Hà Nam xử lý trên 1.500 kiến nghị về an toàn vệ sinh lao động
Hiện toàn tỉnh Hà Nam có trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ý thức chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế dẫn đến nhiều tiềm ẩn mất an toàn trong lao động.
Thực hành diễn tập về an toàn vệ sinh lao động tại VNPT Hà Nam. Ảnh: VNPT
Thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nam cho thấy, hiện toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc, thống kê, báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe NLĐ.
Thực hiện quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động làm nghề, công việc, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý công tác phòng cháy chữa cháy…
Xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn, làm việc an toàn đối với từng loại công việc và từng loại máy, thiết bị; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ… tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Sở LĐTBXH Hà Nam thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời thống kê từ năm 2013 đến nay đã có 464 cuộc thanh tra về pháp luật lao động, ATVSLĐ với 1.544 kiến nghị; số doanh nghiệp xử lý vi phạm là 15 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 669.664.500 đồng.
Theo đại diện Sở LĐTBXH Hà Nam, mặc dù công tác ATVSLĐ đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn các vụ TNLĐ, người mắc bệnh nghề nghiệp. Nguyên nhân chính do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đến công tác an toàn và khám sức khỏe bệnh nghề nhiệp, chưa đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ…