Cải thiện tư thế làm việc cho người lao động

Thứ Tư, 08/05/2024, 10:00(GMT +7)

(LĐTĐ) Trong quá trình làm việc, người lao động phải tiếp cận và chịu sự ràng buộc bởi nhiều yếu tố của điều kiện lao động. Để tạo ra sản phẩm trong quá trình sản xuất, con người phải làm việc, sử dụng, vận hành các máy, thiết bị, sản phẩm với nhiều tư thế khác nhau…

Vai trò quan trọng của tư thế làm việc

Trước đây, khi thiết kế hệ thống làm việc, các yếu tố máy, thiết bị, sản phẩm được lấy làm trung tâm của hệ thống, người lao động buộc phải thích nghi với các yếu tố này và họ đã phải sử dụng các tư thế làm việc không phù hợp với tự nhiên trong một thời gian dài như kiễng chân, cúi vặn người, nâng vật nặng quá tải, thời gian ở một tư thế quá lâu, hoặc lặp lại liên tục… dẫn tới nguy cơ rối loạn cơ xương và mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn cơ xương nghề nghiệp.

Trong thời gian qua ở Việt Nam, các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm làm thế nào để người lao động không bị tai nạn lao động, vì khi người lao động bị tai nạn lao động, các chủ doanh nghiệp phải bỏ ra ngay một số tiền lớn để chữa trị, thuốc men…

Trong khi đó, tư thế làm việc sai dẫn đến các bệnh nghề nghiệp liên quan đến cơ xương khớp thì chủ doanh nghiệp lại không quan tâm, cho đó là việc của người lao động phải tự giải quyết. Đây quả thực là một vấn đề rất lớn.

Cải thiện tư thế làm việc cho người lao động là vấn đề cần được quan tâm. (Ảnh minh họa).

Hậu quả là người lao động bị mắc các bệnh liên quan đến cơ xương khớp làm cho họ có một tuổi già không an toàn khi mà họ không làm ra tiền nhưng lại phải tiêu một số tiền lớn vào bác sĩ, bệnh viện, thuốc men. Tư thế làm việc không phù hợp xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng, từ người lao động tự do đến công nhân, gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

Người công nhân bị tổn thương xương khớp ảnh hưởng đến năng suất công việc, chất lượng cuộc sống, thể chất và các hoạt động xã hội. Thu nhập giảm, chi phí gia tăng do thuốc men hoặc giảm giờ làm đã ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình người lao động. Doanh nghiệp giảm lợi nhuận do sản phẩm lỗi, kém chất lượng, năng suất người lao động giảm và Chính phủ phải đưa ra chính sách quan tâm đến các đối tượng này.

Ngày nay khi cuộc sống được nâng cao thì con người ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe và sự trả giá của mình trong quá trình lao động. Việc nghiên cứu về tư thế làm việc của người lao động là một bước tiến trong việc bảo vệ người lao động khỏi những yếu tố nguy hiểm, có hại của điều kiện lao động gây ra.

Làm thế nào để cải thiện tư thế làm việc cho người lao động

Để đảm bảo người lao động an toàn trong quá trình làm việc đối với máy thiết bị, tiêu chuẩn TCVN 9060:2011 (tương đương ISO 14738:2002) đã hướng dẫn người thiết kế máy, thiết bị các tư thế làm việc chính bao gồm: ngồi, ngồi cao, đứng có giá đỡ và đứng. Đồng thời tiêu chuẩn cũng chỉ ra những ưu điểm và bất lợi của từng tư thế làm làm việc chính.

Trong các tư thế làm việc chính đối với máy, thiết bị thì tư thế ngồi là được ưa chuộng nhất, bởi lực tác động đến cơ thể là thấp nhất do vậy người lao động có thể làm việc được lâu dài hơn. Tư thế đứng là tư thế ít được ưu tiên. Thông thường, khi các yêu cầu của nhiệm vụ công việc không cho phép người lao động ngồi hoặc đứng có giá đỡ thì mới phải thiết kế cho người lao động làm việc ở tư thế đứng.

