Những kết quả đạt được khi triển khai Luật ATVSLĐ năm 2015 và một số đề xuất sửa đổi bổ sung

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Việc xây dựng và ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với mục tiêu bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động (NLĐ) trong quá trình sản xuất, nhất là NLĐ trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Đồng thời, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, Luật ATVSLĐ đã được xây dựng theo hướng phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của NLĐ bị TNLĐ, BNN và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và xã hội. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật ATVSLĐ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cho thấy tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, giúp giảm thiểu TNLĐ và BNN cho NLĐ, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ cũng nảy sinh những bất cập nhất định. Đồng thời, trong bối cảnh thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và qúa trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới của Việt Nam, Luật ATVSLĐ cũng cần được kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp.

1. Một số kết quả đạt được khi triển khai Luật ATVSLĐ

1.1. Công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật

Nhằm triển khai ngay Luật ATVSLĐ vào cuộc sống cũng như nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện chiến lược phát triển bền vững, ngày 15/9/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1605/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ. Vì vậy, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Bộ Y tế cùng với các bộ đã tiến hành rà soát, thống kê và đề xuất danh mục các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan. Từ năm 2015 đến năm 2021, đã có 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung an toàn, vệ sinh lao động được xây dựng và ban hành. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành các quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần, hết hiệu lực toàn bộ.

Đến năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ động chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và các bộ liên quan để tham mưu trình Chính phủ ban hành 06 nghị định quy định chi tiết (trong đó có 2 nghị định đã hết hiệu lực [1]); căn cứ theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 15/9/2015, Bộ đã tham gia góp ý 16 nghị định có liên quan đến nội dung ATVSLĐ; đồng thời rà soát, đưa các nội dung liên quan quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Các Nghị định trên đã được ban hành kịp thời, đảm bảo đưa luật vào thực thi. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành liên quan đã ban hành 90 Thông tư (bao gồm cả quy chuẩn) [2].

1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật An toàn, vệ sinh lao động

Tuyên truyền, phổ biến về Luật ATVSLĐ là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan (như NSDLĐ, NLĐ, cơ quan quản lý nhà nước…), cũng là giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống TNLĐ, BNN và từ đó giúp triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ trong thực tiễn. Trên cơ sở quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hàng năm Bộ LĐTBXH, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện NSDLĐ, NLĐ đều tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ. Nhờ cơ chế xã hội hóa trong các hoạt động huấn luyện, cho phép sự tham gia của các chủ thể khác trong xã hội, số lượng người được thông tin, huấn luyện về ATVSLĐ tăng hàng năm. Giai đoạn 2016 – 2021, số lượt người được huấn luyện do các tổ chức huấn luyện ATVSLĐ vào khoảng 1,2 đến 2,1 triệu người/năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức cũng tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 2-5 triệu lượt người/năm. Đến nay, có khoảng 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ (hạng A, B, C) góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về ATVSLĐ.

Sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành, các hoạt động của Hội đồng quốc gia và hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ được đẩy mạnh. Việc tổ chức và duy trì đối thoại hàng năm của Hội đồng quốc gia và hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ giúp chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa NSDLĐ và NLĐ, các tổ chức đại diện của NSDLĐ, NLĐ, các cơ quan nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết pháp luật, cải thiện điều kiện lao động. Các phiên đối thoại của hội đồng cấp tỉnh cũng đã được triển khai trên hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc (63/63 tỉnh, thành phố), dần đi vào nề nếp cũng đã góp phần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp và NLĐ. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2017, tháng 5 hàng năm đã trở thành tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ. Trong tháng hành động, nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như đối thoại, tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền… đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi TNLĐ, BNN.   

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Luật ATVSLĐ nói riêng và công tác ATVSLĐ nói chung được thông qua nhiều kênh thông tin như mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ kết nối với Mạng An toàn, vệ sinh của các nước Đông Nam Á (ASEAN-OSHNET), trang thông tin điện tử, báo chí, truyền hình trung ương và địa phương, các cuộc thi từ cấp doanh nghiệp, cấp tỉnh đến cấp toàn quốc về tìm hiểu pháp luật, kiến thức ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, thi người huấn luyện ATVSLĐ giỏi, thi an toàn vệ sinh viên giỏi…

1.3. Tình hình TNLĐ, BNN và việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ

Để đánh giá thực trạng ATVSLĐ của một quốc gia thì số liệu về TNLĐ và BNN là những chỉ số quan trọng. Kể từ sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực tới nay (1/7/2016), tình hình TNLĐ trên cả nước đã có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Theo các báo cáo của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2016 – 2021, trên cả nước xảy ra 47.261 vụ TNLĐ làm 48.500 người bị nạn, trong đó có 5.089 vụ TNLĐ chết người làm 5.376 người chết. Giai đoạn 2016 – 2020, tần suất TNLĐ chết người đã giảm 24,2% so với giai đoạn 2011 – 2015. Về số liệu BNN, giai đoạn 2016 – 2020, có 1.359.829 NLĐ được khám phát hiện BNN, số người được khám phát hiện BNN cao hơn giai đoạn 2011 – 2015. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020 có khoảng 200.000-300.000 NLĐ được khám phát hiện BNN và có từ 3.000 – 5.000 trường hợp mắc BNN được phát hiện (chiếm khoảng 1%). Qua đó cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN cho NLĐ đã và đang được quan tâm hơn.

