Bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý của cơ thể bị nhiễm xạ do tiếp xúc với tia phóng xạ ở nơi làm việc có nguồn phóng xạ tự nhiên hoặc nhân tạo, tia X, có liều chiếu xạ vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

Lợi ích của phóng xạ rất to lớn, với những thành tựu của ngành vật lý hạt nhân, đã cho phép sử dụng năng lượng hạt nhân vào nhiều ngành kinh tế quốc dân, hiện nay phóng xạ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như mỏ,  địa chất, thăm dò dầu khí, nông nghiệp, y tế…

Liều chiếu xạ tối đa cho phép 2,8mR/giờ hoặc liều hấp thụ cá nhân 5Rem/năm (hoặc 100mRem/tuần). Bệnh nhiễm xạ được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù ở nước ta từ năm 1976.

Những nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh:

Nhóm thứ nhất: là những người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất chất phóng xạ như: Mỏ uran, nhà máy xử lý quặng uran, nhà máy khai thác, tách các đồng vị uran, các lò phản ứng, các trung tâm nghiên cứu, các nhà máy sản xuất plutoni, các cơ sở điện hạt nhân, các cơ sở khai thác, nghiên cứu, sản xuất nguyên tố phóng xạ, các đơn vị vận chuyển, lưu chứa chất thải phóng xạ.

– Nhóm thứ hai: là những người sử dụng các tia bức xạ ion hóa từ những nguyên tố phóng xạ trong các ngành công nghiệp, ngành y tế, ngành nông nghiệp, ngành sinh học và ngành sinh hóa học.

– Nhóm thứ ba: là những người sử dụng máy phát tia X, nhất là các khoa điện quang y tế.

Cơ chế nhiễm bệnh:

Các tia bức xạ ion hóa nhiễm vào cơ thể theo 3 cách là:

– Chiếu xạ ngoại chiếu: xảy ra khi có tiếp xúc với các nguồn phóng xạ ở bên ngoài ( trong vũ trụ, trong ngành y tế, ngành công nghiệp…).

– Nhiễm xạ ngoại chiếu: Do các chất phóng xạ dây dính vào da, tóc xảy ra trong môi trường làm việc do thiếu trang bị bảo hộ.

– Nhiễm xạ nội chiếu: Cần chú ý, vì nguồn phóng xạ ở ngay trong cơ thể do ăn uống, do sử dụng, do ô nhiễm tại nơi làm việc (phòng thí nghiệm, bệnh viện, nhà máy…).

Biểu hiện lâm sàng:

Biểu hiện bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với tia phóng xạ, xác định rõ nguy cơ ở những công nhân phải tiếp xúc nghề nghiệp.

– Thể nhẹ: Rối loạn điều hoà thần kinh, huyết áp động mạch hạ, mạch nhanh và loạn nhịp xoang, rối loạn vận động ruột và chức năng mật, dễ kích thích.

– Thể tiến triển: biểu hiện lâm sàng và điện tim của chứng loạn dưỡng cơ tim với  huyết áp động mạch hạ kéo dài; giảm sản tuỷ xương kéo dài (giảm bạch cầu hạt và limphô bào), giảm tiểu cầu; rối loạn chức năng buồng trứng, ít kinh nguyệt ở nữ giới.

– Viêm da mãn tính do nhiễm xạ ngoại chiếu: Loạn cảm giác, đau, ngứa, da khô, loạn dưỡng móng tay, tăng sừng hoá, xung huyết, nứt nẻ, loét da, đục nhân mắt.

– Dấu hiệu muộn: Ung thư da, ung thư xương, bạch cầu tuỷ, ung thư thượng bì phổi.

Chẩn đoán:

Yếu tố tiếp xúc: Những người lao động được xét chẩn đoán phải làm việc ở môi trường có nguồn  phóng xạ (bức xạ iôn hoá) tự nhiên hoặc nhân tạo, tia X, có liều lượng chiếu xạ vượt quá giới hạn cho phép (2,8mR/giờ ) hoặc có liều hấp thu cá nhân 5Rem/năm .

– Có  yếu tố nhiễm xạ nội chiếu và nhiễm xạ ngoại chiếu.

– Có các triệu chứng lâm sàng thuộc thể nhẹ hoặc thể tiến triển.

– Viêm da mãn tính do nhiễm xạ ngoại chiếu hoặc các triệu chứng muộn như ung thư da, ung thư xương, bạch cầu tuỷ, ung thư thượng bì phổi.

– Cận lâm sàng: gồm các kết quả xét nghiệm với các chỉ tiêu theo giới hạn quy định số lượng bạch cầu d” 4.000/mm3 máu.

Điều trị:

– Dinh dưỡng: Bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp tuy không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng cần chú ý điều trị toàn diện, thực hiện tốt chế độ nghỉ dưỡng; ăn uống đủ chất đạm và sinh tố.

– Thuốc dùng: Các loại an thần, sinh tố B12, B6, thuốc chống chảy máu (Vitamin P, K, rutin), truyền máu … 

– Nghỉ ngơi nơi thoáng mát, không khí trong lành, đảm bảo giấc ngủ tốt, đủ.

Dự phòng: 

– Cần tránh xa nguồn phóng xạ khi thao tác; phải dùng các kẹp dài hoặc các phương tiện điều khiển từ xa, vì lượng chiếu xạ giảm rất nhanh theo khoảng cách. Có tường, màn che chắn phù hợp với từng loại tia khác nhau bởi một tia phóng xạ (tia X, anpha, bêta, gama, nơtron…)  mất đi một phần hoặc toàn phần năng lượng khi đâm xuyên qua tường, các loại màn che .

– Bảo vệ bằng thời gian vì lưu lượng liều phóng xạ phát ra giảm dần theo thời gian.

– Quần áo BHLĐ và trang bị phòng hộ khác có tác dụng bảo vệ chống sự nhiễm xạ ngoại chiếu và nội chiếu và phần nào chống sự chiếu xạ.

– Người làm việc được đeo 1 chiếc máy đo liều phóng xạ dưới hình thức như bút hay phim cài.

– Khi thao tác với chất phóng xạ được đeo tấm chì, đi găng tay cao su pha chì, mặc quần áo không thấm nước và tắm giặt sau giờ làm việc.

– Khi khám tuyển cần thử máu, không tuyển người có các bệnh về máu; khám sức khoẻ định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần, chú ý xét nghiệm máu để phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý do phóng xạ. Ngoài ra cần khám phát hiện bệnh ngoài da, chú ý vị trí, diện tích và tính chất tiến triển của tổn thương. Đặc biệt chú ý  và đi khám ngay khi có các biến đổi ở da.


(Nguồn tin: )