Bệnh rung chuyển nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Trong quá trình sản xuất, rung chuyển là loại tác hại gặp thường xuyên với số người tiếp xúc nhiều. Rung chuyển có thể gây bệnh toàn thân hoặc cục bộ, cấp tính hay mạn tính tuỳ vào tần số và biên độ rung mà biểu hiện bệnh lý cũng khác nhau.

Rung chuyển tần số thấp gây bệnh say tàu, say xe, bệnh lý chủ yếu ở cơ quan tiền đình hoặc bệnh rung sóc gây đau lưng (rung sóc xe cộ).

Rung chuyển ở tần số cao gây tổn thương xương khớp, rối loạn vận mạch, tổn thương cơ, thần kinh, bệnh hay gặp ở khu vực cân cơ, thần kinh chi trên, bàn tay, cánh tay, cẳng tay và vai.

Bệnh rung chuyển nghề nghiệp thường là nói đến bệnh do rung chuyển ở tần số cao, cục bộ (RCNN). Bệnh rung chuyển nghề nghiệp thường tăng lên khi kết hợp với lao động nặng nhọc hoặc vi khí hậu xấu, bất thường, ồn và độc hại.

Thông thường có 3 dạng bệnh lý chính là:

– Tổn thương xương khớp.

– Rối loạn vận mạch (bệnh Raynaud nghề nghiệp).

– Tổn thương cơ, thần kinh.

Nguyên nhân bệnh rung chuyển nghề nghiệp còn là do tiếp xúc quá mức với rung chuyển cùng với cơ địa của từng bệnh nhân nên ai cũng bị bệnh và bệnh nặng nhẹ khác nhau tuỳ người này hay người khác.

I. CƠ CHẾ BỆNH SINH

Cơ thể cảm thụ với rung chuyển theo các tần số khác nhau và cũng bị tác động khác nhau. Theo E.A.Drogicina và I.K.Razumov, 1974, ở những người có một số lớn cơ quan cảm thụ tự nhiên với rung chuyển, không những ở trên cơ thể nơi tiếp xúc với rung chuyển mà còn ở trong cơ thể, nơi rung chuyển lan đến. Đó là những cơ quan cảm thụ ngoài da và những trung tâm, hệ thống cảm thụ của tổ chức H.Desoille, J.Scherrer, R.Truhaut, 1975, nêu lên hai loại cơ quan cảm thụ:

– Các nang lông nhạy cảm tối đa ở 40 Hz (dải tần số 5 – IOOHZ).

– Các tiểu thể Paccini ở sâu hơn, nhạy cảm tối đa ở 250Hz, (dải tần số 40 – 1000Hz).

Sự phân bố nhạy cảm với rung ở trên da phụ thuộc các vùng có nhiều tận cùng thần kinh.

Ngoài cơ quan cảm thụ ở da, rung chuyển tần số cao còn tác động đến cơ vân.

Rung chuyển tần số từ 50 – 200Hz tác động đến gân hay khối cơ vân – xương ở người, sẽ gây ra đồng thời phản xạ co cơ kéo dài và giãn các cơ có tác dụng ngược lại. Phản xạ co cơ xuất phát từ sự kích thích các đầu tận cùng của các bó thần kinh – cơ. Tác dụng còn kéo dài, dù đã ngừng tiếp xúc với rung.

Rung chuyển tần số cao dễ bị cơ thể dập tắt. Biên độ của các rung chuyển 35Hz đến lòng bàn tay, được giảm đi một nửa khi đến mu bàn tay, giảm còn 1/3 ở khuỷu tay và khi đến vai biên độ chỉ còn 1/10.

Khi sử dụng dụng cụ rung, tay phải đỡ sức nặng của máy, cơ co mạnh liên tục, tạo điều kiện cho việc dẫn truyền rung chuyển vào xương, vào các mặt khớp. Các mặt khớp dưới tác dụng của co cơ, siết vào nhau một cách bất thường. Sự rung chuyển liên tục lâu dài gây vi chấn thương, tác động đến khớp, phát sinh những tổn thương làm bong ra những mảnh xương hết sức nhỏ, từ đó xuất hiện những gai xương và những dị vật trong khớp, những lồi xương, vôi hoá. Những tổn thương thường khu trú ở lớp khuỷu vì ở khớp đó, những rung chuyển được dẫn truyền đến và hấp thu. Để giải thích hiện tượng thoái hoá, người ta kể đến tác động sao chép của các xương cẳng tay ở khuỷu, nơi không có lớp cơ bảo vệ. Có ý kiến cho rằng do một sự sắp xếp đặc biệt xương quay ngắn đi so với xương trụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoại tử xương bán nguyệt. Ở 25% bệnh nhân, người ta thấy có sự bất thường này và xương bán nguyệt phải chịu một sự tác động cơ học gây nên tổn thương và như vậy còn nhạy cảm đặc biệt với rung chuyển.

