Phải có mô hình mới chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho người lao động

Thứ Ba, 26/03/2024, 09:53(GMT +7)

Trước những yêu cầu mới, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động. Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐVN) nhấn mạnh như trên khi chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.

Công nhân lao động cần được đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc. Ảnh: Bảo Hân

Người lao động cần được quan tâm, bảo vệ tốt hơn

Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW (về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế), đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh mới khi Việt Nam mở rộng hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đang đóng vai trò chủ chốt của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, đặt ra yêu cầu cần có một môi trường làm việc an toàn hơn, người lao động được quan tâm, bảo vệ tốt hơn.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế để giúp cho điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, an toàn, trong lành, thân thiện, hài hòa hơn, phát triển bền vững.

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động cho biết, tại Chỉ thị 31 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới vừa được ban hành, Ban Bí thư đã yêu cầu công tác khoa học công nghệ phải đáp ứng được một số nội dung, như: Phải xây dựng được các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cả trong quản lý lẫn trong khai báo thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phân tích các yếu tố gánh nặng nghề nghiệp; nghiên cứu để nâng cao chất lượng các dịch vụ an toàn, dịch vụ về y tế, khám, điều trị bệnh nghệ nghiệp, phục hồi chức năng.

“Với những yêu cầu trên, bắt buộc phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao đông và chăm sóc sức khỏe người lao động” – ông Thơ nói.

Giúp con người hạnh phúc hơn trong lao động

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, hiện nay trên thế giới, các công nghệ tiên tiến trong đảm bảo an toàn và chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, hướng tới phục vụ cho con người một cách toàn diện. Ngoài ngăn ngừa tai nạn, sự cố, bệnh tật thông thường, còn phải hướng tới việc giúp con người hạnh phúc hơn trong lao động; giảm được căng thẳng; nâng cao sức khỏe tinh thần.

Tiếp đến, tại các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động, nhiều người lao động phải làm việc ở các vị trí mà thao tác làm việc đơn điệu, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý… dẫn đến mất cân đối trong kết nối xã hội, giảm khả năng người lao động có thể có được mối quan hệ hài hòa với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, cộng đồng…

Trước thực trạng này, công tác an toàn vệ sinh lao động còn phải tăng sự kết nối, quan hệ xã hội được đảm bảo. Yêu cầu đó đặt ra rất nhiều nhiệm vụ mới và rất lớn, đó là phải có mô hình chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn mới phù hợp hơn trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết thêm, phạm vi, đối tượng người lao động được đề cập trong Chỉ thị đã được mở rộng hơn, quan tâm đến đối tượng người giúp việc gia đình, người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Giai đoạn 2013-2023, theo Tổng LĐLĐVN, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn đẩy mạnh. Theo đó, đã có trên 266.000 công trình, sáng kiến, đề tài liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện; nhiều sáng kiến đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, làm lợi về kinh tế nhiều nghìn tỉ đồng.

(Nguồn tin: laodong.vn)