Quan điểm trước đây cho rằng, rối loạn cơ xương nghề nghiệp là hậu quả của những công việc nặng nhọc, ví dụ như nâng các vật nặng. Tuy nhiên, người lao động có thể phải chịu đựng các tổn thương và rối loạn chức năng cơ xương khớp chỉ đơn giản là do ngồi tại bàn làm việc cả ngày. Ngồi làm việc trong quãng thời gian dài có thể làm giảm lưu thông máu, gây kích thích dây thần kinh, và gây chấn thương nhỏ cho các nhóm cơ.

Tư thế làm việc ngồi là tư thế được ưu tiên nhất nhưng ngồi lâu gây cảm trở đến sự lưu thông huyết. (Ảnh minh họa).

Không có tư thế làm việc nào là thuận lợi hoàn toàn, tư thế nào cũng có thuận lợi và bất lợi riêng. Tư thế làm việc ngồi là tư thế được ưu tiên nhất nhưng ngồi lâu gây cảm trở đến sự lưu thông huyết, làm ảnh hưởng đến sự co bóp của dạ dày, nhu động ruột và gây táo bón, đau bụng, tiêu hoá kém.

Đối với phụ nữ ảnh hưởng đến sự lưu thông máu ở cơ quan sinh dục, gây rối loạn kinh nguyệt, gây đau bụng dữ dội trước hoặc sau ngày thấy kinh. Có thể gây viêm tử cung, buồng trứng, sảy thai. Ngồi làm việc lâu gây đau mỏi cổ, vai, lưng và thắt lưng. Đối với những công việc mà tư thế phải uốn vặn người lâu dài gây vẹo cột sống, làm tổn thương cơ và dây chằng cột sống.

Nếu lao động nặng kéo dài có thể gây vôi hoá cột sống, gai đôi cột sống có thể chèn ép lên nhánh dây thần kinh gây viêm dây thần kinh toạ, có trường hợp bị liệt chi… Người lao động làm việc ở tư thế đứng trong một thời gian dài có thể bị dãn tĩnh mạch bắp chân, gây đau nhức. Đứng lâu làm tăng áp lực ổ bụng, gây sa trực tràng, bệnh trĩ, gây đau mỏi lưng, thắt lưng, ống chân, đùi, gây bệnh khớp xương, bàn chân bẹt. Ở phụ nữ gây biến dạng xương chậu, sa dạ con, lệch dạ con.

Các biện pháp nhằm cải thiện tư thế làm việc cho người lao động có thể kể đến là: biện pháp kỹ thuật, biện pháp y tế, biện pháp quản lý hành chính, biện pháp kiểm tra, đánh giá.

Trong đó, biện pháp kỹ thuật là được đánh giá là hữu hiệu nhất để phòng tránh rủi ro đến tư thế làm việc. Điều chỉnh chiều cao bề mặt làm việc phù hợp với nhân trắc học của người lao động. Bố trí các thiết bị, vật liệu trong tầm với theo quy luật của ergonomics.

Việc thiết kế máy, thiết bị, vị trí làm việc, công việc nên cho phép người vận hành tự do thay đổi thay đổi tư thế để tránh đơn điệu, gò bó, nhàm chán. Khi người thiết kế lựa chọn tư thế làm việc chính thì tư thế ngồi luôn luôn được ưu tiên, tư thế đứng ít được sử dụng hơn. Nên tránh sử dụng các tư thế quỳ, bò, nằm xuống làm tư thế làm việc. Nên sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi cần thiết…

Có thể nói rằng, có nhiều biện pháp cải tiến tư thế làm việc cho người lao động nhằm phòng tránh các rối loạn cơ xương nghề nghiệp. Các biện pháp này từ đơn giản đến phức tạp, với chi phí thấp đến chi phí rất cao. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người sử dụng lao động quan tâm đến vấn đề này để có các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc nhằm giảm các tư thế bất lợi cho người lao động để họ có một tuổi già an toàn.

Lan Chi – H.Duy
Nguồn: laodongthudo.vn