Bệnh nhiễm HIV do tai nạn rủi ro

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Bệnh nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp là gì?

Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý gây nên tổn thương cơ thể vì nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho NLĐ làm việc trong môi trường tiếp xúc với HIV.

HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, loại virus này có nhiều trong máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo của người nhiễm HIV. Khi HIV xâm nhập vào cơ thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, không còn khả năng chống đỡ các bệnh nhiễm khuẩn và ung thư, dễ dẫn đến tử vong.

Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được công nhận là BNN được đền bù ở nước ta từ năm 2011.

Những nghề, công việc chính có nguy cơ nhiễm HIV

– Cán bộ, công chức, viên chức các cơ sở y tế, các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chỉnh hình – phục hồi chức năng.

– Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức… làm việc trong các trại giam, tạm giữ, cơ sở giáo dưỡng…

– Các thành viên tổ cai nghiện gia đình và cộng đồng.

– Cán bộ, công chức chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội các cấp.

– Học sinh, sinh viên thực tập tại các cơ sở y tế.

Biểu hiện lâm sàng:

Quá trình nhiễm HIV trải qua 4 giai đoạn:

+ Giai đoạn I: Nhiễm HIV cấp, không có biểu hiện gì, hoặc chỉ giống như cảm cúm, hạch to toàn thân dai dẳng, kéo dài 2 – 6 tháng.

+ Giai đoạn II: Có các triệu chứng nhẹ như viêm mũi họng, viêm loét miệng, phát ban, sẩn ngứa, Zona, nấm móng, giai đoạn này từ 6 tháng đến vài năm.

+ Giai đoạn III: là giai đoạn cận AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) biểu hiện sút cân > 10 %, sốt kéo dài, tiêu chảy không rõ nguyên nhân, viêm phổi, viêm da, nhiễm trùng huyết, lao phổi, thiếu máu, giảm bạch cầu.

+ Giai đoạn IV (AIDS):

Viêm phổi, sốt kéo dài, lở loét toàn thân, nhiễm nấm móng, nấm thực quản, phế quản, phổi, lao phổi, bệnh não do HIV, viêm cơ tim, viêm thận, ung thư cổ tử cung, nhiễm trùng huyết, tiêu chảy mạn tính, cơ thể gầy yếu, suy sụp.

Chuẩn đoán:

+ Yếu tố tiếp xúc:

– Dịch sinh học, máu người nhiễm HIV dây dính lên da, niêm mạc bị tổn thương

– Có giấy chứng nhận bị phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

– Thời gian tiếp xúc với dịch sinh học, máu người nhiễm HIV lên da, niêm mạc bị tổn thương.

+ Lâm sàng:

Có hoặc chưa có các biểu hiện hội chứng suy giảm miễn dịch và nhiễm trùng cơ hội (lao, viêm phổi…)

+ Cận lâm sàng:

– Kết quả xét nghiệm HIV ngay sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Âm tính.

– Kết quả xét nghiệm HIV của người bị phơi nhiễm với HIV tại một trong các thời điểm 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng sau khi bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp dương tính (+).

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu HIV/AIDS, nhưng có một số thuốc có tác dụng làm chậm sự phát triển của HIV như AZT, DDC, DDI, ZDV, SQV, RTV… nhưng còn nhiều tác dụng phụ và rất đắt đỏ.

Dự phòng

– Vacin phòng chống HIV đang ở giai đoạn thử nghiệm.

– Hạn chế tiêm chích và khi tiêm chích, làm thủ thuật cần đảm bảo tuyệt đối vô trùng.

– Không lây nhiễm HIV/AIDS nếu quan hệ chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su đúng tiêu chuẩn.

PGS.TS Khúc Xuyền

Giám đốc TT Sức khỏe nghề nghiệp & MT


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ số 12/2014)