Chính sách An toàn vệ sinh lao động trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Thứ Sáu, 04/10/2024, 04:33(GMT +7)
  1. Đặt vấn đề

Mục tiêu chính trong chính sách an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới là đối phó với mọi khía cạnh của an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, ngăn ngừa mối nguy, giảm thiểu rủi ro, phòng tránh ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe người lao động đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Chính sách ATVSLĐ gồm việc thiết lập hệ thống quản lý, ban hành và thực thi chính sách nhân sự, chính sách đào tạo và quản lý chất lượng, duy trì và thúc đẩy sức khỏe và khả năng làm việc của người lao động, cải thiện môi trường làm việc, phát triển văn hóa an toàn, nâng cao năng suất lao động, ngăn ngừa thậm chí loại trừ yếu tố gây bệnh nghề nghiệp và mối nguy gây thương tích hoặc tử vong và những sự cố với máy móc, thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp chiếm 6,7% tổng số người chết do các loại tai nạn và bệnh tật khác, tỉ lệ tử vong ở nam giới là 108,3/100.000 và ở nữ giới là 48,4/100.000 người lao động. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO),số tử vong nghề nghiệp (do tai nạn và bệnh tật) năm 2015 là 2.780.000 người, năm 2019 là 2.900.000 người, số ca bị thương do tai nạn lao động năm 2019 là 402.000.000 người. Trong số tử vong nghề nghiệp thì chỉ 11% là do tai nạn lao động, còn lại 89% là do bệnh nghề nghiệp. Các loại bệnh nghề nghiệp phổ biến gồm ung thư, hô hấp, truyền nhiễm, tâm thần, tiêu hóa, tiết niệu. Tỉ lệ tử vong do bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng, do tai nạn có xu hướng giảm.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động, các nước trên toàn cầu đều đưa ra các chính sách khác nhau nhưng đều có mục tiêu chung là hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sự phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế.

  1. Chính sách an toàn vệ sinh lao động ở Châu Âu

Thực tiễn an toàn vệ sinh lao động thay đổi giữa các quốc gia với các tiếp cận khác nhau với luật pháp, quy tắc, sự cưỡng bức và khuyến khích tuân thủ. Ở châu Âu, một vài nước thành viên thúc đẩy An toàn vệ sinh lao động (OSH) bằng cách cung cấp tài chính công như trợ cấp, tài trợ tài chính, trong khi các nước khác tạo ra hệ thống thuế khuyến khích đầu tư cho OSH. Các nước khác áp dụng chế độ giảm chi phí bảo hiểm tai nạn lao động cho các công ty, tổ chức có hồ sơ OSH tốt.

Cơ quan an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc được thành lập năm 1994 nhằm thực thi quyền lực để đảm bảo rằng những yêu cầu luật pháp cơ bản liên quan đến an toàn vệ sinh lao động được đáp ứng. Ở nhiều nước châu Âu, có sự hợp tác mạnh mẽ giữa giới chủ và tổ chức công nhân (công đoàn) để đảm bảo hiệu quả OSH bởi vì người ta nhận ra rằng nó có lợi cho cả công nhân (thông qua việc duy trì sức khỏe) và doanh nghiệp (thông qua việc cải thiện năng suất và chất lượng). Nhiều nước đã luật hóa những hướng dẫn thiết lập tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn vệ sinh lao động, đòi hỏi người sử dụng lao động phải đánh giá rủi ro ở nơi làm việc và đặt ra các biện pháp bảo vệ dựa trên thứ tự kiểm soát mối nguy. Thứ tự này bắt đầu bằng việc triệt tiêu mối nguy và kết thúc bằng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Ở Đan Mạch, an toàn vệ sinh lao động được điều chỉnh bảo Luật Môi trường lao động và hợp tác tại nơi làm việc. Cơ quan môi trường lao động của Đan Mạch tiến hành giám sát các công ty, ban hành các quy tắc chi tiết hơn về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc và cung cấp thông tin về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Kết quả giám sát được công khai trên trang web của Cơ quan môi trường lao động Đan Mạch do đó công chúng, người lao động hiện tại và tương lai, khách hàng và cổ đông có thông tin về việc công ty đó có vượt qua cuộc giám sát hay không [2].

