Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh

Thứ Ba, 26/12/2023, 02:28(GMT +7)

Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc (28/4) và Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em (12/6) là một phần trong chiến dịch chung toàn cầu năm 2018 nhằm chấm dứt sử dụng lao động trẻ em và cải thiện an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ.

Mọi trẻ em có quyền tránh khỏi lao động trẻ em dưới mọi hình thức và tất cả người lao động có quyền làm việc trong môi trường an toàn và khỏe mạnh. Trên thế giới, có 541 triệu lao động trẻ (từ 15 đến 24 tuổi), chiếm 15% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động  (không gây tử vong) cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn (trên 24 tuổi) và cuộc sống của họ có thể bị đe dọa bởi các mối nguy hiểm tại nơi làm việc. Theo ước tính, trên thế giới có 152 triệu trẻ em (độ tuổi từ 5-17) là lao động trẻ em, trong đó 73 triệu em đang làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm theo tính chất công việc hoặc do cách thức thực hiện các công việc này. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm cũng như tỷ lệ tai nạn lao động và bệnh tật liên quan đến công việc ở mức cao. Chiến dịch thúc đẩy hành động hướng tới hiện thực hóa Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) – Mục tiêu cụ thể 8.8 _ “bảo vệ các quyền lao động và thúc đẩy nơi làm việc an toàn và đảm bảo cho mọi người lao động” vào năm 2030; và Mục tiêu cụ thể 8.7: “Có các biện pháp tức thì và hiệu quả để… xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất… và đến năm 2025, chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em”. Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự cam kết liên tục và cách tiếp cận đồng bộ để loại bỏ lao động trẻ em và thúc đẩy văn hóa phòng ngừa về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, đặc biệt cho lao động trẻ.

Chiến dịch kêu gọi hành động đồng bộ với mục tiêu:

* Thúc đẩy quá trình phê chuẩn và áp dụng các Công ước chính của ILO về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) và phòng chống lao động trẻ em trên phạm vi toàn cầu, cụ thể: 

– Công ước về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, 1981 (Số 155)

– Công ước về An toàn và Sức khỏe trong Nông nghiệp, 2001 (Số 184)

– Công ước về Khung thúc đẩy An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, 2006 (Số 187); 

– Công ước về Độ tuổi lao động tối thiểu, 1973 (Số 138); 

– Công ước về các Hình thức Lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 182). 

* Đẩy mạnh chiến lược đồng bộ ở tất cả các cấp nhằm chấm dứt hoàn toàn lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại và xử lý các rủi ro về an toàn và sức khỏe mà lao động trẻ gặp phải tại nơi làm việc;

* Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em và lồng ghép an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông và các chương trình dạy nghề;

* Nâng cao cơ sở dữ liệu, góp phần cải thiện chính sách và hành động hướng tới loại bỏ các hình thức lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại và nâng cao an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ.

* Đảm bảo rằng lao động trẻ được tham gia vào các tổ chức công đoàn và được quyền tự do tham gia hiệp hội, thương lượng tập thể và quyền được bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.

* Loại bỏ những mối nguy hiểm đối với trẻ em ở nhóm tuổi nhỏ nhất và ngăn ngừa nhóm trẻ em này lao động

* Thúc đẩy các hành động mạnh mẽ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của người sử dụng lao động, và người lao động để cải thiện ATSKNN cho lao động trẻ và loại bỏ lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại dựa trên kinh nghiệm của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động.

Lao động trẻ và trẻ em gặp phải rủi ro cao tại nơi làm việc

Lao động trẻ và trẻ em dễ bị tổn thương bởi các mối nguy hiểm tại nơi làm việc. So với nhóm lao động lớn tuổi hơn, lao động trẻ còn nhiều hạn chế trong việc nhận diện và đánh giá rủi ro, và vì họ còn đang trong giai đoạn phát triển nên họ dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Trẻ em không được làm việc khi chưa đến tuổi lao động tối thiểu để làm những công việc này. Tuy nhiên, trẻ em, dù trên độ tuổi lao động tối thiểu nói chung nhưng dưới 18 tuổi, và lao động trẻ dưới 24 tuổi, vẫn đang trong quá trình phát triển thể chất và tâm sinh lý. Do đang trong giai đoạn phát triển nhưng chưa hoàn thiện, lại hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng làm việc khiến trẻ em và lao động trẻ dễ bị ảnh hưởng tại nơi làm việc. Hơn nữa, lao động trẻ và trẻ em là nhóm lao động yếu thế nhất bởi họ không dám lên tiếng khi gặp nguy hiểm ở nơi làm việc. Do đó, cần thúc đẩy an toàn và sức khỏe cho người lao động ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với nhóm lao động trẻ.

