Bệnh viêm da tiếp xúc do dung môi hữu cơ ở người lao động và giải pháp can thiệp.
1. Viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do dung môi hữu cơ
Dung môi là một chất lỏng, rắn, hoặc khí dùng để hòa tan một chất tan rắn, lỏng, hoặc khí khác, tạo thành một dung dịch có thể hòa tan trong một thể tích dung môi nhất định ở một nhiệt độ quy định. Dung môi hữu cơ được sử dụng chủ yếu trong công tác làm sạch khô (ví dụ như tetrachlorethylene), chất pha loãng sơn (ví dụ như toluene, nhựa thông…), chất tẩy sơn đánh bóng móng tay và các dung môi tẩy keo (acetone, methyl acetate, ethyl acetate), trong tẩy tại chỗ (ví dụ như hexane, petrol ether), trong chất tẩy rửa (citrus terpenes), trong nước hoa (ethanol), và trong tổng hợp hóa học.
Dung môi hữu cơ thường xuyên được sử dụng trong sơn, vecni, sơn mài, chất pha loãng, sáp, sàn nhà và giày đánh bóng, các loại keo, nhiên liệu, chất chống đông, tẩy dầu mỡ, làm sạch và chất tẩy rửa khô, mực, chất bảo quản ….
Dung môi hữu cơ thường là hỗn hợp nhiều chất hữu cơ chúng có khả bay hơi trong đó có nhiều chất có thể gây nhiễm độc cho người lao động khi hít phải.
Ngoài ra dung môi hữu cơ khi dây dính trên da chúng có khả năng phá hủy hàng rào bảo vệ của da, gây tổn thương da cho người tiếp xúc ở dạng viêm da tiếp xúc kích ứng. Hoặc dung môi hưu cơ có thể đóng vai trò là một dị nguyên gây ra phản ứng miễn dịch quá mẫn muộn hay phản ứng type 4 gây lên tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng. Tổn thương da do dung môi hữu cơ gây ra có thể cấp tính rầm rộ như nổi ban đỏ và trên có thể có mụn nước với triệu chứng cơ năng có ngứa hoặc đau rát, châm chích và có gây tổn thương mạn tính với da dày nứt nẻ hoặc dầy sừng, lichen hóa, mất sắc tố da dạng bạch biến có thể kèm theo tổn thương móng làm cho công nhân rất khó chịu, làm giảm sức khỏe, nhiều trường hợp để lại di chứng như mất sắc tố da dạng bạch biến hoặc dầy sừng không hồi phục và giảm năng suất lao động.
Hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới thì nhóm bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp là một trong 3 nhóm bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất.
Ở Việt Nam số lượng công nhân làm việc phải tiếp xúc với dung môi hữu cơ ngày càng tăng. Theo thống kê chỉ tính riêng ngành công nghiệp da giầy hiện nay có khoảng 450 doanh nghiệp với hơn 500 000 lao động, số lượng công nhân tiếp xúc với dung môi hữu cơ chiếm khoảng trên 1/3 tổng số công nhân.
Nguyễn Văn Sơn và Cs nghiên cứu bệnh viêm da tiếp xúc ở 301 công nhân sơn của 02 cơ sở là Nhà Nhà máy Đóng tàu Hạ Long và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng. Kết quả cho thấy có 86 công nhân bị bệnh viêm da tiếp xúc do dung môi hữu cơ chiếm 28,57%, chủ yếu thể viêm da tiếp xúc kích ứng có 84 người chiếm 97,67% và viêm da tiếp xúc dị ứng có 2 người chiếm 2,33%.
Chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do dung môi hữu cơ
Viêm da tiếp xúc kích ứng nghề nghiệp
Yếu tố tiếp xúc: tiếp xúc trực tiếp với dung môi hữu cơ trong lao động. Đây là yếu tố quan trọng chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp. Khai thác kỹ yếu tố nghề nghiệp để xác định nội dung công việc và các loại hóa chất tiếp xúc trong quá trình lao động
Lâm sàng
– Cấp tính:
+ Khởi phát nhau sau vài phút đến vài giờ sau tiếp xúc với dung môi hữu cơ.