Về ý thức chấp hành và sự tuân thủ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có xu hướng tốt hơn. Các quy định liên quan đến xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch ATVSLĐ, quy trình vận hành, kiểm định, sửa chữa, bảo dưỡng…đối với máy móc, thiết bị, công tác huấn luyện,  kiểm tra ATVSLĐ…đã được thực hiện theo các quy định của Luật. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế vào quản lý ATVSLĐ tại doanh nghiệp như: ISO 14000, SA 8000, OHSAS 18001, ISO 45001…Việc chấp hành các quy định như chế độ bảo hộ lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng sức khỏe bằng hiện vật… cũng đã được quan tâm hơn.

Nhìn chung, sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực, các hoạt động liên quan đến công tác ATVSLĐ đã được quan tâm và triển khai thực hiện tốt hơn như: việc thực hiện các biện pháp phòng chống các yếu tố nguy hiểm, có hại (thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc); chế độ chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý máy thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt ATVSLĐ; xử lý sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc bảo đảm ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; quản lý nhà nước về ATVSLĐ; thống kê, báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu (hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ), chương trình quốc gia ATVSLĐ.

2. Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ

Trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, sau đại dịch Covid-19 đã xuất hiện các mô hình làm việc mới (như làm việc tại nhà). Đồng thời, cuộc CMCN 4.0 tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là thay đổi to lớn trong công nghiệp và sản xuất, đưa nền kinh tế số trở thành xu hướng tăng trưởng của thời đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung, đặc biệt là việc hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, các tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ sẽ ngày càng được quan tâm và áp dụng.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Luật ATVSLĐ đã nảy sinh những bất cập như: một số quy định của Luật  ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn còn chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường và sự phát triển của xã hội (các quy định về chủ thể tham gia các hoạt động dịch vụ huấn luyện, kiểm định, quan trắc môi trường lao động, quy định các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp, được tính theo mức lương cơ sở, không đủ trang trải, bù đắp các chi phí trong cuộc sống cho người bị TNLĐ, BNN…); chưa khả thi khi áp dụng chung trong thực tế và vướng mắc trong triển khai thực hiện (quy định về cấp chứng chỉ y tế lao động; bảo hiểm TNLĐ, BNN tự nguyện; điều tra tai nạn khu vực không có quan hệ lao động; giao trách nhiệm quy định điều tra TNLĐ những lĩnh vực đặc thù như tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt, bức xạ hạt nhân…).

Chính vì vậy, để đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam cũng như khắc phục những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, việc sửa đổi, bổ sung Luật ATVSLĐ nên tập trung vào một số điểm sau:

– Đáp ứng được xu thế hội nhập và sự tác động của CMCN 4.0, sự thay đổi nhanh chóng của sản xuất, mô hình việc làm mới, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của kinh tế, xã hội và quản trị nhà nước trong đó có công tác ATVSLĐ. Do đó, Luật ATVSLĐ cũng phải điều chỉnh nhằm phù hợp với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách phát triển công nghiệp, chính sách thương mại trong đó có việc dự báo và nội luật hóa các công ước liên quan đến ATVSLĐ mà Việt Nam sẽ phê chuẩn. Cụ thể, trong chương trình hợp tác Quốc gia Việc làm thỏa đáng tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026 được ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các tổ chức đại diện NSDLĐ và NLĐ và Tổ chức lao động động quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh về ý nghĩa nơi làm việc đảm bảo ATVSLĐ và ghi nhận Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước số 184 về an toàn và sức khỏe trong nông nghiệp và Công ước số 129 về Thanh tra lao động (nông nghiệp).

– Đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung. Thực tế cho thấy đã xuất hiện một số quy định của Luật ATVSLĐ còn chồng chéo, thiếu thống nhất với nội dung của các luật khác như: Bộ Luật lao động 2019 [3], Bộ luật Hình sự năm 2015 [4], Luật Đầu tư năm 2015 [5], và các luật chuyên ngành như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Điện lực, Luật Hóa chất 2007…

– Cần quy định rõ hơn về vấn đề văn hóa an toàn trong Luật ATVSLĐ. Hiện nay quy định về văn hóa an toàn trong Luật ATVSLĐ khá mờ nhạt (tại Điều 10 và Điều 20). Trong khi đây là một xu thế trên thế giới và đã được ILO khuyến nghị tại Hội nghị lao động quốc tế năm 2003. Vì vậy, cần phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn nội dung về văn hóa an toàn như: trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa an toàn tại doanh nghiệp; vai trò thúc đẩy văn hóa an toàn của cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ.

– Khắc phục những bất cập khi triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ như đã nêu trên như: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường và sự phát triển của xã hội; tháo gỡ những vướng mắc về bảo hiểm TNLĐ, BNN tự nguyện, công tác ATVSLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động…

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị định 44/2017/NĐ-Cp quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Nghị định 37/2016/NĐ-Cp quy định chi tiết và hướng dẫn về bảo hiểm tai nạn lao động,  bệnh nghề nghiệp  bắt buộc

[2]. Bao gồm 82 văn bản trực tiếp điều chỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, và 8 văn bản có nội dung liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động

[3]. Bộ luật Lao động 2019 quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm tổ chức công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, các tổ chức này bình đẳng với nhau trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

[4]. Bộ luật Hình sự đã bổ sung thêm một số tội danh trong lĩnh vực lao động

[5]. Luật Doanh nghiệp đã thay đổi một số nội dung liên quan đến lao động như: chế định người đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp… Luật Đầu tư đã thay đổi một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Thu Hằng

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)