Ở Hà Lan, an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc được quy định trong Luật Điều kiện làm việc. Ngoài những quy định trực tiếp hướng dẫn an toàn vệ sinh trong môi trường làm việc, khu vực tư nhân thêm những quy tắc an toàn và sức khỏe vào chính sách điều kiện làm việc được quy định cho mỗi ngành. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội kiểm soát việc thực hiện quy định thông qua hoạt động giám sát. Họ điều tra tai nạn công nghiệp và có quyền đình chỉ công việc, xử phạt khi Luật Điều kiện làm việc bị vi phạm. Các công ty có thể được chứng nhận an toàn, sức khỏe, môi trường. Mọi công nhân cũng phải nhận chứng chỉ an toàn để chứng minh rằng họ biết cách làm việc theo quy tắc an toàn thích hợp. Các nhiệm vụ của cán bộ an toàn vệ sinh lao động chỉ được xác định ngắn gọn bao gồm: cung cấp kiểm tra sức khỏe tình nguyện, cung cấp phòng tư vấn về môi trường làm việc cho công nhân, cung cấp đánh giá sức khỏe nếu cần thiết cho công việc có liên quan. Luật pháp Hà Lan quy định công việc của chuyên gia an toàn chủ yếu là yêu cầu công nhân sử dụng dịch vụ tư vấn về điều kiện làm việc. Một dịch vụ được chứng nhận phải sử dụng đủ 4 loại chuyên gia bao phủ các rủi ro trong tổ chức sử dụng dịch vụ: chuyên gia an toàn, vệ sinh viên nghề nghiệp, bác sĩ nghề nghiệp, chuyên gia tổ chức. Năm 2004, 14% cán bộ an toàn vệ sinh lao động ở Hà Lan có bằng Thạc sĩ và 63% có bằng Cử nhân, 23% có bằng Kĩ sư OSH [3].

Bảng 1. Số giám sát an toàn trên 10.000 công nhân ở các nước châu Âu năm 2022 [1]

Nước

Số giám sát

Nước

Số giám sát

Luxembourg

2,76

Slovenla

0,88

Romani

1,80

Bồ Đào Nha

0,87

Đức

1,41

Pháp

0,80

Phần Lan

1,40

Áo

0,71

Latvia

1,30

Estonia

0,68

Bulgari

1,13

Bỉ

0,58

Sovakia

1,13

Hungary

0,58

Croatla

1,10

Thụy Điển

0,52

Tây Ban Nha

1,07

Sip

0,46

Lithuania

1,01

Iceland

0,25

Séc

0,95

Malta

0,21

Ba Lan

0,92

 

 

Ở Anh, Luật An toàn vệ sinh lao động (HSWA) được ban hành năm 1972, quy định nhiệm vụ của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi ở nơi làm việc cho người lao động, với ý định đưa ra khuôn khổ luật pháp hỗ trợ cho quy tắc thực hành không chỉ có hiệu lực pháp luật mà còn thiết lập giả thiết mạnh mẽ như những gì có thể thực hiện một cách hợp lý. Sự tin cậy trước đây vào bộ quy tắc được mô tả chi tiết đã thất bại trong việc đáp ứng đủ nhanh với thay đổi kĩ thuật, các kĩ thuật mới không được điều chỉnh hoặc được điều chỉnh không thích hợp. HSWA đưa ra vài quy tắc thực hiện nhiệm vụ phải làm mà không có thử nghiệm khả thi hợp lý, nhưng ở Anh, xu hướng điều tiết khác với quy định, hướng tới thiết lập mục tiêu và đánh giá rủi ro. Những thay đổi lớn gần đây đối với luật quản lý amiăng và quản lý, an toàn cháy nổ bao gồm khái niệm đánh giá rủi ro. Khía cạnh quan trọng khác của luật pháp Anh là cơ chế luật định đối với sự tham gia của người lao động thông qua an toàn vệ sinh viên và hội đồng an toàn vệ sinh lao động. Điều này tương tự cách tiếp cận ở Scandinavia mà đã được áp dụng ở các nước như Australia, Canada, New Zealand và Malaysia. Dịch vụ an toàn và sức khỏe giải quyết vấn đề y học lao động. Năm 2014, một tổ chức y học lao động mới được thành lập để cung cấp tư vấn và hỗ trợ cho người sử dụng lao động để người lao động nghỉ ốm dài hạn trở lại làm việc. Dịch vụ được tài trợ bởi chính phủ, cung cấp đánh giá và kế hoạch xử lý trên cơ sở tự nguyện cho những người vắng mặt khỏi nơi làm việc trong thời gian dài. Đổi lại, chính phủ không thanh toán hóa đơn cho chi phí điều trị bệnh, theo luật định, trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động [4].

