Phòng tránh bệnh nghề nghiệp: Trách nhiệm của ai?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:05(GMT +7)

Bệnh nghề nghiệp tác động xấu đến sức khỏe người lao động. Tuy nhiên việc phòng chống bệnh nghề nghiệp và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp lại chưa được quan tâm đúng mức.

Một công nhân phải khám bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh.
Một công nhân phải khám bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh.

Đồng Nai hiện có 463/1.496 cơ sở sản xuất có yếu tố nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp, chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề vật liệu xây dựng, khoáng sản, nhóm ngành sản xuất động cơ, điện tử và gia công hàng giày da, may mặc…

* Chưa được quan tâm

Khảo sát, đo kiểm môi trường lao động là công tác quan trọng nhằm phát hiện yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Theo Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, năm 2013 chỉ có 428/1.496 cơ sở được đo kiểm môi trường (chiếm 28,6%),  trong đó có 281 cơ sở do trung tâm thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đo kiểm môi trường lao động năm 2013 cho thấy, trong 35.805 mẫu đo thì có 4.827 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ riêng yếu tố ồn, trong 3.929 mẫu đo có đến 1.848 số mẫu vượt tiêu chuẩn (chiếm hơn 47%). Đây chính là nguyên nhân gây bệnh điếc nghề nghiệp – một loại bệnh nghề nghiệp đang chiếm đến 91,3% số người được xác định bị bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.

Trong 28 bệnh nghề nghiệp được công nhận hiện nay, bệnh nghề nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu tập trung ở các bệnh hen mạn tính, bệnh nhiễm độc chì, điếc nghề nghiệp, nhiễm độc nicotin, bụi phổi silic và viêm gan virus nghề nghiệp. Ngoài ra, còn xuất hiện một số bệnh về niệu, thận do điều kiện lao động hạn chế gây ra. Bác sĩ Bùi Văn Xờ, Giám đốc Phòng khám đa khoa Tam Đức, cho biết: “Qua khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại một số doanh nghiệp, cho thấy tỷ lệ công nhân bị viêm nhiễm đường tiểu và sạn thận khá phổ biến. Hỏi ra mới biết ở một số công ty còn hạn chế cho công nhân đi tiểu và uống nước trong giờ làm việc”.

* Thiếu chế tài…

Bệnh nghề nghiệp bào mòn sức khỏe người lao động, làm giảm hiệu quả và năng suất lao động, tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Song, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động.

Bác sĩ Văn Thị Nuôi, Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, cho biết: “Bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể phòng tránh được. Lý tưởng nhất là người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh lao động, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm hoặc có các biện pháp kỹ thuật cách ly nguồn độc hại; người lao động phải được bố trí công việc phù hợp, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị kịp thời nếu phát hiện bị bệnh nghề nghiệp; sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động thích hợp… Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hợp tác trong công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động”.

Từ năm 2011 đến nay, trung tâm triển khai dự án phòng chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động. Trong đó, tập trung thực hiện mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp phổ biến tại các cơ sở lao động thuộc các ngành hóa chất, khai thác mỏ, xây dựng và ngành y tế. Song trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thừng từ chối hợp tác vì không muốn thay thiết bị, đổi quy trình sản xuất, hoặc chấp nhận thực hiện nhưng chỉ mang tính chất đối phó… Vì thế, công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn.  

  Phương Liễu


(Nguồn tin: baodongnai.com.vn)