Phú Yên: Chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động
Các cấp công đoàn, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 nhằm ngăn ngừa, giảm tối đa nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động.
Đảm bảo an toàn lao động trên công trình thi công cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua huyện Tuy An. Ảnh: KIM CHI |
Cảnh báo tai nạn lao động
Thời gian gần đây, ở các tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, gây hoang mang tâm lý người lao động. Đơn cử, vụ TNLĐ cực kỳ nghiêm trọng xảy ra vào ngày 1/5 do nổ nồi hơi trong quá trình vận hành của một xưởng sản xuất tại tỉnh Đồng Nai, làm 6 người chết và 5 người bị thương.
Hay vụ TNLĐ làm 7 người chết, 3 người bị thương tại một công ty khoáng sản ở tỉnh Yên Bái…
Còn tại Phú Yên, từ đầu năm nay, trên địa bàn xảy ra 1 vụ TNLĐ nghiêm trọng. Đó là vụ nổ bình hơi tại một công ty trong KCN Hòa Hiệp (TX Đông Hòa), làm 1 người tử vong.
Ông Nguyễn Duy Linh, Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH cho biết: Thời gian qua, tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng trong một số ngành nghề, như xây dựng, vận hành máy công nghiệp, may công nghiệp, sản xuất kính công nghiệp… Người lao động bị thương do bị kim đâm vào tay và vật rơi vào chân, đặc biệt là những vụ TNLĐ chết người xảy ra ở khu vực không có quan hệ lao động.
Hiện có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, như người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hoặc huấn luyện không đầy đủ cho người lao động.
Máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất… Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan của người lao động trong việc vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; người lao động không chịu sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân.
Thông tin tình hình TNLĐ năm 2023, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, tình hình TNLĐ năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị TNLĐ nặng. Cụ thể, TNLĐ chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ), giảm 7,29% số người chết (699 người, giảm 50 người); giảm 4,2% số vụ tai nạn (324 vụ), giảm 4,7 số người bị TNLĐ (giảm 370 người).
TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 11,44% (503 vụ, giảm 65 vụ), số người chết giảm 10,92% (530 người, giảm 65 người).
Tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng tăng nhẹ sau 4 năm giảm liên tiếp, có 159 vụ tai nạn làm 169 người chết (tăng 7 vụ, tương ứng 4,6% và tăng 10 người, tương ứng với 6,3%).
Theo bà Chu Thị Hạnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động đang hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ…
Cải thiện điều kiện lao động
Nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công, làm việc tại các xí nghiệp, đơn vị có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, hiện nay nhiều đơn vị đang thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chú trọng hơn đến ATVSLĐ. Anh Huỳnh Đức Tây, Phó Chỉ huy trưởng công trình Bệnh viện Sản – Nhi Phú Yên cho biết: “Chúng tôi kiểm soát rất nghiêm ngặt vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Chính vì vậy, từ khi thực hiện dự án đến nay không xảy ra vụ việc mất an toàn lao động trên công trường này”.
Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp, trong năm 2023, Phú Yên xảy ra 36 vụ TNLĐ, làm 1 người chết, 37 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng… Còn theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, trong cùng thời gian trên, xảy ra 13 vụ TNLĐ, làm chết 9 người và bị thương nặng 4 người, là những lao động không có quan hệ hợp đồng lao động. |
Nhằm tăng cường kiểm soát TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng chiến lược phát triển KT-XH bền vững, năm 2024, Tháng Hành động về ATVSLĐ (diễn ra từ 1-31/5) với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Thời gian qua, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ nguồn nhân lực hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Qua đó, người lao động ý thức được quyền và nghĩa vụ của bản thân; doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật; các cơ quan chính quyền địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về ATVSLĐ.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng tập trung rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chế bộ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động…
KIM CHI