Ở Nauy, nhiệm vụ chính của cán bộ an toàn vệ sinh lao động bao gồm: đánh giá môi trường làm việc, chứng thực các biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân bệnh tật ở nơi làm việc, cung cấp thông tin về vấn đề sức khỏe người lao động, cung cấp thông tin về vệ sinh lao động, ergonomics, rủi ro môi trường ở nơi làm việc. Năm 2004, 37% cán bộ an toàn vệ sinh lao động ở Nauy có bằng Thạc sĩ và 44% có bằng Cử nhân, 19% có bằng kĩ sư OSH [5].

  1. Chính sách an toàn vệ sinh lao động ở châu Mĩ

Ở Canada, người lao động được bảo vệ bởi luật lao động cấp bang hoặc cấp liên bang phụ thuộc vào khu vực làm việc. Các công nhân trong ngành khai mỏ, vận tải, nhân viên chính phủ được bảo vệ bởi Luật Lao động Canada, các công nhân ngành khác được bảo vệ bởi luật an toàn vệ sinh lao động của bang mà họ làm việc. Đạo luật dựa trên quan điểm rằng tất cả người Canada có quyền cơ bản về môi trường làm việc an toàn và vệ sinh. Trung tâm An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Canada (CCOHS), một cơ quan chính phủ Canada, được thành lập năm 1978 bởi Nghị viện, có nhiệm vụ thúc đẩy nơi làm việc an toàn và vệ sinh, ngăn ngừa thương tích và bệnh tật liên quan đến công việc [6].