Xương thuyền bị tổn thương, cũng là vì xương này, do hình dạng, vị trí và chức năng của nó, tiếp xúc gắng sức theo trục xương. Trong thao tác búa hơi, xương chịu đựng chủ yếu những hậu quả của sự gấp và vặn quá mức, liên tục, phát sinh những tổn thương thực sự.

Về hội chứng Raynaud, I.Pyykko, 1974,cho rằng rung chuyển phá huỷ một số sợi thần kinh vận mạch. Sau một thời gian tiềm tàng, có sự biến đổi về phản ứng giải phẫu mạch máu và mạch bắt đầu phản ứng mạnh hơn với kích thích bên ngoài như lạnh.

W.S.Ashe, 1962, thấy rằng cơ ở lớp giữa thành mạch bị phì đại. Dù chỉ có ngón tay xanh tái trong nghiệm pháp lạnh, động mạch ở tay và bàn tay cũng vẫn bị co thắt lên đến tận động mạch cánh tay, các hình ảnh chụp mạch máu cho thấy như vậy. Có thể cơ chế bệnh sinh bệnh Raynaud như sau: qua hệ thần kinh giao cảm, yếu tố lạnh gây co mạch ở tay và bàn tay, vì có sự phì đại thành mạch, lưu lượng máu giảm nhiều so với bình thường và ở nơi mà áp lực trong lòng mạch tụt xuống quá thấp, mạch ở ngón tay xẹp đi và xuất hiện hiện tượng Raynaud.

L.Magos, G.Okos – 1963, cho rằng cơ chế co mạch là do trong thời gian tiếp xúc với rung, ở mạch máu có sự biến đổi mạnh về sinh hoá. Mạch càng trở nên nhạy cảm với lạnh cục bộ, mạch lại còn mất đi khả năng giãn mạch do lạnh (Capacity for com – induced vasodilatation) nữa. Các tác giả cho là tính quá mẫn cũng có thể do sự tích luỹ của chất tác động lên mạch, các chất này không bị phân giải ở nơi mạch bị tổn thương.

Trong sự nhạy cảm với lạnh, không có sự rối loạn co mạch mà chỉ có phản ứng giãn mạch chậm và yếu, do tác động trực tiếp của rung chuyển ở các mạch máu ngón tay và thần kinh ngoại biên và cũng còn do những biến đổi sinh hoá và các biểu hiện thiếu oxy.

T.N.Fiessenger và ctv, 1974, sau khi nghiên cứu lâm sàng ở một số trường hợp bệnh Raynaud ở thợ cưa rừng, nhận định rằng đó là một bệnh rối loạn vận mạch mà nguyên nhân là những vi chấn thương gây những tổn thương thần kinh do cơ chế thiếu oxy.

Theo Andreeva Galanina và Karpova, 1969 và Tamara P.Asanova, 1975, hội chứng rung chuyển là một bệnh toàn thân và sự điều hoà chức năng thần kinh trung ương bị rối loạn… Theo J.F.Nalca, 1971, các phản xạ mạch rõ rệt hơn do có sự rối loạn trung tâm phản xạ. Giả thiết này vững vàng vì thực tế nhiều người thao tác với dụng cụ rung bị rối loạn thần kinh và có những biến đổi bất thường ở hệ thần kinh trung ương.

II. BIỂU HIỆN BỆNH LÝ

2.1. Tổn thương xương và khớp

Thương tổn này hay gặp ở vùng chi trên. Đứng đầu là cổ tay sau đó giảm dần và ít ở vùng vai với biểu hiện chính là viêm xương và hư khớp. Chụp phim dễ thấy hơn là hỏi bệnh nhân vì họ quen chịu đựng dần dần nên không còn cảm giác đau.

