Nghiệm thu đề tài KH&CN “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018, Văn hóa an toàn EVN”

Thứ Sáu, 29/03/2024, 02:34(GMT +7)

Ngày 28/03/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018, Văn hóa an toàn EVN” do Ban An toàn EVN chủ trì phối hợp với Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thực hiện. Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Hồng Long, Trưởng Ban An toàn EVN.

Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp EVN gồm có 17 thành viên do ông Ngô Xuân Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ tịch.

Toàn cảnh buổi Họp nghiệm thu đề tài

ThS. Phạm Hồng Long đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, theo đó đề tài được thực hiện với 2 mục tiêu chính: 1). Đề xuất nội dung, các bước và kế hoạch chuyển đổi hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 cho các đơn vị của EVN; 2). Đề xuất mô hình “Văn hóa an toàn của EVN”, hướng dẫn áp dụng và lộ trình áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các đơn vị của EVN.

Để hoàn thành 2 mục tiêu của đề tài nhóm nghiên cứu đã thực hiện 4 nội dung chính:

Nội dung chính 1: Tổng quan, phân tích tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về VHAT.

Nội dung chính 2: Nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng công tác ATVSLĐ theo các quy định Pháp luật của Việt Nam (khoảng 21 đơn vị tại khối nguồn điện, khối truyền tải điện, khối phân phối điện):

– Khảo sát, đánh giá hiện trạng việc thực hiện các quy định pháp luật về ATLĐ; PTBVCN; môi trường lao động; quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; quản lý SKNN & VSLĐ;

– Khảo sát, đánh giá hiện trạng vận hành bộ máy quản lý và huy động các nguồn lực để quản lý ATVSLĐ tại các đơn vị thành viên EVN.

Nội dung chính 3: Nghiên cứu xác định nội dung, thước đo và lộ trình chuyển đổi thống nhất hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các đơn vị thành viên EVN theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018:

– Nghiên cứu phổ biến nội dung tiêu chuẩn ISO 45001:2018 và cụ thể hóa tại các đơn vị thí điểm.

– Nghiên cứu cụ thể hóa và áp dụng từng bước kiểm soát rủi ro AT&SKNN của NLĐ tại các đơn vị thí điểm.

– Đánh giá hiệu quả của hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 tại EVN.

– Xây dựng tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống quản lý ATVSLĐ theo ISO 45001:2018 của EVN.

– Xác định lộ trình chuyển đổi và kiến nghị ban hành các văn bản quy định yêu cầu và kế hoạch chuyển đổi sang ISO 45001:2018 của EVN.

Nội dung chính 4: Xây dựng mô hình “Văn hóa an toàn của EVN” và lộ trình áp dụng vào thực tiễn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030

– Nghiên cứu đưa ra nội dung đầy đủ về Văn hóa an toàn: quy định của pháp luật; cơ chế chính sách; trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp, NSDLĐ, NLĐ, của Tổ chức công đoàn trong thực hiện Văn hóa an toàn; các biện pháp tổ chức, quản lý, tuyên truyền huấn luyện, khoa học công nghệ… để thực hiện Văn hóa an toàn; Hệ thống giá trị về An toàn – Phúc lợi của NLĐ và của Doanh nghiệp; .v.v.;

– Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí, nội dung, phương pháp và tiến hành xây dựng một mô hình tổng quát về “Cơ sở văn hóa an toàn” ở EVN;

– Áp dụng thử “Mô hình cơ sở văn hóa an toàn” cho 21 đơn vị thành viên EVN. Lấy ý kiến đánh giá về kết quả của việc áp dụng thử mô hình. Tổng kết rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh mô hình;

– Xây dựng bản kiến nghị ban hành mô hình “Văn hóa an toàn EVN” và lộ trình áp dụng trong thực tiễn;

– Biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Văn hóa an toàn tại EVN.

Trong 2 năm (2022-2023), nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện nội dung của đề tài tại 21 đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam EVN. Sản phẩm đạt được của đề tài bao gồm:

  1. Báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng công tác ATVSLĐ tại các đơn vị thí điểm
  2. Báo cáo kết quả áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo Tiêu chuẩn ISO 45001:2018 tại các đơn vị thí điểm
  3. Báo cáo nội dung và kế hoạch chuyển đổi hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018 cho các đơn vị thành viên EVN;
  4. Báo cáo tổng quan về VHAT trên thế giới, trong nước và Mô hình VHAT EVN, hướng dẫn xây dựng VHAT và lộ trình thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030
  5. Báo cáo tổng kết toàn diện Đề tài.

TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động – Đại diện đơn vị phối hợp thực hiện phát biểu giải đáp một số thắc mắc của thành viên Hội đồng và nêu định hướng phối hợp thực hiện công tác ATVSLĐ giữa 2 cơ quan trong thời gian tới.

Sau khi nghe phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các thành viên của Hội đồng đã có những ý kiến nhận xét và góp ý với nhóm thực hiện đề tài, nhìn chung các ý kiến của thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao khối lượng công việc và lượng lớn số liệu khảo sát và đánh giá áp dụng mà đề tài đã thực hiện. Chủ tịch Hội đồng đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận: Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu được giao, và đưa ra đầy đủ sản phẩm theo đúng đề cương đề ra. Kết quả, sản phẩm của đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy công tác ATVSLĐ, vừa góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe NLĐ, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của EVN. Hội đồng nhất trí nghiệm thu kết quả của đề tài ở mức Đạt.

HT

(Nguồn tin: vnniosh)