Ở Mĩ, Tổng thống Richard Nixon đã kí ban hành luật an toàn vệ sinh lao động vào ngày 29/12/1970. Thành lập 3 cơ quan quản lý OSH: Cơ quan An toàn vệ sinh lao động (OSHA), Viện An toàn vệ sinh lao động quốc gia (NIOSH), Ủy ban Xét duyệt an toàn vệ sinh lao động (OSHRC). Luật An toàn vệ sinh lao động bao gồm điều khoản nghĩa vụ chung yêu cầu người sử dụng lao động tuân theo các quy tắc trong đó, cung cấp cho người lao động việc làm và nơi làm việc không có mối nguy có thể gây ra tổn hại thể chất nghiêm trọng hoặc tử vong. OSHA được thiết lập năm 1971 bởi Bộ Lao động Mĩ, có trụ sở ở Washinton DC và 10 văn phòng khu vực, mỗi văn phòng gồm 3 bộ phận: phê chuẩn, đào tạo và hỗ trợ. Sứ mệnh của nó là đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh cho công nhân bằng cách thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn, đào tạo, giáo dục và hỗ trợ. OSHA phát triển các tiêu chuẩn an toàn trong Bộ quy tắc liên bang và thực thi các tiêu chuẩn an toàn đó thông qua việc kiểm tra sự tuân thủ bởi các cán bộ giám sát, nguồn thực thi tập trung vào công nghiệp nguy cơ cao. Giám sát tại hiện trường nếu đạt yêu cầu thì nơi làm việc nhận trạng thái VPP và OSHA không giám sát hằng năm cho đến khi VPP xác nhận lại sau 3-5 năm trừ khi có tai nạn chết người hoặc sự phàn nàn của người lao động. Nơi làm việc có chứng nhận VPP nói chung có tỉ lệ thương tích và bệnh tật nhỏ hơn một nửa so với tỉ lệ trung bình trong cùng lĩnh vực. OSHA có các chuyên gia cung cấp thông tin và đào tạo cho nhân viên với chi phí nhỏ, tạo ra một loạt các ấn phẩm và dịch vụ tư vấn tài chính phù hợp với doanh nghiệp nhỏ. OSHA có các quan hệ đối tác chiến lược và chương trình liên minh để phát triển các hướng dẫn, hỗ trợ tuân thủ, chia sẻ nguồn lực và giáo dục công nhân về OHS. OSHA tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận để đào tạo công nhân nhận thức, tránh và ngăn ngừa mối nguy an toàn và sức khỏe ở nơi làm việc. Quỹ tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, công nhân khó tiếp cận và công nghiệp nguy cơ cao. NIOSH cũng được thành lập theo Luật An toàn vệ sinh lao động, là một cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thực hiện nghiên cứu và đề xuất biện pháp phòng ngừa thương tích và bệnh tật liên quan đến công việc. NIOSH thuộc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC), Bộ Y tế và Dịch vụ con người. Lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đến từ nhiều lĩnh vực và nghề nghiệp bao gồm y học, y học lao động, dịch tễ học, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tâm lý học, yếu tố con người và ergonomics. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên về nhiều vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Các vấn đề bao gồm cách tránh các điều kiện cụ thể có sẵn gây ra vấn đề, tư thế đúng, tần suất nghỉ ngơi, hành động phòng ngừa, v.v. Chất lượng an toàn nghề nghiệp được đặc trưng bởi các chỉ dấu phản ánh mức độ thương tích công nghiệp, số ngày nghỉ việc trung bình trên mỗi công nhân, sự hài lòng của người lao động với điều kiện làm việc, động lực làm việc an toàn của công nhân.Nhiệm vụ chính của cán bộ OSH là khảo sát, thử nghiệm, đánh giá môi trường làm việc, chương trình, thiết bị, thực hành, đảm bảo người lao động tuân theo quy tắc an toàn của chính phủ; thiết kế và thực thi chương trình và quy trình làm việc mà kiểm soát hoặc ngăn ngừa rủi ro vật lý, hóa học đối với công nhân; giáo dục giới chủ và công nhân về việc duy trì nơi làm việc an toàn; sử dụng thiết bị an toàn và đảm bảo việc sử dụng hợp lý của công nhân; điều tra sự cố để xác định nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa hữu hiệu; viết báo cáo về kết quả điều tra, khảo sát, đề xuất. Chuyên gia OSH kiểm tra nơi làm việc về các yếu tố môi trường, yếu tố vật lý có thể làm hại sức khỏe công nhân, an toàn, sự tiện nghi và năng suất làm việc, tìm cách cải thiện các yếu tố rủi ro tiềm tàng, chú ý đến điều kiện độc hại tiềm tàng bên trong nhà máy hóa chất, đề xuất những thay đổi về chiếu sáng, thiết bị, nguyên liệu, thông hơi. Kĩ sư OSH hỗ trợ các chuyên gia bằng việc thu thập dữ liệu về môi trường làm việc và thực hiện cải thiện nơi làm việc mà chuyên gia lập kế hoạch. Các kĩ sư cũng có thể kiểm tra để đảm bảo rằng các công nhân đang sử dụng đồ bảo hộ cần thiết và thực hiện chương trình đào tạo công nhân. Các chương trình này bao phủ nhiều chủ đề như cách sử dụng thiết bị an toàn một cách đúng đắn, cách ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong sự cố an toàn ở nơi làm việc, các chuyên gia và kĩ sư khảo sát nguyên nhân, phân tích dữ liệu từ sự cố, số người bị ảnh hưởng, tìm kiếm xu hướng xuất hiện. Đánh giá này giúp họ đề xuất biện pháp ngăn ngừa sự cố trong tương lai [7].