2.1.1. Lâm sàng

Các khớp đau bất kỳ lúc nào, khó xác định, không dữ dội, không biến dạng, không sưng, khó cử động, các khớp đều bị tổn thương.

Bệnh nhân còn có thể đau nhiều ở khớp vai, khớp gối hay một số khớp khác không liên quan với tổn thương xương, khớp, do một số nguyên nhân như sự căng cơ, tư thế lao động, cách thao tác máy sự mệt mỏi do gắng sức…

2.1.2. Dấu hiệu X quang

Dấu hiệu X quang gồm 3 loại chính:

– Khuyết xương: Các hốc xương nhỏ hình thành này chủ yếu gặp ở các xương cổ tay, hốc xương có hình dạng một vệt sáng, tròn, to bằng đầu ghim trở lên. Có một hoặc nhiều hốc ở trên cùng một xương với hình ảnh da báo, hay trên nhiều xương.

– Lồi xương, gai xương và dị vật trong khớp: Dị vật có thể gặp trong khớp, do các vỏ xương, sụn xương hay gai xương hình thành, làm biến dạng mặt khớp. Các lồi xương và gai xương xung quanh khớp gặp nhiều hơn, chủ yếu thấy ở khớp khuỷu, ít gặp ở cổ tay, xuất hiện như những tổ chức xương mới bám vào mỏm trên ròng rọc hay mỏm trên lồi cầu, có khi hình thành các u xương, do sự hoá xương các gân cơ xung quanh khớp, gần nơi bám.

– Sự biến đổi xương về hình dáng và cấu trúc: Sự biến đổi này hay gặp ở khuỷu tay, đầu dưới xương cánh tay sưng lên, dày ra toàn bộ hay từng phần, bờ xương gồ ghề, cấu trúc biến đổi. Phản ứng màng xương, mất vôi xương và loãng xương cũng thường gặp.

2.1.3. Các biểu hiện tổn thương xương khớp

Có nhiều biểu hiện tổn thương xương, khớp xương cụ thể sau:

– Bệnh hư khớp, dày xương khớp khuỷu: Bệnh này hay gặp ở công nhân hay thao tác với búa hơi, hay các loại dụng cụ hơi nén loại cầm tay và cả các loại máy gây rung chạy bằng động cơ máy nổ…

Sau một thời gian lao động khá dài, trong nhiều năm, thấy khớp khuỷu cử động khó, động tác duỗi và gấp cẳng tay vào cánh tay bị hạn chế, khi làm việc gắng sức hay bị chuột rút. Đôi khi khớp hơi sưng, nhưng không có một chút dấu hiệu viêm nhiễm nào.

Trên phim X quang, lúc đầu thấy mặt khớp dày đặc, khoảng liên khớp hẹp lại, nhất là xương khớp cánh tay – trụ. Mỏm khuỷu và mỏm vẹt dài ra, hố Sigma rộng hơn trước. Có nhiều gai xương được tạo thành, một số gãy rời sinh ra dị vật ở trong hay xung quanh khớp. Quanh khớp còn thấy hiện tượng vôi hoá, từ mỏm trên ròng rọc hay mỏm trên lồi cầu tràn xuống theo các dây chằng bên, do đó còn có chứng viêm mỏm trên lồi cầu. Hiện tượng đặc xương thường phối hợp và có giai đoạn loãng xương mỏm khuỷu, bờ trơn, mờ kèm theo.

– Bệnh hoại tử vô khuẩn xương bán nguyệt hay bệnh Kienbock:

Về lâm sàng, bệnh phát hiện được do thấy đau khi gấp và duỗi cổ tay quay. Cổ tay có thể sưng nhẹ, hơi đỏ, có điểm ấn đau.

Xương bán nguyệt biến đổi: xương dẹt vài dài ra, nhỏ lại. Cấu trúc xương cũng thay đổi có lẫn lộn các vùng mất vôi, thừa xương và đặc xương, do rối loạn mạch nuôi dưỡng tại chỗ.

Trên phim X quang thấy xương bán nguyệt mờ, không đều, có hình ảnh hốc xương nhỏ, giới hạn rõ rệt. Xương bán nguyệt là xương hay bị tổn thương nhất trong các xương cổ tay.

