Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân bệnh bụi phổi khiến 6 công nhân tử vong tại Nghệ An
Chuyên gia khẳng định vụ việc công nhân bị bụi phổi xảy ra tại Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) xuất phát từ hệ thống công nghệ, thiết bị chưa đảm bảo an toàn, doanh nghiệp chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Cụ thể, Công ty TNHH Châu Tiến chưa tuân thủ nghiêm các quy định về trang bị hệ thống hút bụi, lọc bụi… và không thực hiện quan trắc môi trường, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo quy định tại điểm 2, Điều 7 của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 về quyền và nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và qua các báo cáo, biên bản, ý kiến đánh giá của chuyên gia thì Công ty TNHH Châu Tiến chưa đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).
Công ty TNHH Châu Tiến trước đó (vào năm 2005) là cơ sở chế biến bột đá siêu mịn (CaCO3). Năm 2017, Công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá silic.
Nguyên liệu đầu vào là đá cuội, có thành phần trên 99% silic. Sản phẩm của Công ty có 2 dòng: bột đá silic trắng (5 giải kích thước 0,1 mm đến 5 mm) để làm nguyên liệu cho các nhà máy ép đá (mable), đá lót sàn nồi nấu thép của các nhà máy luyện thép, ngoài ra còn thu bụi đá trong quá trình nghiền để cung cấp trộn vào nguyên liệu luyện thép.
Khu vực tập kết vật liệu và xưởng sản xuất của Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: Cảnh Hưng
Quy trình công nghệ của hoạt động chế biến đá, bao gồm: nghiền thô, xay đá, ngâm rửa, sấy, phân tách hạt và nghiền tinh, đóng bao. Trong đó, từ khâu nghiền thô đã phát sinh và phát tán bụi đá có hàm lượng silic cao, đặc biệt tại khu vực nghiền tinh, bụi đá được ghi nhận bằng mắt thường đã rất đậm đặc. Tại khu vực ngâm, rửa và sấy có dùng dung môi có hóa chất tẩy trắng để làm sạch, làm bóng nguyên liệu. Trung bình, có từ 20 đến 25 lao động làm việc hằng ngày tại Công ty.
Qua khảo sát sơ bộ của Viện Khoa học ATVSLĐ, Công ty Châu Tiến có dây chuyền công nghệ khép kín, máy, thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài, nhà xưởng được xây dựng cao, rộng rãi, có các hệ thống hút bụi, lọc bụi và người lao động được trang bị một số loại phương tiện bảo vệ cá nhân.
Môi trường làm việc không đảm bảo là nguyên nhân dẫn tới bệnh bụi phổi của công nhân Công ty TNHH Châu Tiến. Ảnh: CNCC
Tuy nhiên, hiện trạng tại nhà xưởng tại thời điểm đoàn khảo sát cho thấy: thiết bị phụ trợ, các hệ thống hút lọc bụi đã cũ, hỏng, đa phần là tự chế, chắp vá; bố trí lao động tập trung trong một khu vực nhà xưởng rộng nhưng tiếp xúc trực tiếp với bụi, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, đúng chủng loại nên vừa không đảm bảo các điều kiện, nguyên tắc cơ bản của phòng, chống bụi trong sản xuất, từ hệ thống công nghệ, đến tổ chức lao động.
Theo chuyên gia ATVSLĐ, Công ty không bố trí những đối tượng lao động không cần phải tiếp xúc trực tiếp sang khu vực không có bụi, hoặc có vách ngăn giữa khu vực làm việc cho các khâu chuẩn bị, phụ trợ với khu vực trực tiếp vận hành tiếp xúc trực tiếp với bụi và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng (khẩu trang lọc bụi, bán mặt nạ lọc bụi…).
Theo báo cáo đánh giá từ Viện Khoa học ATVSLĐ, việc đầu tư nguồn lực của Công ty TNHH Châu Tiến cho công tác ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN vẫn còn khiêm tốn. Hệ thống công nghệ, thiết bị đã được doanh nghiệp nhập khẩu hàng chục năm nay, chủ yếu nhập công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị ATVSLĐ. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.
Quan trắc môi trường lao động còn mang tính hình thức, chưa tuân thủ nguyên tắc đo lường và kiểm soát yếu tố có hại, thiếu quy trình, quy định chi tiết cũng dẫn tới cách triển khai quan trắc môi trường lao động thiếu nhất quán, giảm sự tin cậy của kết quả quan trắc môi trường lao động; khám, chẩn đoán, giám định và điều trị BNN còn rất hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm hỏi gia đình các công nhân vào cuối tháng 11/2023.
Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa được tiến hành kịp thời, đầy đủ với một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN là sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng (chế biến đá có hàm lượng silic cao).