  1. Chính sách an toàn vệ sinh lao động ở châu Á

Ở Trung Quốc, Bộ Y tế chịu trách nhiệm ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp. Luật An toàn lao động được ban hành ngày 1/11/2002 quy định các vấn đề an toàn tại nơi làm việc, quản lý nhà nước về an toàn lao động. Luật Kiểm soát bệnh nghề nghiệp có hiệu lực ngày 1/5/2002. Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) được chính thức thành lập để đề ra các chính sách sức khỏe quốc gia, kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát bệnh nghề nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong chuỗi các hoạt động hướng tới sáng kiến Trung Quốc khỏe mạnh 2030 [8]. Ở Đài Loan, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh lao động thuộc Bộ Lao động phụ trách an toàn vệ sinh lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động [9].

Ở Ấn Độ, Bộ Lao động và Môi trường quy định chính sách quốc gia về an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy với tư vấn và hỗ trợ từ Viện Lao động và tư vấn nhà máy, và thực thi các chính sách của nó thông qua việc thanh tra an toàn nhà máy. Viện cũng cung cấp hỗ trợ kĩ thuật trong việc xây dựng quy tắc, khảo sát an toàn lao động và các chương trình đào tạo an toàn lao động [10].

Ở Indonesia, Bộ Nhân lực chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh và phúc lợi cho công nhân. Các đạo luật OSH quan trọng gồm Luật an toàn lao động năm 1970, Luật vệ sinh lao động năm 1992. Tuy nhiên, mức phạt vẫn thấp (tối đa 15 triệu rupiah, hoặc 1 năm tù) nên vi phạm vẫn phổ biến [11].

Ở Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội là cơ quan chính phủ giám sát an toàn vệ sinh lao động. Bộ chịu trách nhiệm thực thi Luật An toàn công nghiệp và sức khỏe nghề nghiệp năm 1972, luật quan trọng về OSH ở Nhật Bản, thiết lập những quy tắc và hướng dẫn, giám sát điều tra lao động, đảm bảo nơi làm việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh, điều tra tai nạn, ban hành quy định để cải thiện điều kiện an toàn. Cơ quan tiêu chuẩn lao động thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội có nhiệm vụ giám sát và hướng dẫn các doanh nghiệp, khảo sát thiết bị sản xuất về tính an toàn và tương thích, điều tra tai nạn, thống kê, thực thi luật pháp, xử phạt vi phạm an toàn, trả bồi thường tai nạn cho công nhân bị thương. Hiệp hội An toàn và sức khỏe công nghiệp Nhật Bản (JISHA) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo Luật An toàn công nghiệp và sức khỏe nghề nghiệp năm 1972. Hiệp hội làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý là Bộ Y tế trong việc thúc đẩy an toàn vệ sinh tại nơi làm việc. Trách nhiệm của JISHA bao gồm: cung cấp giáo dục và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động, thực hiện nghiên cứu và khảo sát về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, cung cấp hướng dẫn kĩ thuật và tư vấn cho doanh nghiệp, phổ biến thông tin và tăng cường nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, hợp tác quốc tế để cải thiện tiêu chuẩn an toàn lao động toàn cầu. Viện An toàn vệ sinh lao động quốc gia Nhật Bản (JNIOSH) thực hiện nghiên cứu để hỗ trợ chính sách của chính phủ về an toàn vệ sinh lao động. Viện phân loại nghiên cứu của họ thành nghiên cứu dự án, nghiên cứu hợp tác, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu theo yêu cầu của chính phủ. Mỗi loại tập trung vào những chủ đề nhất định, ngăn ngừa tai nạn, đảm bảo sức khỏe công nhân, thay đổi trong cấu trúc việc làm. Viện thiết lập mục tiêu rõ ràng, phát triển lộ trình, hợp tác với Bộ Y tế trong phát triển chính sách [12].

Ở Malaysia, Cục An toàn vệ sinh lao động (DOSH) thuộc Bộ Nhân lực chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho công nhân ở cả khu vực công và khu vực tư. DOSH chịu trách nhiệm thực thi Luật Nhà máy và cơ khí năm 1967 và Luật An toàn vệ sinh lao động năm 1994. Malaysia có cơ chế đại diện an toàn và sức khỏe cho công nhân [13].