– Bệnh hư khớp giả xương thuyền hay bệnh Kohler (Pseudarthrose du scaphoide cai then):

Trong quá trình tiếp xúc với rung chuyển do các loại dụng cụ như búa máy, xương thuyền có thể bị gãy và ở chỗ gãy hình thành khớp giả. Cử động gấp và duỗi cẳng tay bị hạn chế.

Bệnh nhân đau ở cổ tay, ấn đau vùng xương thuyền, nơi bị gãy cũ. Có thể có xơ hoá, mất vôi hay có hốc xương, qua hình ảnh X quang. Còn thấy một đường sáng trên xương thuyền, đường xương gãy.

2.2. Rối loạn vận mạch (bệnh Raynaud nghề nghiệp)

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Raynaud nghề nghiệp (BRNN) bao gồm rối loạn tuần hoàn mao mạch đầu chi và rối loạn cảm giác bàn tay. Cơn bệnh diễn biến làm 2 giai đoạn:

– Giai đoạn đầu là thiếu máu cục bộ, các ngón tay trắng bệch rồi xanh nhợt. Gây cảm giác lạnh và tê cóng.

– Giai đoạn hai báo hiệu bằng triệu chứng những cơn đau và dấm dứt các ngón tay.

Các ngón đỏ bừng rồi có khi tím lại. Đau và cảm giác có thể mãnh liệt không chịu được.

Cơn bệnh phát không phải là khi tiếp xúc với rung mà do lạnh. Lạnh toàn thân dù tay không lạnh, làm phát cơn mạnh hơn là lạnh cục bộ hai bàn tay.

Yếu tố thuận lợi làm phát cơn là vi chấn thương rung chuyển liên tục, thời gian lao động dài, co cơ, mệt mỏi quá sức, tư thế lao động bắt buộc, uống rượu… Cơn thiếu máu cục bộ trong bệnh Raynaud nghề nghiệp không bao giờ dẫn đến tình trạng hoại thư trong giai đoạn co mạch, thiếu máu cục bộ nhiệt độ các ngón tay giảm nhiều. Nghiệm pháp lạnh thường dương tính. Nhiệt độ da nơi tổn thương thấp hơn nơi lạnh, thời gian hồi phục nhiệt độ da chậm trở lại bình thường.

Các ngón tay có rối loạn rõ rệt là ngón giữa và ngón nhẫn. Ngón cái không bị ảnh hưởng. Có thể có teo cơ ở mô út và khoảng liên cất. Tay bị tổn thương sớm hơn là tay để dùng điều khiển máy hơi nén, gần nguồn phát sinh hơi nén.

Soi mao mạch thấy tình trạng co hay giãn mao mạch. Tuần hoàn chậm lại, nhiều mao mạch biến dạng, số lượng mao mạch giảm, mất hình ảnh bút kim gài tóc.

Có một số nguyên nhân khác cũng gây những triệu chứng lâm sàng tương tự các cơn choáng cục bộ ở ngón tay, ngón tay trắng lạnh, có hoặc không kèm theo giai đoạn ngạt, ngón tím, đau và sau cơn, ngón tay lại trở về bình thường. Cơn cũng xuất hiện do tác động của lạnh. Các nguyên nhân khác đó là giang mai, thấp khớp, rối loạn giao cảm hoặc nội tiết (giáp trạng, buồng trứng), chứng cứng ngón tay, viêm động mạch (hoại thư khu trú thành những vết loét rất nhỏ), xơ tắc động mạch, nghẽn mạch. Còn gặp cơn bệnh ở các tổn thương thần kinh như viêm tuỷ xám, chứng rỗng tuỷ sống (syringomyélie), liệt nửa người hoặc hội chứng chèn ép quanh vai (shoulder girdle compression syndrome). Hội chứng Raynaud còn gặp trong nhiễm độc nicotin và trong chứng tiêu xương đầu chi.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh Raynaud nghề nghiệp là không bao giờ bị hoại thư, tổn thương chỉ khu trú ở ngón tay và thường ở một bên.

Trong các rối loạn vận mạch, ngoài bệnh Raynaud nghề nghiệp, người ta còn gặp (tuy hiếm) bệnh teo Sudex. Bệnh gặp ở công nhân tiếp xúc với rung chuyển của búa máy. Da cẳng tay, bàn tay mỏng ra nhợt nhạt. Ngón tay thứ 2 – 5 chỉ cử động khớp đốt 1, bàn tay ở tư thế gấp.

