Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp
Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp là gì?
Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp là tình trạng bệnh lý phát sinh do NLĐ bị lây nhiễm trong quá trình làm việc tiếp xúc với người bệnh, các dịch sinh học, bệnh phẩm, chất thải từ người bệnh viêm gan virut.
Bệnh viêm gan virut đã trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm hay gặp nhất trên thế giới cũng như ở nước ta. Cho đến nay người ta đã biết có 6 loại virut chính gây viêm gan đã được thống nhất với các tên gọi là A, B, C, D, E và G. Trong 6 loại viêm gan kể trên, virut viêm gan B được quan tâm hơn cả do tính chất lây lan của nó.
Bệnh viêm gan virut đã được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta từ năm 1991.
Những công việc có nguy cơ mắc bệnh cao:
Bệnh thường gặp nhất ở cán bộ y tế các khoa truyền nhiễm, các cơ sở truyền máu, các khoa Tai – Mũi – Họng; Răng – Hàm – Mặt, thận nhân tạo, khoa sản, khoa ngoại, khoa khám bệnh, người chăm sóc, phục vụ trực tiếp với máu, các chất bài tiết của bệnh nhân hoặc người mang trùng.
Tiến triển:
Virut viêm gan B có khả năng lây lan rất mạnh theo đường máu. Người bị nhiễm virut viêm gan B rất hiếm khi có biểu hiện lâm sàng cấp tính như sốt, đau vùng gan, vàng da…; hầu hết diễn biến âm thầm và phần lớn chuyển thành nhiễm virut mãn tính. Hậu quả do viêm gan virut B gây nên là tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan nguyên phát tế bào, làm sức khỏe suy kiệt hoặc tử vong.
Tiêu chuẩn chuẩn đoán:
+ Đối tượng chuẩn đoán:
NLĐ được xét chuẩn đoán phải là người làm công tác y tế, hoặc các công việc liên quan phải tiếp xúc với nguồn lây và bệnh phẩm.
+ Tiêu chuẩn chuẩn đoán:
Chuyên khoa truyền nhiễm xác định chuẩn đoán, chuyên khoa bệnh nghề nghiệp xác định BNN.
+ Triệu chứng lâm sàng:
- Hội chứng cúm:
Mệt mỏi toàn thân
Sốt nhẹ 38oC
Đau mình, đau mỏi xương khớp.
- Hội chứng tiêu hóa:
Chán ăn (dấu hiệu đặc trưng nhất)
Buồn nôn hoặc nôn
Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Hội chứng tắc mật:
Vàng da, viêm niêm mạc mắt rõ rệt, ít trường hợp nhẹ
Nước tiểu vàng sẫm
Phân nhạt màu
- Các triệu chứng khác:
Gan to (50 – 80% trường hợp)
Tức vùng gan khi ấn
+ Cận lâm sàng:
- Phát hiện kháng nguyên bề mặt viêm gan virut B trong huyết thanh, huyết tương dương tính.
- Men gan transaminaza SGOT, SGPT ≥5 lần bình thường
- Soi ổ bụng, sinh thiết gan theo quy định chẩn đoán giải phẫu bệnh lý.
Điều trị:
Cho đến nay chưa có thuốc điều trị căn nguyên, bệnh nhân cần:
- Nằm tại giường cho tới khi các enzym huyết thanh trở lại bình thường.
- Thực hiện chế độ ăn đủ lượng calo thích hợp, giàu chất đường, sinh tố, ít chất béo.
- Các loại thuốc bổ gan.
- Hạn chế thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc nhuận tràng.
- Cấm bia, rượu, hôn mê chỉ định dùng gluco-corti-coid và điều trị tăng cường.
Dự phòng:
Để thiết thực và chủ động bảo vệ sức khỏe cho nhân viên ngành y tế và những người làm công việc tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao cần:
- Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở làm việc, cung cấp đầy đủ trang bị bảo hộ lao động cá nhân nhằm giảm tối đa các yếu tố lây nhiễm.
- Tổ chức xét nghiệm hàng loạt HbsAg và tiêm phòng vacxin viêm gan B cho mọi đối tượng và ngành y tế kể cả sinh viên, học sinh các trường Y và những người làm công việc tiếp xúc với nguồn lây.
- Theo dõi, tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng năm cho những trường hợp đã nhiễm virut viêm gan B và kịp thời làm các thủ tục cần thiết gửi Hội đồng Giám định Y khoa để giám định BNN.
PGS.TS Khúc Xuyền
Giám đốc TT.Sức khỏe nghề nghiệp & MT
(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ 10/2014)