Chế tạo dung dịch nano bạc bằng phương pháp mixen đảo và đánh giá hiệu quả diệt khuẩn của nó đối với một số vi sinh vật thường gặp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

1. MỞ ĐẦU

Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp có thể được sử dụng để chế tạo vật liệu chứa nano bạc kháng khuẩn như phương pháp phun phủ vật lý (bốc hơi chân không, phủ plasma hồ quang, plasma ion (ion plasma deposition), phún xạ, …), phương pháp plasma hóa học (plasma-chemical method), phương pháp điện hóa, phương pháp hóa học dung dịch nước, phương pháp mixen đảo trong dung môi hữu cơ. Hai phương pháp sau cùng tương đối đơn giản vì không đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng đắt tiền, vì vậy được chúng tôi chọn sử dụng để nghiên cứu chế tạo nano bạc phục vụ cho mục đích khử trùng.

Phương pháp mixen đảo được các nhà khoa học Nga sử dụng để điều chế nano bạc với kích thước hạt nhỏ với phổ phân bố chụm và thời gian sống (shelf life) kéo dài, trong đó tác nhân khử là các điện tử hydrat hóa được tạo ra bằng phương pháp hóa phóng xạ hoặc là bằng phương pháp sinh hóa (flavonoid quercetin chiết từ thực vật). Sản phẩm nano bạc thu được có phổ phân bố kích thước tập trung với đường kính hạt trung bình 4-7 nm và thời gian sống của dung dịch keo ở nồng độ 5 mM ít nhất 6 tháng mà ít có phương pháp nào đạt tới [1-5].

Bản chất của phương pháp mixen đảo: nhũ tương đảo nước/cacbonhydrat với một chất hoạt động bề mặt (HĐBM) thường được sử dụng như một lò phản ứng vi lượng để tổng hợp các hạt nano kim loại khác nhau như Au, Ag, Cu, Zn, Fe… Mixen được tạo ra trong nước khi có mặt chất HĐBM. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ở nhiệt độ phòng là một chất lỏng có cấu trúc giống như cấu trúc của nước đá nhưng với lực tác dụng gần (< 0,8 nm). Trong quá trình hòa tan chất HĐBM các phân tử nước tiếp tục hình thành cấu trúc xung quanh các gốc không phân cực của chất HĐBM, dẫn đến làm suy giảm entropy của hệ. Nhưng do hệ phản ứng luôn có xu hướng tăng entropy, nên khi nồng độ của chất HĐBM đạt tới một nồng độ nhất định, gọi là nồng độ tới hạn tạo mixen (CCM-critical concentration of micelle formation), thì các phân tử HĐBM bắt đầu tự mình hình thành các tập hợp được gọi là mixen [1]. Các dung dịch vi nhũ tương có thể được chế tạo bằng cách dùng siêu âm khuấy trộn dung dịch nitrat bạc và dung dịch chất khử (NaBH4, Quercetin) với dung dịch AOT (bis -(2-ethylhexyl) sunfosuccinat natri) hoặc cetyltrimethylammonium bromide (CTAB) làm chất HĐBM trong dung môi hữu cơ. Tỷ số mol H2O/chất HĐBM và tỷ số mol ion Ag+ trên chất khử được giữ nguyên trong quá trình phản ứng. Vi nhũ tương của chất khử được thêm vào vi nhũ tương nitrat bạc ngay sau khi nó được điều chế.

Quá trình trao đổi chất tan (AgNO3 và NaBH4) trong các mixen diễn ra theo các giai đoạn sau: (1) quá trình khuếch tán của các mixen đảo dẫn đến sự va chạm lẫn nhau, (2) sự mở ra của lớp vỏ AOT để hai mixen dính vào nhau, (3) sự khuếch tán của các phân tử hòa tan trong mixen liên hợp dẫn đến sự tiếp xúc với nhau của các chất bên trong mixen, (4) sự hình thành mixen đảo mới với sự xuất hiện các hạt nano bạc ở bên trong.