Trên phim có hình ảnh mất vôi, xơ hoá, có hốc, do rối loạn tuần hoàn, co thắt mạch. Đầu dưới xương trụ, xương quay và tất cả xương cổ tay bị mất vôi.

2.3. Tổn thương cân cơ, thần kinh

Tổn thương này do rung tần số trên 300Hz gây nên. Các biểu hiện xuất hiện rất sớm, sau khi tiếp xúc 1 – 3 tháng.

Các tổn thương có thể gặp là teo cơ ở mô trái bàn tay hay mô út. Các cơ liên cốt, cơ cẳng tay cũng bị tổn thương. G.Bcurguingon đã theo dõi một trường hợp teo cơ nhị đầu, mất phản xạ, không có rối loạn cảm giác.

Rung chuyển tần số cao còn gây một số triệu chứng như đau kiểu bỏng rát, kèm theo tê cóng và dị cảm. Biến đổi khách quan hay gặp là da đỏ hay tím, sưng phồng. Một số trường hợp bị đau ở bàn tay, cẳng tay, cánh tay và bả vai…

Người ta còn thấy trương lực mạnh có thể tăng hoặc không kèm theo các biểu hiện lâm sàng khác. Thời gian hồi phục nhiệt độ đa thường kéo dài.

Có hiện tượng chuột rút, các thớ cơ bị đứt, đặc biệt là cơ delta.

Trong bệnh A ram – Duchenne, cơ teo và tiến triển nhanh bắt đầu từ nơi tiếp xúc với rung.

Rung chuyển còn gây bệnh Dupuytren. Năm 1910, Palatter công nhận có hiện tượng co gấp ngày càng tăng, không hề thuyên giảm ở 4 ngón tay cuối. Ngay từ 1831, người ta đã xác định đó là hậu quả của bệnh xơ cứng co rút cân gan tay giữa, do chấn thương cục bộ. Ngày nay, ngoài nguyên nhân di truyền nguyên nhân chấn thương đã được công nhận. Đó là những vi chấn thương hay sự cọ xát liên tục ở lòng bàn tay.

Năm 1963, Chanut đã nghiên cứu trên 35.000 người, cho thấy tỷ lệ các bệnh ở công nhân tiếp xúc với rung chuyển khá cao, lên đến 18,9%.

Trong số 174 trường hợp mà viện y học lao động cho chụp X quang xương và khớp xương, 46 trường hợp có tổn thương, tỷ lệ 26,7%, với các loại tổn thương gai xương, mất vôi mỏm trâm trụ, vôi hoá dây chằng, phản ứng màng xương, hốc xương, biến dạng đầu dưới xương cánh tay, xương quay và xương trụ, hư khớp xương quay – trụ, thưa xương.

Trong số 289 công nhân tiếp xúc rung chuyển được soi mao mạch, 84 trường hợp có biến đổi mao mạch, tỷ lệ 29%.

III. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN

3.1. Chụp X quang

Đây là một phương pháp không thể thiếu được để xác định các tổn thương xương khớp và là cơ sở để giám định bệnh.

3.2. Đo cảm giác rung(pallesthésiométrie)

Đây là kỹ thuật dùng để xem thời gian tiếp thu rung chuyển ở các vùng tiếp xúc như bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối… Bình thường, thời gian tiếp thu rung chuyển kéo dài 16 giây.

3.3. Đo ngưỡng cảm giác (Sensory thresholds)

Thao Anna Maria Seppalainen, năm 1975 dùng máy Neuroton 626 (Siemens) đo ở đầu các ngón thứ 2 và thứ 4 và đo ở cổ tay phía lưng bên ngón cái Các điểm đo ứng với các vùng da được các dây thần kinh giữa, quay và trụ chi phối. Cường độ kích thích được tăng dần để xác định các ngưỡng. Kết quả đo, theo viện YHLĐ Henxinki, ngưỡng cảm giác tối thiểu ở các điểm đo ở phạm vi cường độ 2,0 – 2,2 mA, ngưỡng cảm giác tối đa ở 7,5 – 8,0 mA và ngưỡng đau ở 40 – 45mA.

