệt” do viêm nhiễm ở bộ máy hô hấp.

Trong công nghiệp chế biến và kẻo sợi lanh – gai, dứa sợi, bụi phát sinh nhiều ở bộ phận làm mền, chải và kẻo sợi.

Theo nhiều cuộc điều tra tại các nước công nghiệp phát triển (Anh, Mỹ, Nam Tư, Nga, Nhật) và một số nước Ả Rập, tỷ lệ Byssinoses trong công nhân từ 5 – 8%. Ở nước ta, qua điều tra của Bộ môn Y học lao động và Trạm vệ sinh lao động Bộ Công nghiệp nhẹ tại Liên hợp dệt, ở đầu dây chuyền kẻo sợi, tỷ lệ công nhân mắc Byssinoses giai đoạn l: 34,1%, giai đoạn 2: 8%. Tại bộ phận dệt vải, tỷ lệ công nhân mắc rất thấp 2,2%. Cũng trong nhà máy này, phát hiện được 41,2% công nhân có biểu hiện co thắt phế quản cấp tính vào “ngày thứ hai”.

1.3. Cơ chế bệnh sinh

Cơ chế gây bệnh Byssinoses cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, song do bụi bông có độc tính như là một dị nguyên, khi vào cơ thể gây dị ứng kèm theo bội nhiễm, tuy bụi bông đơn thuần là bụi ít gây dị ứng trong thực nghiệm. Tình trạng co thắt phế quản cấp tính trong công nhân tiếp xúc là do sự giải phóng histamin từ tổ chức phổi dưới tác động của tác nhân gây bệnh thông qua hoặc không thông qua cơ chế miễn dịch được nhiều người công nhận nhất. Nhiều tác giả cũng cho rằng bệnh phát triển trên “nền” của tình trạng mẫn cảm với bụi bông.

II. BIỂU HIỆN BỆNH LÝ

2.1. Biểu hiện lâm sàng

Ở giai đoạn sớm của bệnh, biểu hiện tức ngực hoặc khó thở vào “ngày thứ hai” xảy ra không thường xuyên. Các ngày sau bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn bình thường. Bệnh càng nặng triệu chứng xuất hiện nặng nhất vào “ngày thứ hai” càng rõ và kéo dài sang các ngày khác. Cảm giác tức ngực, khó thở xảy ra bất cứ thời gian nào.

Cho tới nay người ta thống nhất sử dụng phân giai đoạn lâm sàng theo tiêu chuẩn của Schilling R.S.F đề xuất (1981). Giai đoạn lâm sàng ký hiệu bằng chữ cái C (Clinical) từ Cl/2 đến C3

Cl/2: Hội chứng ngày thứ hai thỉnh thoảng mới xuất hiện vào cuối ngày làm việc đầu tuần sau một hoặc nhiều ngày nghỉ.

Cl: Hội chứng ngày thứ hai xuất hiện vào tất cả các ngày làm việc đầu tuần. Các ngày sau đó không còn xuất hiện nữa.

C2: Hội chứng ngày thứ hai không chỉ xuất hiện vào ngày đầu tuần sau ngày nghỉ mà cả các ngày sau đó.

C3: Triệu chứng như C2 kèm theo có biểu hiện của suy hô hấp tắc nghẽn mạn tính.

2.2. Biểu hiện trên chức năng hô hấp

Trong những giai đoạn đầu của bệnh, qua xét nghiệm chức năng hô hấp có thể phát hiện được tình trạng co thắt phế quản cấp tính: giảm chỉ số Tiffeneau, FEV1, MMEF vào cuối ngày làm việc đầu tuần so với trị số đo vào đầu giờ làm việc. Tình trạng giảm khả năng thông khí cấp tính này được gọi là giảm ngày thứ hai (Monday fall), và có thể gặp cả trên người không có triệu chứng lâm sàng rõ của bệnh. Bouhuys. A và cộng sự (1970) đề xuất cách phân loại giai đoạn chức năng trong tiếp xúc với bụi bông, lanh, gai như sau:

F1/2: có giảm thông khí cấp tính ở mức độ nhẹ: Mức giảm FEV1 vào ngày đầu tuần làm việc từ 0,06 – 0,2 lít không có rối loạn thông khỉ mạn tính.

F1: Có giảm thông khí cấp tính rõ: mức giảm FEV1, biến đổi vào ngày đầu tuần làm việc bằng hoặc hơn 0,2 lít. Chưa thấy có rối loạn thông khí mạn tính.

F2: Như Fl nhưng có kèm theo dấu hiệu của tắc nghẽn thông khí mạn tính: FE biến đổi đo vào buổi sáng của ngày làm việc đầu tiên sau hai ngày nghỉ thấp hơn trị số lý thuyết dưới 80% đến 60%.

F3: Như F2 giảm thông khí mạn tính ở mức nặng: FEV1 biến đổi chỉ dưới 60% trị số lý thuyết.

III. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán phổi nhiễm bụi bông cần dựa vào: yếu tố tiếp xúc và hình ảnh bệnh lý lâm sàng.

Những người có tiếp xúc với bụi bông quá tiêu chuẩn cho phép lâu năm dễ bị bệnh (thường trên 5 năm). Chú ý những người làm việc ở giai đoạn đầu của quá trình kẻo sợi. Đối với bụi lanh, gai, thời gian xuất hiện bệnh có thể có sớm hơn.

Về lâm sàng người ta dựa vào hội chứng bệnh lý điển hình đó là: hội chứng ngày thứ hai. Các triệu chứng hô hấp nói chung và biểu hiện của bệnh Byssinoses nói riêng được phát hiện nhờ sử dụng “Bảng câu hỏi tiêu chuẩn hoá các triệu chứng cơ quan hô hấp” của Hội vệ sinh công nghiệp Anh đề xuất (1972) hoặc trong tài liệu của WHO “Chẩn đoán sớm các bệnh nghề nghiệp” (1986). Ở Việt Nam chúng ta đã bước đầu sử dụng bảng câu hỏi này, với một số câu hỏi thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta để kiểm tra tình hình viêm phế quản mạn và Byssinoses trong công nhân tiếp xúc với bụi thực vật ở Hà Nội và Hà Sơn Bình, kết quả cho thấy sử dụng bảng câu hỏi rất tiện lợi và phù hợp cho việc chẩn đoán bệnh.

IV. ĐIỀU TRỊ, DỰ PHÒNG

Bệnh bụi phổi bông được điều trị theo thể bệnh. Tuỳ thể bệnh khác nhau trên cơ sở thời gian mắc bệnh, mức độ cấp tính hay mạn tính mà có những phương thức điều trị khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là điều trị triệu chứng chống co thắt khí phế quản. Việc tách bệnh nhân ra khỏi môi trường trong quá trình điều trị là điều quan trọng vì lẽ nếu để bệnh nhân vẫn cứ tiếp tục làm việc thì không giải quyết được yếu tố căn nguyên. Để điều trị triệu chứng người ta thường sử dụng các loại kháng Histamin tổng hợp, đặc biệt là các Globulin miễn dịch. Tuy nhiên, các kháng Histamin không phải lúc nào cũng giải quyết được vì lẽ tổn thương co thắt thường để lại các tổn thương về tế bào. Hiện tượng dày lên của các tế bào, chít hẹp các khí phế quản khó có thể hồi phục nếu như bệnh ở trong tình trạng mạn tính. Các tình trạng cấp tính của bệnh bụi bông chỉ cần tách bệnh nhân ra khỏi môi trường, sử dụng các loại kháng Histmin tổng hợp, nâng cao thể trạng, các vitamin nhóm C và B1 cùng với một số vitamin tan trong dầu như A và E có thể giải quyết được. Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đặc biệt khi đã có hiện tượng co thắt phế quản, suy giảm chức năng hô hấp không hồi phục bắt buộc phải tách bệnh nhân ra khỏi môi trường vĩnh viễn. Điều cần thiết nhất trong sử dụng thuốc là các thuốc bảo vệ và kích thích quá trình hồi phục tế bào đường hô hấp trên và phế, khí quản… Các vitamin C, A có vai trò quan trọng nếu sử dụng liều cao. Các trường hợp này cần sử dụng các chế phẩm miễn dịch để nâng cao vai trò và chức năng của hệ thống miễn dịch của bệnh nhân như Histaglobin. Các kháng Histamin tổng hợp nên dùng là Hismanal, Histidin… song nên dùng liều thấp. Bằng mọi cách phải nâng cao thể trạng của bệnh nhân trong quá trình điều trị và cả sau khi điều trị.

Về phương diện dự phòng bệnh bụi phổi bông cần thiết phải tách bệnh nhân ra khỏi môi trường đối với những người có nguy cơ mắc bệnh như các trường hợp có cơ địa dị ứng, có các bệnh về phổi và phế quản hoặc đường hô hấp trên. Về an toàn và vệ sinh lao động cần phải áp dụng các biện pháp lọc và thu bụi để không có các bụi thực vật khuếch tán ra môi trường. Người lao động phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ lao động như mũ, áo, khẩu trang… Trong khám tuyển cần chọn những người khoẻ mạnh về nhiều phương diện, đặc biệt là không mắc các bệnh được coi là yếu tố dẫn đường cho bệnh phát triển. Người lao động cần được khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên để phát hiện các rối loạn bệnh lý khi còn nhẹ, đồng thời cũng tách họ ra khỏi môi trường để tránh tình trạng bệnh lý mạn tính khó điều trị.

PGS. TS ĐỖ HÀM


(Nguồn tin: Tài liệu “Vệ sinh lao động và Bệnh nghề nghiệp”, NXB Lao động – Xã hội, 2005)