Bệnh nhiễm độc Cacbonmonoxit nghề nghiệp
Oxyt cacbon là khí không mùi, không vị, không gây kích thích, phát sinh do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần cac bon. CO cạnh tranh với oxy trong việc kết hợp với hemoglobin (Hb), làm giảm sự bão hòa oxy Hb và giảm sự vận chuyển oxy tới các mô.
Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù ở nước ta từ năm 2006.
Những công việc, ngành nghề chính có nguy cơ mắc bệnh
– Các nghề phải tiếp xúc với CO giải phóng trong quy trình công nghệ như lò cao, đốt lò các loại, lò vôi, lò gạch, đúc kim loại, hàn hồ quang, hàn oxy- acetylene…
– Sản xuất khí thắp
– Các động cơ máy nổ chạy bằng xăng, dầu, khí, củi…
Triệu chứng lâm sàng:
+ Nhiễm độc cấp:
– Nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, cảm giác co thắt ngực, giảm trương lực các cơ chi dưới.
– Hôn mê sâu khi HbCO lên đến 50%; da, niêm mạc đỏ hồng.
+ Nhiễm độc mạn tính:
– Nhức đầu từng cơn dữ dội, nhất là cuối ca lao động; nhức đầu giảm, dịu đi trong những ngày nghỉ cuối tuần.
– Chóng mặt, choáng váng, khó chịu.
– Suy nhược thần kinh: Trí nhớ giảm sút, mệt mỏi, hay quên, lo âu, bệnh nhân tưởng như không đứng vững, phải ngồi. Rối loạn tiêu hóa, thể lực giảm sút.
Chẩn đoán
+ Đối tượng chẩn đoán: Người lao động được xét chẩn đoán phải làm việc trong môi trường ô nhiễm khí CO có nồng độ ≥ 20mg/m3 không khí, trong 8 giờ lao động/ngày hoặc ≥ 40mg/m3 lần tiếp xúc.
+ Lâm sàng:
– Nhiễm độc cấp tính:
Lúc đầu: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai, nghe kém, nhược cơ. Giai đoạn sau hôn mê sâu, ứ dịch phế quản, da xanh tím, phỏng nước vùng tỳ đè.
– Nhiễm độc mãn tính: Ba triệu chứng chính
. Nhức đầu vùng trán, dùng thuốc không hiệu quả
. Suy nhược thần kinh, mệt mỏi chán ăn, trí nhớ giảm, lãng quên
. Chóng mặt, loạng choạng, đi đứng không vững.
Thường kèm theo buồn nôn, rối loạn thị giác, giảm sức nghe, khó thở gắng sức.
Cận lâm sàng:
+ Nhiễm độc cấp tính:
– Lượng cacboxyhemoglobin (HbCO) trong khoảng 15 – 30%
– Hemoglobin niệu
– Điện tim: nhịp xoang, ST thấp, T phẳng.
+ Nhiễm độc mạn tính:
– Cacboxyemoglobin ≥ 7,5% hoặc
– CO ≥ 1,5 ml trong 100ml máu.
Điều trị
+ Nhiễm độc cấp tính:
– Điều trị bằng oxy liệu pháp có hiệu quả cao, khỏi bệnh nhanh và khỏi hoàn toàn
– Kết hợp chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng.
+ Nhiễm độc mạn tính:
– Ngừng tiếp xúc với CO, nghỉ ngơi thể nhẹ khỏi nhanh chóng.
– Cho ngửi oxy 3 – 4 lần/ ngày, mỗi lần 10 – 15 phút, trong 3 – 4 tuần.
– Dùng hỗn hợp khí 95% oxy và 5% CO2 hiệu quả khá hơn.
Dự phòng
– Lắp đặt hệ thống thông gió, hút hơi khí độc chung và tại chỗ đặt máy.
– Thường xuyên theo dõi, đo nồng độ CO không khí nơi sản xuất (TCVSTĐCP ≥ 20mg/m3 trong 8 giờ/ngày ).
– Những công việc phải tiếp xúc với CO nồng độ cao phải đeo mặt nạ
– Không tuyển những người mắc bệnh tim, thiếu máu, khí thũng, hen phế quản, viêm phế quản mạn, bệnh tuyến giáp, nghiện rượu vào làm việc tiếp xúc với CO.
PGS.TS KHÚC XUYỀN
Giám đốc TT.Sức khỏe nghề nghiệp&MT
(Nguồn tin: TC BHLĐ tháng 4/2014)