Chủ động phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Ngày 16-8, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh đều thống nhất, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn, thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn lao động (VSATLĐ). Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc tuyên truyền để doanh nghiệp chủ động có các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.

Còn nhiều cơ sở chưa được quản lý

Theo báo cáo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường thuộc Sở Y tế, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về VSATLĐ, thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh cho người lao động thì vẫn còn không ít các doanh nghiệp thờ ơ với sức khỏe của người lao động. Hiện Trung tâm đã lập hồ sơ quản lý VSATLĐ được 1.222/1.852 cơ sở kinh doanh với khoảng trên 500.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chỉ thực hiện việc khám sức khoẻ cho người lao động theo kiểu đối phó, thuê các đơn vị y tế tư nhân làm báo cáo kết quả đo kiểm môi trường lao động không chính xác về những yếu tố nguy hiểm, độc hại. Bên cạnh đó người sử dụng lao động và người lao động cũng chưa thực sự có ý thức về việc phòng, chống tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp đúng cách nên bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng nhanh. Điều này không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe của người lao động mà lợi ích của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo đó là nhiều hệ lụy xã hội khác. 

Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường đo kiểm môi trường lao động tại doanh nghiệp

Đơn cử như tại huyện Trảng Bom, Trung tâm y tế huyện chỉ mới lập hồ sơ quản lý  VSATLĐ cho 104 cơ sở trong tổng số hơn 800 cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ đang hoạt động trên địa bàn huyện. 6 tháng đầu năm, chỉ có 28 cơ sở được khám sức khoẻ định kỳ. Qua đo kiểm, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom đã phát hiện 133 mẫu liên quan đến yếu tố độc hại, nguy hiểm không đạt tiêu chuẩn. Còn tại huyện Long Thành, cũng chỉ mới có 97/169 cơ sở được lập hồ sơ quản lý VSATLĐ. Trong 6 tháng đầu năm, huyện chỉ thực hiện quan trắc đo kiểm các yếu tố về môi trường như vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, bụi, hơi khí độc… ở 16 cơ sở, thực hiện khám bệnh định kỳ cho 17 doanh nghiệp. Riêng TP. Biên Hòa cũng chỉ lập hồ sơ quản lý được 260 cơ sở, chủ yếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong các khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm y tế TP. Biên Hòa cũng chỉ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 11 doanh nghiệp với hơn 1.000 lao động.

Theo BS. Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, bệnh nghề nghiệp phát sinh do tiếp xúc lâu với hóa chất, tiếng ồn, khói bụi, làm việc ở một tư thế. Không riêng tại Đồng Nai mà tại nhiều tỉnh, thành khác, bệnh có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là người lao động làm việc liên tục trong các nhà xưởng có điều kiện làm việc không được đảm bảo. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến việc chấp hành các quy định về VSATLĐ cho người lao động, dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp nhưng chưa được khám để phát hiện bệnh kịp thời.

Tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp

BS. Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, để công tác bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp được thực hiện tốt, cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành, đặc biệt là Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH, LĐLĐ tỉnh. Trong đó, các cấp Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi cho người lao động hiểu về yếu tố tác hại và nguy cơ gây bệnh, các quyền lợi và thủ tục khi khám, nhận bồi thường khi bị bệnh nghề nghiệp. Phát huy vai trò của mình, cán bộ Công đoàn phải thuyết phục người sử dụng lao động hiểu được tầm quan trọng của chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho người lao động theo các quy định của Nhà nước. Việc tạo môi trường làm việc tốt còn góp phần nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Phó trưởng ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh cũng cho rằng, với đặc thù là tỉnh công nghiệp có lượng công nhân trên dưới 1 triệu người, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt lao động đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Trong kế hoạch VSATLĐ giai đoạn 2016 – 2020 mới ban hành, tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH, LĐLĐ tỉnh tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về an toàn vệ sinh lao động… mục đích tạo môi trường làm việc lý tưởng, người lao động có thu nhập ổn định sức khỏe tốt, doanh nghiệp có lợi nhuận. Từ đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển tế – xã hội của tỉnh.

Hoàng Lộc


(Nguồn tin: http://laodongdongnai.vn/)