Chấm dứt lao động trẻ em và thúc đẩy an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ đòi hỏi chiến lược đồng bộ:

Đối với lao động dưới 18 tuổi:

* Trẻ em dưới độ tuổi lao động tối thiểu cần phải được rút ngay khỏi các hình thức lao động trẻ em, cần hỗ trợ để trẻ được đến trường. Ngăn ngừa lao động trẻ em nguy hiểm, độc hại phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược tiếp cận tổng thể hướng tới xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em. Trên thế giới, trẻ ở độ tuổi này tham gia vào công việc nguy hại đang ngày càng gia tăng từ năm 2012. Chúng ta không thể chấm dứt lao động trẻ em nếu trẻ nhỏ vẫn tiếp tục tham gia vào lao động trẻ em.

* Danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm cấm sử dụng lao động trẻ em ở các quốc gia cần bao gồm các công việc và nơi làm việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm do tính chất công việc, hoặc do cách thực hiện công việc.

* Tất cả người lao động dưới 18 tuổi tham gia vào các loại hình công việc nguy hiểm độc hại cần phải được chấm dứt khỏi công việc đó. Nếu công việc có liên quan đến nguy hiểm hoặc có nguy cơ từ môi trường xung quanh, trẻ em cần được giải phóng khỏi công việc đó. Trẻ em đủ tuổi lao động cần được bố trí làm công việc an toàn, không nguy hiểm, độc hại. Trong bất cứ trường hợp nào, trẻ có quyền được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập, và nếu phù hợp được tập huấn và đào tạo nghề.

* Cùng với các đối tác ba bên, nhà nước cần có quy định về các loại hình công việc nguy hiểm cho trẻ từ 16 tuổi trở lên để đảm bảo sức khỏe, an toàn và nhân phẩm của tre. Trẻ em và người chưa thành niên cần được hướng dẫn và đào tạo nghề đầy đủ cho các công việc họ được giao. Điều này giúp người lao động trẻ biết cách sử dụng các công cụ, máy móc, thiết bị có thể gây nguy hiểm. Tuy nhiên, phương tiện bảo vệ cá nhân vừa là biện pháp bảo vệ được ưu tiên cuối cùng tại nơi làm việc, vừa chưa phù hợp với trẻ em – một chiếc mũ bảo hộ lao động không đủ để chấp nhận được việc trẻ em làm việc dưới hầm mỏ, cũng như một bộ quần áo bảo hộ lao động chưa đủ an toàn cho trẻ sử dụng thuốc trừ sâu.

Đối với lao động trẻ (18 tuổi – 24 tuổi):

Về mặt nguyên tắc, như mọi lao động khác, lao động trong độ tuổi từ 18 đến 24 có quyền từ chối làm các công việc có thể gây nguy hiểm tới an toàn và sức khỏe của họ. Đối với một số công việc có nguy cơ cao, lao động trẻ được phép tham gia, quản lý rủi ro chặt chẽ, giám sát và huấn luyện là điều hết sức cần thiết.

* Trong mọi trường hợp, lao động trẻ là đối tượng được bảo vệ trong chiến lược đồng bộ nhằm thúc đẩy văn hóa phòng ngừa vì lợi ích của họ, nhận diện và loại bỏ các mối nguy về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay sử dụng biện pháp can thiệp, kiểm soát mối nguy phù hợp với lứa tuổi.

– Cần đào tạo cơ bản về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho lao động trẻ trước khi giao việc cho họ;

– Huấn luyện đầy đủ cho lao động trẻ về công việc và giám sát khi lao động trẻ làm việc;

– Bảo vệ quyền được từ chối làm các công việc có khả năng gây nguy hiểm đối với an toàn và sức khỏe của lao động trẻ;


(Nguồn tin: ILO)