Đào tạo đội ngũ người huấn luyện ATVSLĐ trong cán bộ công đoàn, góp phần xây dựng cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Ngày 10.8.2024, tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mạng lưới Công đoàn các Khu công nghiệp toàn quốc đã phối hợp với Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Công đoàn các khu công nghiệp toàn quốc với chủ đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Tham dự hội thảo có gần 350 đại biểu đến từ 50 công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại 47 LĐLĐ tỉnh, thành phố. Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp toàn quốc đã bám sát chủ trương, định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn cấp trên để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phù hợp với hoạt động thực tiễn. Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi cán bộ công đoàn phải am hiểu pháp luật, nắm vững chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; có trình độ, năng lực và không ngừng đổi mới để có thể thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.
Tại hội thảo, từ kinh nghiệm công tác và thực tiễn hoạt động tại các đơn vị, doanh nghiệp, các đại biểu tham dự hội thảo đã tích cực trao đổi, làm rõ những hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII Đại hội Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Nguyễn Anh Thơ Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động, TLĐLĐVN tham luận tại hội thảo (Anh: Minh Đức)
Tham gia tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Thơ Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động đã nhấn mạnh, để triển khai đầy đủ trách nhiệm của tổ chức công đoàn và ban chấp hành công đoàn cơ sở quy định tại Luật ATVSLĐ và yêu cầu tại Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/09/2013 và Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/03/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới là “Phát động phong trào quần chúng xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc”. CĐCS phải giám sát chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương nhằm phối hợp kịp thời. Bên cạnh đó, CĐCS tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng đối thoại và thỏa ước tập thể.
Nguyễn Anh Thơ đề nghị nên có chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên, người huấn luyện ATVSLĐ trong lực lượng hàng trăm nghìn cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, làm nòng cốt cho các phong trào đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, văn hóa an toàn lao động, đồng thời trực tiếp đóng góp cho doanh nghiệp và người lao động tại nơi làm việc. Như vậy, CĐCS vừa được bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, nghiệp vụ an toàn, vệ sinh lao động và nhận được giấy chứng nhận huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động cho cán bộ CĐCS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ CĐCS trong hoạt động và xây dựng tổ chức công đoàn; vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS; vai trò của cán bộ CĐCS trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; một số giải pháp nâng cao trách nhiệm và khơi dậy niềm đam mê tâm huyết trong hoạt động của CĐCS …
Các đại biểu cũng chỉ ra các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động công đoàn như: tình trạng phân biệt can thiệp vào công việc của tổ chức công đoàn của người sử dụng lao động vẫn còn ở nhiều nơi, trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, số lượng thường xuyên biến động; năng lực một bộ phận còn hạn chế, nhất là tính chuyên nghiệp, kỹ năng hoạt động công đoàn. Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có nhiều cấp trung gian, nhất là các doanh nghiệp có quy mô đông lao động, có nhiều đơn vị thành viên, làm giảm đi mối quan hệ trực tiếp giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động…
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh Minh Đức
Các ý kiến tham luận tại hội thảo là cơ sở để ban tổ chức hội thảo tổng hợp, thống nhất ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp toàn quốc triển khai thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động tốt hơn, hạn chế, ngăn ngừa ngừng việc tập thể, đình công xảy ra, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Minh Đức