Mùa cao điểm xây dựng: đã tới lúc rà soát lại những quy định về an toàn tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Vào mùa xuân, khi ngày trở nên ấm áp và thời tiết trở nên khô hơn đáng kể, ngành công nghiệp xây dựng lại đẩy mạnh các dự án và mùa xây dựng chính thức bắt đầu. Với sự khởi đầu của các dự án khác nhau từ cơ sở hạ tầng, xây dựng công nghiệp chuyên dụng, các công trình thể chế và thương mại, đây là thời điểm trong năm người lao động cũng như những nhà quản lý an toàn cần cập nhật các quy trình an toàn phù hợp khi tiến hành công việc.

Qua hàng loạt công việc trên các công trường xây dựng, công nhân phải đối mặt với nhiều rủi ro trên công trường có thể dẫn tới chấn thương hoặc thậm chí tử vong. Hiểu biết về các nguy cơ khác nhau, tập huấn phù hợp cho người lao động và cung cấp đúng giải pháp về phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) có thể giúp ích cho công nhân vào thời điểm và tại nơi mà họ cần nhất.

Bốn nguy cơ gây tử vong

Cơ quan quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) xác định bốn nguy cơ chính trong ngành xây dựng (Fatal Four) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong tại nơi làm việc gồm: ngã, điện giật, bị mắc kẹt bên trong hoặc ở giữa và sự cố va trạm.

1. Ngã

Ngã là nguyên nhân số một gây ra tử vong cho người lao động trong ngành xây dựng. Nhằm giúp phòng ngừa tai nạn do ngã, OSHA khuyến cáo người sử dụng lao động lập kế hoạch trước bằng cách thảo luận cách thức thực hiện công việc và những nhiệm vụ nào sẽ cần phải hoàn thành để bảo đảm an toàn. Tiếp theo, người sử dụng lao động cần cung cấp phương tiện phù hợp cho từng nhiệm vụ đặc thù và huấn luyện người lao động học cách sử dụng chính xác phương tiện được cung cấp.

2. Điện giật

Công nhân xây dựng đối mặt với nguy cơ bị điện giật cao hơn gấp 4 lần công nhân thuộc các ngành khác. Nhiều vụ việc giật điện trong xây dựng xảy ra khi người lao động chạm phải thiết bị điện đang hoạt động, nguồn điện tạm thời và đường dây điện trên cao hoặc dưới lòng đất.

Trong khi nguy cơ về điện rất nguy hiểm, thì rủi ro có thể được giảm thiểu bằng cách triển khai các thực hành làm việc an toàn. Người lao động nên chú ý cảnh báo xung quanh các đường dây có điện, thiết bị ngắt điện trước khi sửa  chữa và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp. Một số kính bảo hộ, mũ cứng, thiết bị chống ngã, găng tay và giầy dép được thiết kế giúp bảo vệ người dùng khỏi bị giật điện bằng cách sử dụng các sản phẩm phương tiện bảo vệ cá nhân cách điện và các sản phẩm có tính năng khử tĩnh điện và xả tĩnh điện.

3. Mắc kẹt bên trong hoặc ở giữa

Các nguy cơ mắc kẹt bên trong hoặc ở giữa phát sinh trên các công trường xây dựng khi làm việc xung quanh máy móc có các bộ phận chuyển động không được che chắn, các hố đào hoặc rãnh không được bảo vệ và những bức tường đổ sập trong quá trình phá dỡ. Làm việc xung quanh các thiết bị nặng bị nghiêng và các phương tiện hoặc thiết bị đang chuyển động cũng có thể dẫn đến các sự cố bị kẹt bên trong hoặc ở giữa.

Người sử dụng lao động có thể giúp bảo vệ người lao động bằng cách bảo đảm máy móc thiết bị được che chắn bảo vệ phù hợp và huấn luyện người lao động cách tuân thủ các quy trình an toàn. Huấn luyện phù hợp và trang bị quần áo phản quang có thể hỗ trợ phòng ngừa các chấn thương do mắc kẹt bên trong hoặc ở giữa. 

4. Sự cố va trạm

Chấn thương do va trạm là lý do hàng đầu của các chấn thương không gây tử vong và đứng thứ hai trong số các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong ở công nhân xây dựng. Những vụ việc này hầu hết nảy sinh khi người lao động va trạm với thiết bị hoặc phương tiện hạng nặng và các vật thể rơi hay bay, văng. Người sử dụng lao động có thể giúp phòng ngừa các sự cố va chạm bằng cách tổ chức tập huấn, kiểm tra thiết bị trước khi sử dụng và cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại như kính an toàn, mũ cứng và tấm che mặt.

Hiểu về rủi ro tại nơi làm việc đem lại kết quả công tác an toàn tốt hơn

Bốn nguy cơ được đề cập kể trên là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tử vong ở người lao động, tuy nhiên vẫn tồn tại rất nhiều rủi ro khác mà công nhân xây dựng phải đối mặt. Ví dụ, họ phải đối mặt với rủi ro mất thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn từ máy móc, tiếng ồn do khoan hoặc bị thương tích ở tay khi thao tác làm việc với kim loại, bê tông hoặc các vật liệu cứng khác. Thị lực cũng có thể bị tổn hại do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sương mù, mảnh vụn bay, bụi hoặc thậm chí các hạt lớn hơn có thể gây hại cho mắt của công nhân xây dựng nếu họ không trang bị kính bảo hộ phù hợp.

Những mối nguy hại tại nơi làm việc có ở khắp nơi, nhưng rủi ro mà chúng mang lại có thể được giảm thiểu. Xây dựng một nền văn hóa toàn diện về an toàn là vô cùng quan trọng nhằm giúp bảo đảm người lao động tránh xa các tác hại trong toàn bộ ca làm việc của họ. Đối với những nhà quản lý an toàn, sau đây là 03 điểm mấu chốt cần ghi nhớ: Hiểu những rủi ro của từng công việc, thấm nhuần và củng cố các thực hành an toàn tốt nhất bằng cách đào tạo phù hợp và trang bị cho công nhân phương tiện bảo vệ cá nhân thoải mái và vừa vặn mà họ sẽ mặc cả ngày. Làm như vậy, nhiều sinh mạng sẽ được bảo vệ không chỉ trong thời gian cao điểm về xây dựng mà còn trong cả năm.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: www.ishn.com)