Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động
Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Ảnh: KIM CHI
Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được các cấp, ngành, người sử dụng lao động quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn; các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động chấp hành tương đối nghiêm các quy định về công tác này.
Hưởng ứng Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ).
An toàn là số 1
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Để đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa việc mất an toàn cho NLĐ, UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo thực hiện Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Trong đợt cao điểm Tháng Hành động ATVSLĐ, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng dẫn cụ thể về các quy trình, kỹ năng làm việc an toàn, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã ký cam kết thực hiện pháp luật ATVSLĐ; khai báo, đăng ký, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ theo quy định của pháp luật; liên tục kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có biện pháp khắc phục các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn cho NLĐ.
Anh Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An toàn, sức khỏe, môi trường Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (KCN Hòa Hiệp) cho biết: Ban lãnh đạo xí nghiệp luôn quan tâm xây dựng hệ thống quản lý an toàn, bao gồm xây dựng các quy trình, quy định, biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và thiết lập hệ thống phòng ngừa để đảm bảo ổn định sản xuất với mục tiêu: An toàn là số 1. Hằng năm, xí nghiệp đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên, treo băng rôn tuyên truyền về ATVSLĐ…
Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐTB&XH), nhân Thánh Hành động ATVSLĐ năm 2023, Sở LĐTB&XH phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền đối thoại pháp luật về lao động cho 2.435 lao động trong các KCN Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu; phối hợp với UBND các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Sông Hinh và TP Tuy Hòa cùng các doanh nghiệp tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, đối thoại về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho 1.112 NLĐ, người sử dụng lao động. Ngoài ra, sở cũng đã tổ chức tập huấn chính sách pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc…
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và NLĐ về công tác ATVSLĐ; nhiều doanh nghiệp đã tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hóa về an toàn lao động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ… bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ.
Sở LĐTB&XH tổ chức tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh: KIM CHI |
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp, trong năm 2023 đã xảy ra 36 vụ tai nạn lao động. Hậu quả làm 1 người chết, 37 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực sản xuất truyền tải và phân phối điện, may công nghiệp, sản xuất kính công nghiệp… NLĐ bị thương do bị kim đâm vào tay và vật rơi vào chân…
Cũng theo ông Phan Đại Thắng, thời gian qua, cùng với chủ động làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền về Tháng Hành động ATVSLĐ; thường xuyên tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn lao động xảy ra.
Đồng thời triển khai hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thi hành Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Người sử dụng lao động có sự quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe NLĐ; cải thiện điều kiện làm việc và môi trường ở những nơi lao động làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở NLĐ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cấp, ngành kịp thời tổ chức, thăm hỏi, động viên cá nhân và gia đình người bị tai nạn lao động…
Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quyền, nghĩa vụ trong các công tác ATVSLĐ tới doanh nghiệp, NLĐ.
Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ, báo cáo kịp thời tai nạn lao động cũng như tình hình công tác ATVSLĐ định kỳ và hằng năm; khai báo đầy đủ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; rà soát, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp an toàn tại các phân xưởng, nhà máy, máy, thiết bị; thúc đẩy triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc, triển khai các chế độ phúc lợi cho NLĐ.
“Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các sở, ngành, địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở.
Xử lý nghiêm, kịp thời những doanh nghiệp cố ý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, công tác huấn luyện ATVSLĐ”, ông Thắng cho biết thêm.
KIM CHI