Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân
Các công việc có thể gây bệnh: công việc chế biến khai thác, chế tạo sử dụng thao tác với thuỷ ngân và các hợp chất của thuỷ ngân. Chưng cất và thu hồi thuỷ ngân bằng chưng cất các phế liệu công nghiệp; chế tạo sửa chữa các loại nhiệt kế, phong vũ biểu, áp kế, bơm có thuỷ ngân ; Sử dụng thuỷ ngân hoặc các hợp chất thuỷ ngân trong cấu trúc điện chủ yếu là: dùng bơm có thuỷ ngân trong việc chế tạo đèn thắp sáng, đèn vô tuyến, bóng điện quang, chế tạo và sửa chữa các máy chỉnh lưu dòng điện hoặc các đèn có hơi thuỷ ngân. Sản xuất axit axêtic, axêtôn, điều chế các biệt dược hoặc dược thực vật có thuỷ ngân và hợp chất của thuỷ ngân; Chế biến da bằng cách sử dụng muối thuỷ ngân: tẩy da bằng nitrat axit thuỷ ngân, ép lông, làm cho da trở lại dạng tự nhiên nhờ muối thuỷ ngân. Mạ vàng, mạ bạc, mạ thiếc, mạ đồng, khảm vàng bạc bằng thuỷ ngân và muối thuỷ ngân, tráng gương; Xử lý và bảo quản các hạt giống và xử lý đất bằng thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân hữu cơ…
b- Biểu hiện của bệnh
– Ăn không ngon, sút cân, nhức đầu. Dễ kích thích như: cáu giận, mất ngủ, lo lắng, trầm uất, giảm trí nhớ, mất tự chủ.
– Viêm miệng: viêm loét niêm mạc, viêm lợi, rụng răng, răng xám đen hoặc đường viền thuỷ ngân.
– Run cố ý: từ mép môi, lan dần đến tay chân, đặc biệt là khi xúc động.
– Đau bụng ỉa chảy do thuỷ ngân
– Viêm thận tăng đạm huyết.
– Các dấu hiệu khác: dễ đỏ mặt, hay đổ mồ hôi, chứng da vẽ nổi.
c- Cách phòng chống:
– Biện pháp kỹ thuật: thực hiện kỹ thuật khoan ẩm, ướt; Phải trang bị dụng cụ bảo vệ đường hô hấp cho công nhân, tốt nhất là tiến hành sản xuất trong quy trình kín, không có thuỷ ngân bay hơi.
– Biện pháp y tế: khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần cho công nhân tiếp xúc nghề nghiệp, nếu thấy có biểu hiện viêm miệng, run .. phải định lượng Hg niệu. Nếu có tình trạng nhiễm độc phải ngừng tiếp xúc và cho chuyển nghề. Đồng thời, cần xác định nồng độ Hg trong không khí môi trường lao động định kỳ, nếu vượt quá giới hạn phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm giảm nồng độ này xuống nếu không, phải giảm bớt sự tiếp xúc bằng cách giảm giờ làm việc.
– Biện pháp vệ sinh: công nhân phải tắm và thay quần áo lao động sau ca làm việc. Cấm ăn uống và hút thuốc tại nơi làm việc. Rửa tay bằng xà phòng và bàn chải trước khi ăn. Rửa miệng thường xuyên bằng clorat kali 2%. Tránh uống rượu, một yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm độc.
(Nguồn tin: TS. Hoàng Minh Hiền)