Một số giải pháp về công tác an toàn vệ sinh lao động giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Thứ Năm, 06/06/2024, 02:12(GMT +7)

Công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn gắn liền với hoạt động sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp trong đó lực lượng sản xuất đó là người lao động là yếu tố nòng cốt, là nhân tố quan trọng trong sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giảm ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thường xuyên, liên tục sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển lâu dài. Chính vì vậy trong những năm qua các cấp Công đoàn đã phối hợp thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ)về môi trường làm việc an toàn.

Như chúng ta đã biết Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 từ khi có hiệu lực, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của các chủ SDLĐ và NLĐ từng bước được nâng lên. Công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm tổ chức thực hiện. Trong đó việc tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế và ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp luôn là mối quan tâm, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người sử dụng lao động. Nhận thức được trách nhiệm của mình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đổi mới hoạt động Công đoàn với phương châm hướng về cơ sở, sát người lao động; chủ động phối hợp chính quyền cùng cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác ATVSLĐ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động. Gắn việc phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức thực tốt phong trào: “Xanh – Sạch – Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, xây dựng và phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động trong quá trình sản xuất, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi các cấp, phát tờ rơi, áp phích, sổ tay công tác ATVSLĐ, tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh trực tiếp tại cơ sở nhằm giúp người lao động có điều kiện tiếp cận thường xuyên và tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định về ATVSLĐ, các quy tắc vận hành, sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ.

Kiểm tra liên ngành công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp

Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được các cấp Công đoàn hết sức coi trọng. Hàng năm, các Cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như: ngành Lao động – Thương binh & xã hội, SởY tế, Bảo hiểm xã hội… tiến hành kiểm tra pháp luật lao động về công tác ATVSLĐ. Qua kiểm tra phát hiện Đoàn đã đề nghị các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế của các đơn vị được Đoàn kiểm tra. Tham gia chỉ đạo Công đoàn các cấp quan tâm nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ công đoàn trong công tác tham gia xây dựng quy định về ATVSLĐ, các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp tới người lao động; phát triển và bồi dưỡng đội ngũ an toàn vệ sinh viên. Đến nay trên toàn tỉnh  đã có 268 đơn vị doanh nghiệp có Công đoàn thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 3.191 người. Nhờ có mạng lưới ATVSV đã hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm ATVSLĐ, giảm thiểu tình trạng mất an toàn lao động tại nơi sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc với điều kiện làm việc tiện nghi hơn, sạch hơn, thoáng hơn. Các nguồn ô nhiễm đã được kiểm soát, xử lý; đã có nhiều doanh nghiệp trang bị các công nghệ tiên tiến, lắp đặt các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tạo cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp.

Kết quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc trong những năm qua được các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Tính từ năm 2022 đến nay đã có gần 26.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của CNVCLĐ tỉnh tham gia các chương trình giải thưởng. Nội dung sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đa dạng, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề với sự tham gia của nhiều lực lượng lao động từ CNLĐ đến kỹ sư, công chức, viên chức, cán bộ khoa học… nhiều cá nhân, tập thể đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen,

Đoàn đánh giá kết quả sau khi kiểm tra  công tác ATVSLĐ tai đơn vị

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hằng năm vẫn còn để xảy ra các vụ tai nạn lao động. Theo thống kê, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 96  vụ tai nạn lao động tại các đơn vị doanh nghiệp có quan hệ lao động  làm 12  người bị chết. Qua các kết luận điều tra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong việc đánh giá nguy cơ tiềm ẩn về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; còn có đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, người lao động còn vi phạm quy trình sử dụng các loại thiết bị……..

Để công tác An toàn vệ sinh lao động hoạt động có hiệu quả hơn nữa trong những năm tiếp theo, các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Công đoàn các cấp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Xác định rõ công tác an toàn, vệ sinh lao động là công tác đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động; là nhiệm vụ quan trọng nên phải đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể và xác định rõ chỉ tiêu giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của từng cấp.

Hai là, kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy, cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cấp Công đoàn.

Trong đó ưu tiên bố trí cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở các cấp Công đoàn là người có kinh nghiệm về nghiệp vụ an toàn, vệ sinh lao động; nhất là ở các lĩnh vực nguy có tiềm ẩn tai nạn lao động cao như (xây dựng, khai thác , luyện kim, …..….),

Lập kế hoạch định kỳ tổ chức tập huấn cho các bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở, các an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố mất an toàn, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chú trọng cập nhật những điểm mới, quy định mới của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động; những mô hình và kinh nghiệm cụ thể, sát thực để các đơn vị áp dụng thực hiện.

Ba là, tích cực tham gia nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tích cực tham gia nghiên cứu góp ý hoàn thiện các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt việc đánh giá quá trình thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động để có những đề xuất kiến nghị khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu sự cố mất an toàn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách cụ thể, sát thực, nhất là tại các Công đoàn cơ sở.

Bốn là, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải chấp hành nghiêm pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, an toàn trong xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan; xây dựng và thực hiện đầy đủ nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn của máy móc, thiết bị và nơi làm việc. Tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho các nhóm đối tượng; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động; kiểm định và khai báo sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm soát, đánh giá nguy cơ, xây dựng các biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Tăng cường phối hợp với Công đoàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và nội quy, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động.

Năm là, về công tác thông tin, tuyên truyền công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Tiếp tục quan tâm, cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện; về quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; về vai trò, quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng tới công tác tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế với công việc của người lao động; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn, phổ biến về các mô hình, kinh nghiệm tổ chức cho người lao động tự phát hiện các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Phổ biến các ứng dụng, phát triển rộng rãi công nghệ thông tin và mạng xã hội (zalo, trang website, fanpage, youtube, ….) trong công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cán bộ Công đoàn, người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Sáu là, về công tác tham gia kiểm tra, thanh tra; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động.

Tích cực tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp Công đoàn với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện các vi phạm, sai phạm, các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, từ đó yêu cầu khắc phục các vi phạm, nguy cơ mất an toàn lao động để ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động. Kịp thời đề xuất khen thưởng các chủ sử dụng lao động, đơn vị, người lao động chấp hành tốt và kiến nghị xử lý nghiêm minh, đối với các  đơn vị không tuân thủ, vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, khi có sự cố xảy ra TNLĐ cán bộ kịp thời đến và bám sát hiện trường nơi xảy ra sự cố, tai nạn lao động để nắm bắt diễn biến, hậu quả, nguyên nhân và cấp cứu người bị tai nạn lao động, điều tra, lập biên bản sự cố, tai nạn lao động. Chủ động đề xuất cơ quan chức năng hoặc người sử dụng lao động công bố, thông tin, phổ biến rộng rãi sự cố, tai nạn lao động, nhất là việc rút kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động tái diễn. Tổ chức đôn đốc, giám sát việc khắc phục các vi phạm, thực hiện các giải pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động tái diễn và giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, xử lý người có trách nhiệm để xảy ra sự cố, tai nạn lao động theo kết quả điều tra tai nạn lao động. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, đồng thời hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong việc tuân thủ các quy trình, quy phạm nhằm đảm bảo ATVSLĐ nơi làm việc, ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng được môi trường làm việc an toàn, lành mạnh góp phần hạn chế thấp nhất những sự cố, tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra sẽ giúp cho người lao động yên tâm làm việc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động nhằm góp phần giúp cho doanh nghiệp phát triển lâu dài, đáp ứng phát triển bền vững và lao động sản xuất đạt hiệu quả cao.

Việt Long

Nguồn: http://congdoanthainguyen.org.vn/