Bữa ăn ca của công nhân tại doanh nghiệp được đưa vào thỏa ước
Để nâng cao sức khỏe, tái tạo sức lao động cho người lao động, từ năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động. Đến nay, chất lượng bữa ăn ca còn trở thành một nội dung để Công đoàn cơ sở thương lượng, đưa vào Thỏa ước lao động tập thể.
Chất lượng bữa ăn ca là một nội dung thương lượng
Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ lưu ý công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của công nhân với mức tối thiểu 15 nghìn đồng, khuyến khích nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn.
Từ đó, tỉ lệ doanh nghiệp chi cho bữa ăn công nhân ở mức 11.000 đồng đã được tăng lên, có doanh nghiệp đã nâng lên 17.000 đồng, và đến nay là 30.000 đồng, thậm chí còn cao hơn nữa. Có những nơi như ở Hậu Giang, vào khoảng cuối tháng 10.2023, giá trị bữa ăn giữa ca của công nhân trong các doanh nghiệp dao động từ 18.000 đến 40.000 đồng. Mức hỗ trợ bữa ăn ca của hầu hết doanh nghiệp đều được nâng lên, nhưng Công đoàn sẽ tiếp tục vận động các đơn vị nâng lên, thấp nhất có giá trị 25.000 đồng/suất.
Hay như tại Sóc Trăng, theo Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2023 có 14 doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca từ 18.000 đồng/suất trở lên, nâng tổng số có 133/138 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn cho người lao động từ 18.000 đồng/suất trở lên với nhiều hình thức khác nhau như: Nấu ăn tại doanh nghiệp, thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, phát tiền, hỗ trợ bữa ăn ca qua kỳ lương…
Đặc biệt rất nhiều nơi Công đoàn đối thoại, thương lượng thành công để đưa bữa ăn ca vàoThỏa ước lao động tập thể. Có những nơi nội dung này được nâng lên là bữa ăn có chất lượng với số tiền 30.000 đồng/suất. Như tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam – doanh nghiệp có hơn 5.000 đoàn viên, công nhân lao động, bữa ăn ca chất lượng là một trong những điều khoản mà Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam thương lượng được với chủ sử dụng lao động khi đồng ý hỗ trợ mức ăn 30.000 đồng/suất (số liệu cuối năm 2023).
Với phương châm “Tất cả vì người lao động”, quan tâm đến sức khỏe người lao động, Công đoàn cơ sở đưa ra 3 yếu tố tập trung ở bữa ăn ca. Đó là chất lượng dinh dưỡng, khẩu vị phù hợp, môi trường thoải mái vui vẻ tại nhà ăn. Đầu vào thực phẩm cũng được công ty kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ, có nguồn gốc, được kiểm định an toàn thực phẩm, có khẩu phần ăn mẫu để người lao động có thể so sánh với suất ăn nhận được. Nhà ăn có không gian thoáng, mát, sạch sẽ. Ở giữa kê chiếc tủ kính bày danh sách thực đơn các suất ăn trong ngày được đánh thứ tự từ số 1 đến 12.
Trong các loại suất ăn có cơm, xôi, bún, những suất ăn chay và các suất ăn cải thiện. Người lao động lựa chọn suất ăn theo sở thích của mình qua đó rồi xếp hàng ở đúng cửa có số thứ tự trùng với số của suất ăn đã chọn để nhận. Mỗi người một khay, thức ăn phục vụ theo yêu cầu, có đủ nước và trái cây hoặc sữa chua tráng miệng. Người lao động hài lòng không chỉ vì chất lượng của món ăn mà còn vì sự thuận tiện. Ở đây có hệ thống thu nhận khay, cốc nước, thìa, đũa, thức ăn thừa sau khi ăn.
Cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động
Đầu tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Phan Văn Anh đã ký ban hành hướng dẫn Thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cấp công đoàn. Trong đó, cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động là một nội dung.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các cấp Công đoàn vận động, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động thực hiện tốt Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18.1.2022 của Ban Chấp hành TLĐ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25.2.2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đặc biệt quan tâm đến một số ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, điện tử…
Hàng năm, công đoàn cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động đề xuất, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đề xuất phương án chuẩn bị bữa ăn ca, tổ chức giám sát quy trình mua, chế biến, bảo quản thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Điều nhấn mạnh là bữa ăn ca cần được cân đối các thực phẩm theo tháp dinh dưỡng, món ăn đa dạng, đảm bảo nhu cầu năng lượng theo từng nhóm đối tượng nghề, công việc. Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV, V, VI) có định mức suất ăn khác với định mức suất ăn cho người làm nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm (điều kiện lao động loại I, II, III), không cào bằng chung.
Tăng cường chia sẻ, phát hành tài liệu “Nguyên tắc, chế độ ăn và bộ thực đơn mẫu cho bữa ăn của người lao động” do Tổng Liên đoàn phát hành đến các công đoàn cơ sở, doanh nghiệp để họ tham khảo thực hiện nhằm đảm bảo cân đối các nhóm thực phẩm, dinh dưỡng, bữa ăn đáp ứng về nhu cầu năng lượng cho người lao động. Xây dựng hướng dẫn cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động tại một số ngành, nghề.