Bệnh hen phế quản nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Thế nào là bệnh hen phế quản nghề nghiệp? Bệnh hen phế quản nghề nghiệp (HPQNN) là tình trạng bệnh lý xảy ra do tác động, ảnh hưởng của các loại dị nguyên thuộc nguồn gốc thực vật, động vật hay hóa chất với người tiếp xúc trong quá trình lao động gây nên các rối loạn bệnh lý đặc trưng. Đặc điểm của bệnh biểu hiện chính là khó thở và thở khò khè, hay tái diễn với sự tăng sức cản đường thở.

Đây là bệnh gây mất khả năng lao động nghiêm trọng và hiện nay đang có xu hướng gia tăng ở nước ta cũng như các nước trên thế giới.

Bệnh hen phế quản  nghề nghiệp đã được công nhận là BNN được đền bù ở nước ta từ năm  2006.

Những công việc, ngành nghề chính có nguy cơ mắc bệnh: Chăn nuôi súc vật, lâm nghiệp, thợ in, sản xuất giấy, công việc sử dụng chất tẩy rửa, tiếp xúc với phức hợp platin, với toluen diisocyanat, sản xuất bột ngũ cốc, dầu thực vật, mỹ phẩm, thuộc da, mạ kim loại, chế biến cà phê, dược phẩm, nhân viên y tế, công nghiệp điện, điện tử, phun sơn, chất dẻo…

Triệu chứng lâm sàng:

– Triệu chứng chủ yếu trong bệnh hen phế quản nghề nghiệp là khó thở khò khè, ran rít, ran ngáy xuất hiện khi lao động, những ngày nghỉ khó thở nhẹ hơn và nặng lên trong những ngày lao động tiếp theo.

– Viêm mũi, họng có đờm

– Cơn hen phát ngay trong vài phút khi NLĐ tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên và bệnh cũng giảm, hết sau vài giờ ngừng tiếp xúc.

Chẩn đoán:

+ Yếu tố tiếp xúc:

Người lao động được xét chẩn đoán là hen nghề nghiệp là người phải hít thở những tác nhân gây mẫn cảm hay kích thích có trong môi trường làm việc như bụi, hơi khí độc…

+ Biểu hiện lâm sàng

Xuất hiện cơn hen phế quản rõ rệt trong lao động sản xuất.

+ Cận lâm sàng:

– Biến đổi chức năng hô hấp: Người bệnh có hội chứng tắc nghẽn trong cơn hen., đo dung tích sống và thể tích thở ra tối đa/giây, trong cơn hen lưu lượng giảm dưới 50% và sau cơn hen sẽ tăng lên trên 80% giá trị lý thuyết.

– Thử nghiệm da: Dùng thử nghiêm lẩy da, thường kết quả dương tính sau  15 – 30 phút. Thử nghiệm da có giá trị đánh giá tình trạng dị ứng của NLĐ.

– Nghiệm pháp gây cơn hen:

Gây phản ứng co thắt phế quản với histamin hay methacholin nhưng không đặc hiệu. Gây cơn hen với dị nguyên gây hen ở người bệnh, đây là nghiệm pháp đặc hiệu và là cách chắc chắn nhất để xác định tính chất nghề nghiệp của cơn hen và tác nhân nghề nghiệp gây hen.

Điều trị

+ Giải mẫn cảm cho người bệnh , tuy kết quả còn hạn chế nhưng vẫn có tác dụng nhất là đối với những người không thể hoàn toàn ngừng tiếp xúc với môi trường làm việc có dị nguyên gây hen.

+ Thuốc điều trị có nhiều loại, chủ yếu dùng thuốc giãn phế quản trong cơn cấp. Trong trường hợp nặng có thể dùng corticosteroid, thuốc giảm ho, long đờm, sinh tố các loại, nâng cao thể trạng.

Dự phòng

+ Lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khí độc tại chỗ và chung của phân xưởng.

+ Điều tra nguy cơ: Nắm biết danh mục các loại dị nguyên trong sản xuất.

+ Khám tuyển:

Tổ chức khám tuyển để loại những người có bệnh ngoài da mạn tính, cơ địa dị  ứng, mẫn cảm, tiền sử hen gia đình. Thử nghiệm da trong khám tuyển có gia trị cao giúp giảm tỷ lệ mắc hen nghề nghiệp tại cơ sở sản xuất.

+ Phát hiện cảm ứng sớm:

Phát hiện tắc nghẽn phế quản bằng đo thể tích thở ra tối đa/giây (FEV1 ) trước và sau lao động.

+ Cơ giới hóa, tự động hóa, lao động khép kín quy trình sản xuất.

+ Thay thế dần các loại nguyên liệu là các dị nguyên gây bệnh.

PGS.TS KHÚC XUYỀN

Giám đốc TT.Sức khỏe nghề nghiệp&MT


(Nguồn tin: TC BHLĐ tháng 3/2014)