Phải có cảnh báo, giám sát quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị
Ngày 23.4, phóng viên Báo Lao Động trao đổi với ông Đặng Văn Khánh (Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN) về vụ tai nạn lao động làm 7 người tử vong xảy ra ở Nhà máy Xi măng Yên Bái (thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái).
Người lao động phải được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động trong quá trình làm việc. Ảnh: Quế Chi
Người lao động phải được huấn luyện an toàn về công việc
Ông Khánh cho biết, tùy trường hợp sửa chữa lớn, nhỏ, hay bảo dưỡng sẽ có những quy định, yêu cầu về an toàn khác nhau. “Ở bất cứ công việc nào, trước khi làm thì người lao động phải được huấn luyện an toàn về công việc. Có những công việc người lao động phải được sát hạch, nếu đạt yêu cầu mới được bố trí vào làm việc” – ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, trong quá trình làm việc sửa chữa, bảo dưỡng phải có sự giám sát và có những cảnh báo. Ví dụ khi công nhân đang sửa chữa phải có cảnh báo ở cầu dao điện để tránh người không có nhiệm vụ, không biết, đóng cầu dao khi công nhân đang sửa chữa.
Để cảnh báo có thể dùng biển báo hoặc/và người đứng trực tiếp để canh gác; hoặc đưa cầu dao trong tủ, hộp khóa lại, đeo biển cảnh báo đang sửa chữa. Thực tế đã có nhiều trường hợp công nhân đang sửa chữa thì người khác đóng điện cầu dao dẫn đến tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng, việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cần đảm bảo đúng quy định; khám sức khỏe định kỳ công nhân xem có đủ sức khỏe thực hiện công việc đó hay không…
Liên quan đến vụ tai nạn lao động này, Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan có liên quan để nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động này để phòng ngừa tái diễn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, xem xét trách nhiệm hình sự nếu có.
Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo Sở LĐTBXH tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; kịp thời xử lý những hành vi vi phạm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Bộ LĐTBXH yêu cầu làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra tai nạn lao động; đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Công ty cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, giải quyết các chế độ, chính sách cho người bị nạn và thân nhân người bị nạn.
Tập huấn cho gần 13 triệu lượt người lao động, an toàn vệ sinh viên
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18.9.2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tổng LĐLĐVN cho biết, công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng làm việc an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, an toàn vệ sinh viên được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện.
Theo đó, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động và an toàn vệ sinh viên.
Báo cáo của LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, từ năm 2013 đến năm 2023, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 cuộc/lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn vệ sinh viên.
Các cấp công đoàn đã tích cực hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2023, theo báo cáo có 27.111 doanh nghiệp thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 276.137 an toàn vệ sinh viên, trong đó có 7.775 doanh nghiệp (chiếm 28,7%) có phụ cấp cho an toàn, vệ sinh viên. Hàng năm, các cấp công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động và kỹ năng phương pháp hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên cho trên 100.000 cán bộ công đoàn và an toàn vệ sinh viên tham gia… |