BỆNH NHIỄM ĐỘC CHÌ VÔ CƠ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:04(GMT +7)

Nhiễm độc chì (NĐC) là một bệnh nghề nghiệp hay gặp và được biết từ xa xưa do việc chì được sử dụng lâu đời qua các nền văn minh cổ.
Hiện nay ở Việt Nam, nhiễm độc chì được xếp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Ngày ngày xu hướng phát hiện bệnh sớm nhờ có những phương pháp xét nghiệm sinh hoá ngày càng phong phú và chính xác.

I – ĐỘC TÍNH CỦA CHÌ

Chì là kim loại mềm, mầu xám nhạt, có trong thiên nhiên dưới dạng quặng như sunfua chì (galen). Chì nóng chảy ở 327oC, sôi ở 1515oC, nhưng từ khoảng 550-600oC, chì đã bay hơi và khi tiếp xúc với không khí hơi chì biến thành oxyt chì, rất độc. Chì và các hợp chất của chì đều độc. Càng dễ hoà tan bao nhiêu, chì càng độc bấy nhiêu.

II – TRIỆU CHỨNG.

A – NhIễM ĐộC CấP TíNH:

Nhiễm độc xẩy ra sau khi hấp thu vài mililit sous-acetat chì, với các triệu chứng:

– Rối loạn tiêu hoá: Xuất hiện sớm và mãnh liệt: bỏng thực quản, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, có kèm theo tiêu chảy hoặc không.

– Tình trạng toàn thân suy sụp nhanh chóng, lo lắng mạch nhỏ, chuột rút, co giật.

– Dấu hiệu viêm thận hoặc viêm gan thận: đái ít, protein niệu đạm huyết tăng, vàng đa, thường tử vong trước ngày thứ tư hay nếu khỏi thời gian hồi phục kéo dài.

B – NHIỄM ĐỘC MÃN TÍNH.

Các triệu chứng sớm đáng chú ý nhất là suy sụp thể lực, mệt mỏi, ngủ ít, nhức đầu, đau cơ-xương, rối loạn tiêu hoá, đặc biệt là táo (không bị tiêu chảy), đau dạ dày và ăn kém ngon. Các triệu chứng sớm này không đặc hiệu và có thể chữa khỏi.

Cần phải chú ý các triệu chứng khách quan:

l. Mầu da tái: da mặt có thể tái xám, thường do sự co mạch nhiều hơn là do thiếu máu.

2. Đường viền chì Burton: mầu xám sẫm, ở chân răng nơi tiếp xúc với lợi, do đọng sunfua Pb ở lợi. Đường viền chì thực ra chỉ là triệu chứng tiếp xúc, do hấp thụ nhiều chì chứ không phải là triệu chứng nhiễm độc.

3. Cơn đau bụng chì: Đây là một dấu hiệu khi tình trạng nhiễm độc nghiêm trọng.

Bệnh nhân đau bụng dữ dội, nhiều khi phải nằm co hay ôm chặt lấy bụng. Đôi khi ấn mạnh vào bụng lại làm giãm đau. Có thể đau ở khắp bụng hoặc khu trú ở một vài vùng làm khó chẩn đoán. Đã gặp nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm là đau bụng ngoại khoa, cần chỉ định phẫu thuật,nhất là viêm ruột thừa.

Đau bụng thường kèm nôn dữ dội.

Bao giờ cũng gặp táo, đó là dấu hiệu quan trọng trong cơn đau bụng chì, vì đau bụng thông thường kèm theo tiêu chảy.

Thường không có sốt, nhưng có một số dấu hiệu kèm theo để chẩn đoán phân biệt với đau bụng ngoại khoa:

– Mạnh chậm, cứng

– Huyết áp tăng.

– Không co cứng bụng

4 – Liệt chì: Liệt chì là đặc trưng trong số các tổn thương thần kinh ngoại biên, bao gồm liệt thần kinh quay, thể hiện ở liệt các cơ duỗi. Lúc đầu, liệt tập trung vào ngón giữa và ngón nhẫn rồi sau đó lan ra các ngón tay. Lúc này, có thể gặp hình ảnh “bàn tay rủ”.

ở chi dưới, rất ít khi gặp liệt chi. Các cơ có thể bị tổn thương là cơ mác, cơ duỗi chung và cơ duỗi riêng các ngón.

Liệt chi là liệt vận động đơn thuần do tổn thương thần kinh và mất phản xạ gần. Không mất cảm giác và không đau.

5 – Tai biến não: là một biểu hiện đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân nhức đầu dữ dội, co giật động kinh, mê sảng, hôn mê, dễ tử vong. Hiện nay, tai biến não rất hiếm thấy.

6 – Viêm thận: Viêm thận phát triển chậm, protein niệu nhẹ, đạm huyết tăng nhẹ, lên trên 0,50 g/l. Nước tiểu có thể có hồng cầu, bạch cầu.

7 – Huyết áp cao: lúc đầu có thể huyết áp cao đơn thuần, tạm thời, sau đó trở thành vĩnh viễn và phối hợp với viêm thận. Pb gây tác hại đến mạch và nhu mô thận. Huyết áp cao có thể gây tai biến tim mạch trong nhiễm độc chì: xuất huyết, tim to, suy tim.

8 – Thấp khớp do chì: xuất hiện từng cơn, đau các khớp lan toả, nhưng không tập trung ở cột sống. Cơn kéo dài vài ngày. Còn có thể đau cơ, đau xung quanh khớp nhưng không sưng, không đỏ.

III- DỰ PHÒNG

1. Biện pháp lý thuật :

Cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa sự hình thành hoặc sự ô nhiễm bụi hoặc hơi chì.

Các quá trình nghiền, đóng gói các hợp chất Pb phảI tiến hành tự động, vận hành kín.

Phải có hệ thống thông hút gió, máy hút hơi, bụi tại chổ, làm ẩm…

Chì và hợp chất Pb có thể thay thế bằng những chất không độc hoặc ít độc hơn như hợp chất Pb mầu trắng (ceruse) thay bằng ZnO…

2. Biện pháp y tế :

– Tổ chức khám tuyển: không tuyển những người thiếu máu, rối loạn gan, thận, thần kinh, huyết áp cao.

– Khám định kỳ: cần khám hàng năm. Nơi nào ô nhiễm hơi, bụi chì nhiều, cần khám 6 tháng một lần.

Khi khám định kỳ, cần làm xét nghiệm về công thức máu, huyết sắc tố, HCHK và định lượng delta ALA niệu.

Những người có biễu hiện thấm nhiễm Pb, cần cho điều trị, ngừng tiếp xúc và khi cần thiết cho chuyển việc.

3. Biện pháp cá nhân:

– Công nhân tiếp xúc với Pb phải được trang bị và sử dụng quần áo bảo hộ lao động, đội mũ và đeo găng.

– Tắm giặt, thay quần áo sau ca lao động;

– Cấm ăn uống và hút thuốc tại nơi làm vìệc;

– Giữ vệ sinh răng miệng;

– Về phía y tế, phải định kỳ đo nồng độ hơi chì, bụi chì tại nơi làm việc.


(Nguồn tin: )