+ Xuất hiện tại nơi tiếp xúc, giới hạn rõ.
+ Nhẹ cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mày đay thoáng qua.
+ Nặng thì đỏ, phù nề, đau, mụn nước, mụn mủ, lột da, hoại tử.
+ Lành nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi ngừng tiếp xúc.
– Mạn tính:
+ Xuất hiện sau vài tuần, vài tháng hoặc vài năm tiếp xúc với dung môi hữu cơ
+ Biểu hiện đỏ da, bóc vảy, da nứt nẻ, ngứa lichen hóa, giới hạn tổn thương không rõ ràng, dễ nhiễm khuẩn thứ phát.
Cận lâm sàng: Thử nghiệm tét áp bì (patch tests) với dị nguyên dung môi hữu cơ âm tính.
Viêm da tiếp xúc dị ứng nghề nghiệp
Yếu tố tiếp xúc: Tiếp xúc với dung môi hữu cơ trong lao động. Khai thác kỹ yếu tố nghề nghiệp để xác định nội dung công việc và các loại hóa chất tiếp xúc trong quá trình lao động
Lâm sàng:
– Bệnh nhân ngứa liên tục, xen kẽ những cơn ngứa dữ dội làm bệnh nhân phải gãi nhiều gây trầy xước dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát.
– Biểu hiện sớm là đám đỏ da, phù nề, sẩn mụn nước, chảy nước tại vùng da tiếp xúc với dung môi hữu cơ.
– Nếu bệnh nhân không tiếp xúc với dị nguyên nữa, quá trình viêm sẽ giảm dần, giảm tiết dịch, tổn thương đóng vảy tiết, khô dần, vẩy tiết bong đi, da dần dần phục hồi.
– Nếu bệnh nhân tiết tục tiếp xúc với dung môi hữu cơ, viêm da sẽ kéo dài dai dẳng. Lúc này da trở nên khô, bong vẩy, dầy lên do hiện tượng tăng gai, dầy sừng và thâm nhiễm tế bào viêm ở trung bì. Hiện tượng liken hoá, dầy sừng và nứt nẻ.
Cận lâm sàng: Thử nghiệm tét áp bì (patch tests) với dị nguyên dung môi hữu cơ dương tính.
2. Giải pháp can thiệp
Điều trị:
– Cách ly ngay người lao động ra khỏi môi trường lao động có dung môi hữu cơ;
– Rửa sạch da bằng nước sạch có thể loại bỏ rất nhiều các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng từ làn da. Hãy chắc chắn để rửa sạch xà phòng hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
– Dùng mỡ corticoid bôi vào vùng tổn thương.
Dự phòng:
– Lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khi độc nơi sản xuất;
– Thông tin tuyên truyền cho người lao động và chủ sử dụng lao động tác hại của dung môi hữu cơ đối với sức khỏe và biện pháp dự phòng;
– Trang bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả phương tiện bảo vệ cá nhân;
– Tắm rửa, thay quần áo sau ca làm việc;
– Định kỳ đo nồng độ dung môi hữu cơ và đánh giá điều kiện làm việc ở người lao động;
– Khám tuyển: khám toàn thân chú ý đến các tổn thương viêm da và làm xét nghiệm với dung môi hữu cơ với những công nhân sẽ phải làm việc tiếp xúc với dung môi hữu cơ và không tuyển những công nhân bị nhạy cảm với dung môi hữu cơ vào nhưng vị trí này;
– Khám sức khỏe định kỳ: khám toàn diện; chú ý đến bệnh viêm da tiếp xúc và bệnh dị ứng toàn thân;
– Khám bệnh nghề nghiệp: thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho nhưng người lao động làm việc trong môi trường có dung môi hữu cơ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, chú ý các xét nghiệm cận lâm sàng để phát hiện sớm bệnh viêm da tiếp xúc.
TS. Nguyễn Văn Sơn
Phó Viện trưởng – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
(Nguồn tin: nioeh.org.vn)