Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2023”

Thứ Hai, 01/04/2024, 08:23(GMT +7)

Chiều ngày 29/03, tại Hà Nội, Báo Lao Động đã tổ chức diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2023”

Đến tham dự diễn đàn về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có TS Nguyễn Anh Thơ Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động; Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; Về phía Báo Lao động có ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng biên tập báo Lao động. Cùng đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia lĩnh vực môi trường, các đơn vị doanh nghiệp, công nhân lao động và các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết: Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường năm 2023” được mở ra với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời nêu bật các sáng kiến của công nhân lao động trong công tác bảo vệ môi trường

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau theo dõi 2 phóng sự ngắn với nội dung: “Nhiều địa phương gồng mình trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa”; “Việt Nam nỗ lực hiện thực hoá cam kết Net Zero vào năm 2050”.

Ông Đỗ Việt Đức  – Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có bài tham luận tại diễn đàn

Ông Đỗ Việt Đức – Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhà nước đã có nhiều văn bản về môi trường được đề ra, đặc biệt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những giải pháp đột phá đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn và đa dạng sinh học trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò là trung tâm.

Với vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong công tác quản lý môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm qua đã triển khai được một số hoạt động như đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường và các chương trình phối hợp tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện chỉ thị số 45/2020-TTCP về tổ chức phong trào tết trồng cây và công tác phát triển rừng ngay từ năm 2021. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triểu khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn chỉ đạo đó, các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp thực hiện những hoạt động thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường như tổ chức tết trồng cây, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, thiết bị máy để đảm bảo giảm tiêu hao năng lượng, ít thải chất thải độc ra môi trường.

Theo ông Đỗ Việt Đức, những năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục để trang bị kiến thức, kĩ năng, trình độ hiểu biết về công tác bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, năm 2023, các cấp công đoàn đã hưởng ứng ngày Môi trường Thế Giới, Tháng Hành động về Môi trường bằng nhiều hình thức truyền thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình. Nhiều địa phương đã căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của mình đã sáng tạo, đổi mới, chọn lọc các hình thức hưởng ứng phù hợp như treo pano, áp phích, khẩu hiệu, tuyên truyền phổ biến các nội dung về bảo vệ môi trường, với vai trò tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường bảo tồn và đa dạng sinh với sức khỏe và bảo vệ sức khỏe người lao động, cân bằng sinh thái, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, từ đó bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Từ đó có sức lan tỏa rộng rãi để đông đảo người lao động cùng tham gia.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức giám sát kiểm tra tại các doanh nghiệp, khu vực sản xuất. Các liên đoàn lao động địa phương đều đã thành lập các đầu mối tổ chức môi trường nhằm góp phần nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động tại diễn đàn

Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động với bài tham luận về “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trong các lĩnh vực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” cho rằng đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường sống là quyền hiến định, là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, là thước đo tiến bộ, văn minh của xã hội. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.

Mỗi năm, những đột phá kỹ thuật mới tạo nên những tiêu đề về lợi ích mà chúng mang lại cho thế giới. Những đổi mới này thu hút sự chú ý của công chúng vì chúng cách mạng hóa cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng ngành kỹ thuật có thể đi kèm với những hậu quả nghiêm trọng – thương tích hoặc mất mạng – và có khả năng gây thiệt hại cho môi trường, tài sản hoặc danh tiếng của doanh nghiệp. Tuy vậy, có cả một lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ: kỹ thuật an toàn. Kỹ thuật an toàn cung cấp một khuôn khổ có hệ thống để phân tích các hệ thống, sản phẩm và quy trình nhằm xác định các mối nguy hiểm, nhằm mục đích loại bỏ rủi ro hoặc giảm thiểu chúng đến mức thấp nhất có thể. Các kỹ sư an toàn sử dụng các nguyên tắc kỹ thuật để thiết kế các hệ thống vốn đã an toàn hơn, cùng với các hệ thống bảo vệ tích cực cũng như các quy trình và đào tạo cho người dùng và người vận hành các hệ thống này. Các nguyên tắc an toàn được áp dụng ở từng giai đoạn của một dự án kỹ thuật, từ phát triển ý tưởng đến thiết kế, xây dựng và vận hành. Điều này đảm bảo rằng những rủi ro đặc biệt của từng giai đoạn được giảm thiểu một cách thỏa đáng.

Qua đó, ông Nguyễn Anh Thơ cũng thông tin về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường lao động. Các đơn vị thuộc Viện đã thực hiện quan trắc môi trường cho 7.577 đơn vị, ước tính đến hết năm 2023 quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị. Kết quả quan trắc cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Kết quả quan trắc môi trường đã góp phần tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các yếu tố có hại giúp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình quan trắc cũng đã phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp, đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới này.

Tham dự diễn đàn còn có một số ý kiến đóng góp và thắc mắc, khó khăn của công nhân, người lao động đã được các đại diện, các chuyên gia giải đáp thắc mắc, tháo gỡ

Một số tham luận được trình bày tại diễn đàn như: Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chia sẻ về thách thức khi thu gom rác thải nhựa và vấn đề nâng cao kiến thức cho công nhân thu gom trong khâu phân loại rác”; Công đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ về bảo vệ môi trường chính là bảo vệ người lao động; Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường trao đổi về ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và những nội dung nổi bật của Luật bảo vệ môi trường 2020 trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chống rác thải nhựa…

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường kết luận diễn đàn

Kết thúc diễn đàn “Công nhân Lao động vì môi trường năm 2023” PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết thông qua diễn đàn này, đã thấy được ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi người lao động, mỗi công dân đều rất trăn trở với nhiệm vụ chung của của nước và cũng là nhiệm vụ chung của toàn thế giới. Tất cả mọi người đều cảm nhận được nếu không bảo vệ môi trường, nếu như vẫn tiếp tục phát thải khí nhà kính và tiếp tục làm suy giảm đa dạng sinh học thì môi trường sẽ quay trở lại ảnh hưởng đến môi trường sống của con người chúng ta. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ đánh giá cao những ý kiến quý báu mà đại diện các cơ quan ban ngành, cách chuyên gia đã đóng góp. Ông cũng cho rằng các ý kiến đưa ra tại diễn đàn đã được tiếp thu để rút kinh nghiệm, triển khai công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả hơn.

NKT