Ở Singapore, Bộ Nhân lực (MOM) là cơ quan chính phủ phụ trách chính sách và thực thi OHS. Luật điều chỉnh các khía cạnh OHS là Luật An toàn vệ sinh tại nơi làm việc. MOM thúc đẩy và quản lý các phong trào chống lại việc làm không an toàn như chiến dịch ngăn ngừa ngã cao, an toàn vận hành cần cẩu, và an toàn giao thông [14].

  1. Chính sách an toàn vệ sinh lao động ở châu Đại Dương (châu Úc) và châu Phi

Australia đã ban hành và thi hành luật an toàn vệ sinh lao động phù hợp với hiệp định liên chính phủ về cải cách quy định và hoạt động an toàn vệ sinh lao động. Luật pháp và quy tắc an toàn vệ sinh lao động dựa trên đạo luật an toàn vệ sinh lao động của khối thịnh vượng chung năm 2011 và quy tắc thực hành chung [15].

Ở Nam Phi, Bộ Lao động và việc làm chịu trách nhiệm giám sát và thực thi an toàn vệ sinh lao động trong khu vực thương mại và công nghiệp, trừ ngành mỏ do Bộ Tài nguyên mỏ phụ trách. Bộ Lao động và việc làm ban hành các quy tắc an toàn chung năm 1986, quy định về môi trường tại nơi làm việc năm 1987, quy định về máy móc dẫn động năm 1988, Luật an toàn vệ sinh lao động năm 1993, quy tắc mất thính lực do tiếng ồn năm 2003, quy định hành chính chung năm 2003, quy tắc thiết bị áp lực năm 2004, quy định lặn năm 2009, quy tắc xây dựng năm 2014, v.v. [16].

  1. Liên hệ với chính sách an toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam

Sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành năm 2015, hiệu lực từ năm 2016, công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được chú trọng, đội ngũ cán bộ ATVSLĐ chuyên trách được đào tạo bài bản, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được đẩy mạnh, công tác tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động được tiến hành định kì, tổ chức Công đoàn tích cực tham gia với người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động.

Các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe (Safety Management System, SMS) từ các nước tiên tiến trên thế giới nhằm đối phó hiệu quả với các mối nguy an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Hệ thống SMS có thể ngăn ngừa tai nạn lao động và sự cố dựa trên việc quản lý mối nguy và rủi ro, thích nghi với sự thay đổi yêu cầu pháp lý. SMS xác định rủi ro tại nơi làm việc, thực hiện kiểm soát rủi ro, điều chỉnh các vấn đề không phù hợp và thực hiện cải tiến liên tục theo nguyên lý PDCA (kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – cải tiến). Đánh giá rủi ro cần được thực hiện trước khi can thiệp nhằm xác định mối nguy, ảnh hưởng của mối nguy, xác suất xảy ra thiệt hại và tính nghiêm trọng của hậu quả, tình huống mà thiệt hại có thể xuất hiện. Việc can thiệp sẽ giúp giảm rủi ro từ bậc cao xuống trung bình hoặc mức chấp nhận được.

Các tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam chấp nhận và áp dụng thành công, từ ISO 9001, ISO 14001 đến OHSAS 18001, ISO 45001 do ILO ban hành và đã được áp dụng trước ở Anh, Phần Lan, Australia, New Zealand, ISO 45000 áp dụng ở Mĩ, Đức, Đài Loan, Canada.

Để có thể tiếp cận được với chính sách ATVSLĐ tiên tiến trên thế giới, ban hành và thực thi công tác ATVSLĐ ở Việt Nam một cách hiệu quả, cần chú trọng công tác đào tạo chuyên gia về ATVSLĐ. Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn là cơ sở đào tạo chuyên ngành Bảo hộ lao động lâu đời và có uy tín ở Việt Nam, với 31 khóa Cử nhân/Kĩ sư và 16 khóa Cao học Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Tuy nhiên, chưa có cơ sở đào tạo nào ở Việt Nam cung cấp chương trình Tiến sĩ ATVSLĐ, trong khi Đại học Nam California (Mĩ) là trường đầu tiên trên thế giới đào tạo cán bộ trình độ cao về lĩnh vực này. Còn trình độ Thạc sĩ thì đã được đào tạo ở nhiều nơi như Đại học Indiana, Đại học Hull, Đại học Bắc Carolina ở Mĩ, Viện An toàn vệ sinh lao động ở Anh và bằng cấp được công nhận quốc tế. Chương trình Tiến sĩ ATVSLĐ ở Việt Nam là cần thiết để đào tạo chuyên gia và huấn luyện viên bậc cao cũng như nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, chiến lược và nhà quản lý trong lĩnh vực ATVSLĐ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