TS Nguyễn Đình Trung – Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, 20 công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được khám đợt 3 sắp có kết quả. Từ những kết quả khám của công nhân, cơ quan chức năng liên quan sẽ tiến hành lập hồ sơ và phân tích tỉ lệ thương tật, sau đó chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét, giải quyết chế độ cho người lao động.
Những công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được khám sức khỏe phát hiện bụi phổi vào đầu tháng 11/2023. Ảnh: BVCC
Chuyên gia chia sẻ, sự việc nghiêm trọng này cho thấy công nhân lao động đang thiếu kiến thức và doanh nghiệp chưa nghiêm túc với việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc cho người lao động.
“Với người lao động thì vấn đề đầu tiên họ cần phải điều tiết những yếu tố có hại đối với mình. Điều này đã được quy định rõ trong Luật ATVSLĐ. Việc quan trắc kết quả có hại trong môi trường lao động cũng phải được doanh nghiệp phổ biến đến người lao động. Khi nhận biết được yếu tố có hại thì người lao động sẽ biết cách để phòng chống”, TS Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đình Trung, hậu quả thấy rõ ở Công ty Châu Tiến là từ khi thành lập đến khi xảy ra sự việc không quan trắc môi trường, không tiến hành khám sức khỏe cho người lao động nên nhiều người lao động không biết mình bị tiếp xúc với yếu tố độc hại đến như vậy.
TS Nguyễn Đình Trung chia sẻ thêm, hiện tại Công ty TNHH Châu Tiến đã dừng hoạt động. Để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì cần có những quy định nghiêm ngặt.
TS Nguyễn Đình Trung – Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế. Ảnh: nld.com.vn
“Việc bây giờ là giải quyết chế độ chính sách cho người lao động để bảo đảm quyền lợi cho họ, đây là bước mà doanh nghiệp phải làm”, TS Nguyễn Đình Trung nói.
“Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Phổi Nghệ An nên cùng Bệnh viện Phổi Trung ương thành lập các trung tâm hỗ trợ điều trị cho người lao động mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp bởi đây là căn bệnh cần phải điều trị lâu dài, chi phí tốn kém nếu người bệnh phải đi lại”, TS Nguyễn Đình Trung đề xuất. |
Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của Công ty Châu Tiến đối với những nạn nhân đã nghỉ việc vài năm mới tử vong vì bụi phổi silic, TS Nguyễn Đình Trung cho hay, về bản chất, khi vào làm việc ở một công ty tiếp theo thì công ty đó bắt buộc phải khám sức khỏe để xem công nhân có đủ sức khỏe hay không trước khi nhận vào làm việc. Ngay cả khi các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc vấn đề đó thì chỉ cần xác định môi trường làm việc của người lao động ở các đơn vị tiếp theo có yếu tố gây nên căn bệnh bụi phổi silic hay không. Nếu các công ty kia không có bụi silic thì chắc chắn người lao động bị mắc bệnh trong quá trình làm việc tại Công ty Châu Tiến.
Theo TS Nguyễn Đình Trung, những công nhân làm việc tại Công ty Châu Tiến hiện mắc bệnh bụi phổi silic cấp tính. Mặc dù thời gian bảo đảm của căn bệnh này chỉ có một năm nhưng lỗi của Công ty là từ khi thành lập đến nay là không khám và tìm hiểu bệnh nghề nghiệp cho người lao động, nên kể cả công nhân đã nghỉ việc 5 năm cũng phải xem xét trách nhiệm từ phía Công ty Châu Tiến.
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, đối với bụi silic thì có khuyến cáo phải đeo khẩu trang chuyên dụng có hiệu quả kháng bụi từ 90% trở lên như N95, N90. Đôi khi còn phải dùng bán mặt nạ để bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Thời điểm hiện tại, đã có 6 công nhân tử vong do bệnh bụi phổi silic, hơn 100 công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được khám bệnh nghề nghiệp. Trong số 81 công nhân khám ngày 8/11/2023, có tới 57 người mắc bệnh bụi phổi (19 người bị thể nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ). Tất cả các trường hợp bị mắc bệnh nghề nghiệp đến nay chưa được giải quyết các chế độ bồi thường (từ phía chủ sử dụng lao động), trợ cấp (từ bảo hiểm xã hội) cho người bị bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động theo quy định của Luật ATVSLĐ. |
Khoản 2 Điều 7 Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động như sau:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động; b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, BNN cho người lao động; c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động; d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác ATVSLĐ; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác ATVSLĐ; e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo TNLĐ, BNN, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ; g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ. |
Bài viết: MINH ANH
Nguồn tin: laodongcongdoan.vn