3.4. Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh

Tốc độ dẫn truyền thần kinh được đo bằng phương pháp điện cơ – thần kinh. Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh vận động tối đa của thần kinh quay, trụ ở hai bên và đo cả tốc độ dẫn truyền cảm giác tối đa. Giới hạn thấp bình thường của thần kinh cánh tay là 50m/s, của thần kinh trụ là 40m/s, dẫn truyền cảm giác là 48m/s.

Phương pháp này có giá trị trong việc đánh giá các tổn thương thần kinh ngoại biên. Nhược điểm của phương pháp là tính nhạy cảm cao và không đặc hiệu vì các bệnh đau thần kinh cũng hay gặp ở công nhân không tiếp xúc với rung.

3.5. Soi mao mạch

Phương pháp này được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán rối loạn co mạch ở Liên Xô. Kết quả được xếp loại thành các giai đoạn co mạch – mất trương lực, tuỳ thuộc mức độ co động mạch và mức độ co hoặc mất trương lực mao mạch.

3.6. Đo nhiệt độ da

Dùng nhiệt kế đặc biệt đo nhiệt độ ngoài da ở các ngón tay của cả hai bàn tay, đo phía lòng và lưng các ngón. Nơi có rối loạn vận mạch, nhiệt độ da chênh lệch trên 200c So với nơi lạnh.

Bình thường, trong thời gian lao động, nhiệt độ da ở phía lưng ngón giữa tăng 500C – 600C.

3.7. Nghiệm pháp lạnh

Nghiệm pháp lạnh có tác dụng chẩn đoán dễ dàng kể cả trong điều kiện mới phát bệnh. Nghiệm pháp lạnh khi dương tính có liên quan với cả số ngón tay bị tổn thương. Do đó, khi nghiệm pháp lạnh dương tính có giá trị quan trọng và lúc này có ý nghĩa như một nghiệm pháp gây hội chứng Raynaud.

3.8. Đo thời gian hồi phục trung bình nhiệt độ da

Nghiệm pháp này có tác dụng nghiên cứu thời gian nhiệt độ các ngón tay trở về bình thường nhanh hay chậm, sau khi ngâm lạnh. Nghiệm pháp này chính xác và nhạy, nó cho phép đánh giá sớm các rối loạn vận mạch, biểu hiện của bệnh Raynaud nghề nghiệp. Đặc biệt, nó còn có thể nhạy hơn nghiệm pháp lạnh đơn thuần.

3.9. Chụp động mạch ở cẳng tay, bàn tay và ngón tay

Chụp động mạch là một phương pháp có giá trị chẩn đoán, cho phép phát hiện tình trạng bệnh lý của hệ thống mạch. Chụp hệ thống động mạch phải tiến hành sau khi làm ấm bàn tay lên (nhiệt độ da trên 300c) Và chụp một loạt phim, tốc độ nhanh. Nói chung, các tác giả đều mô tả rất giống nhau những tổn thương phát hiện được. Các tổn thương chủ yếu ở các động mạch ngón tay: các động mạch co thắt, không đều, cong queo, có khi bị tắc cụt. Các tổn thương có thể lan đến cung động mạch gan tay nông và sâu và cả đến động mạch quay, trụ. Các tổn thương động mạch không phải chỉ thấy ở các ngón tay có triệu chứng bệnh, mà còn thường gặp ở cả những động mạch tưới máu cho các ngón cái trong khi đó ngón này rất hiếm thấy có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, người ta còn có thể đo thể tích ngón tay, sinh thiết động mạch ngón tay…

IV. ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG

Nhìn chung, điều trị các bệnh do rung chuyển khó khăn đặc biệt là các tổn thương ở xương khớp. Tổn thương rối loạn vận mạch chủ yếu là điều trị phục hồi bằng mọi phương pháp có thể như thuốc và vật lý trị liệu. Các vitamin, kích thích làm ấm kết hợp với thuốc giãn mạch.

Trong phòng bệnh cần chú ý các biện pháp an toàn và vệ sinh lao động đồng thời với tiêu chuẩn hoá và giám sát môi trường có rung chuyển với các loại tần số khác nhau. Khám tuyển và khám sức khoẻ định kỳ theo quy định để phát hiện các rối loạn bệnh lý kịp thời giúp cho điều trị sớm và sắp xếp lao động phù hợp.

PGS. TS ĐỖ HÀM


(Nguồn tin: Tài liệu “Vệ sinh lao động và Bệnh nghề nghiệp”, NXB Lao động và Xã hội – 2007)