  1. Kết luận

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả không thể nêu hết chính sách và bộ máy quản lý ATVSLĐ của các quốc gia khác trên thế giới mà chỉ nêu một số nước đại diện cho 5 châu lục. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nước càng phát triển thì chính sách ATVSLĐ càng cụ thể, chi tiết, bộ máy quản lý càng chặt chẽ, hệ thống quản lý tuân theo các tiêu chuẩn càng cao, việc nghiên cứu về các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đánh giá rủi ro càng sâu sắc, công tác đào tạo chuyên gia ATVSLĐ càng được chú trọng. Việc tìm hiểu chính sách ATVSLĐ trên thế giới sẽ gợi ý chính sách ATVSLĐ cho Việt Nam giúp nước ta phát triển ngày càng bền vững. ❑

——————

Tài liệu tham khảo

  1. United Nations Regional CollaborativePlatform (2023), Inspectorsper10000 employedpersonsannual, International Labour Organization.
  2. Mette Alberg Mosgaard, Anja Marie Bundgaard, Heidi Simone Kristensen (2022), ISO 14001practices-A studyofenvironmentalobjectivesin Danish orga-nizations, JournalofCleanerProduction 331,129799.
  3. Anne Jansen, Dolf van der Beek, Anita Cremers, Mark Neerincx, Johan van Middelaar (2018), Emergent risks to workplace safety working in the same spaceasacobot, MinistryofSocial AffairsandEmployment.
  4. Health and Safety Executive (2023), Historical picture statistics in Great Britain.
  5. Jan Hovden, Terje Lie, Jan Erik Karlsen, Bodil Alteren (2008), The safety rep-resentativeunderpressure. A studyofoccupational health and safety manage-ment in the Norwegian oilandgas industry,SafetyScience46(3),493-509.
  1. Canadian Centre for Occupational Health and Safety (2021), Health and SafetyProgram – GeneralElements.
  2. Gary Namie(2008), US HostileWorkplaceSurvey2000,Workplace Bullying & TraumaInstitute.
  3. Jennifer Besserman, Ray A. Mentzer (2017), Review of global process safety regulations: United States, European Union, United Kingdom, China, India, Journalof LossPrevention in theProcess Industries50,165-183.
  4. Yu-Cheng Lin, Yu-Wen Lin (2022), An index to assess overwork-related adverse effects on employees under the occupational safety and health act in Taiwan,Safetyand Health at Work13(4),401-407.
  5. Sasmita Samanta, Jyotiranjan Gochhayat (2023), Critique on occupational safety and health in construction sector: An Indian perspective,MaterialsToday: Proceedings80,3016-3021.
  6. Ministry of Manpower (2018), National Occupational safety and health (OSH) profilein Indonesia, Republicof Indonesia.
  7. Yuki Takahashi, Toru Yoshikawa, Kenji Yamamoto, Masaya Takahashi (2024), Characteristics of mental disorders among information technology workers in 238compensatedcases in Japan, Industrial Health 62(1),67-76.
  8. Siti Fardaniah Abdul Aziz, Fadzil Osman (2019), Does compulsory training improve occupational safety and health implementation? The case of Malaysian,SafetyScience111,205-212.
  9. Ministry of Manpower (2023), Occupational safety and health profile: Singapore, International Labor Organization.
  10. Government of Western Australia (2005), Guidance note – Generalduty of care in Western Australian workplaces, Commission for occupational safety and health.
  11. InternationalLabour Organization (2017), Occupational safetyand health in theoilandgas industryin selectedsub-Saharan African countries.

Nguyễn Đắc Diện

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu khoa học Công đoàn. Số 35 tháng 9/2024