2. THỰC NGHIỆM

2.1. Chế tạo nano bạc bằng phương mixen đảo

Quy trình điều chế dung dịch nano bạc bằng phương pháp mixen đảo được thực hiện gồm những bước cụ thể như sau: chuẩn bị 10 ml dung dịch nước 0,5 M AgNO3. Chuẩn bị 10 ml dung dịch nước 0,125 M NaBH4, chuẩn bị 200 ml dung dịch 0,1 M CTAB trong clorofooc: 7,28 g CTAB hòa tan vào clorofooc rồi đưa về thể tích 200 ml; dung dịch chia thành hai thể tích bằng nhau: 100 ml dành cho việc tạo các mixen đảo chứa Ag+ và 100 ml – các mixen đảo của BH4; đưa 1,8 ml dung dịch nước 0,5 M AgNO3 vào 100 ml dung dịch 0,1 M CTAB trong clorofooc và khuấy đều trong 30 phút; thêm 1,8 ml dung dịch nước 0,125 M NaBH4 vào 100 ml dung dịch 0,1 M CTAB trong clorofooc và khuấy đều. Trộn 2 dung dịch trên vào nhau đồng thời cho thêm vào đó 0,4 ml dung dịch chất ổn định và khuấy mạnh thêm một giờ thu được dung dịch nano bạc.

2.2. Đánh giá khả năng diệt khuẩn của nano bạc

Đối tượng vi sinh vật được lựa chọn để nghiên cứu khả năng diệt khuẩn của dung dịch nano bạc là: E.coli; Coliforms; nấm tổng số và vi khuẩn tổng số. E.coli Coliforms: mật độ khoảng 108 cfu/ml. Vi khuẩn tổng số: nuôi cấy và nhân lên từ nước thải, tạo canh trường có mật độ khoảng 109 cfu/ml. Nấm tổng số: được nuôi cấy và nhân lên từ nấm mốc trong môi trường không khí, tạo dung dịch bào tử nấm với mật độ 108 cfu/ml. Ngoài ra, các bề mặt khử trùng được lựa chọn cho thí nghiệm:

Mặt sàn đá nền nhà là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, lựa chọn vị trí nền sàn khu vực gần cầu thang là nơi có mật độ người đi lại nhiều nhất làm vị trí lấy mẫu khảo sát. Lựa chọn 6 khu vực mặt sàn đá hoa có diện tích tối thiểu mỗi khu vực 1 m2. Đánh số thứ tự từ 1 đến 6 tương đương với thí nghiệm sử dụng nano bạc các nồng độ 3, 5, 7, 10, 12, 15 ppm.

Bề mặt gỗ: chọn bề mặt bàn làm việc là nơi người ta thường xuyên phải tiếp xúc. Lựa chọn 6 mặt bàn có diện tích tương đương nhau và cũng đánh số như trên.

Bề mặt nhựa: chọn bề mặt nhựa là xô đựng rác là nơi ẩn náu của rất nhiều loại vi sinh vật gây bệnh. Lựa chọn 6 xô và cũng đánh dấu như trên.

Dung dịch nano bạc sử dụng trong thí nghiệm được Viện Công nghệ môi trường chế tạo bằng phương pháp mixen đảo với các nồng độ pha loãng tương ứng là 3; 5; 7; 10; 12; 15 ppm. Mẫu đối chứng là mẫu không có nano bạc. Các môi trường nuôi cấy: xác định vi khuẩn hiếu khí tổng số trên môi trường thạch PCA, nấm tổng số trên môi trường thạch Sabouraud, E.coliColiforms trên môi trường thạch Chromocult.

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Đặc trưng của các hạt nano bạc thu được

Hình 1 dẫn ra các ảnh TEM của các mẫu nano bạc sử dụng hệ mixen đảo AgNO3/CTAB/CHCl3/NaBH4/Chitosan. Ảnh TEM cho thấy các hạt nano bạc thu được có kích thước trung bình là 10 nm.

Nano bạc được chế tạo theo phương pháp mixen đảo thường thu được các hạt nano có kích thước nhỏ và đồng đều hơn so với một số phương pháp hóa học khác. Kết quả này tương tự như một số công trình đã được công bố [6].

3.2. Phổ cộng hưởng plasmon của vật liệu Ag/Silica

Từ kết quả đo UV – VIS (Hình 2) có thể nhận thấy rằng dung dịch nano bạc tổng hợp được hấp thụ ở bước sóng khoảng 400 nm đặc trưng cho đỉnh hấp thụ plasmon của các hạt nano bạc. Đỉnh hấp thụ cực đại nhọn, cân đối có độ bán rộng hẹp, điều này có nghĩa là dung dịch nano bạc thu được có kích thước khá đồng đều.

3.3. Khả năng khử trùng của nano bạc

Đánh giá hiệu quả diệt khuẩn in vitro của dung dịch nano bạc: kết quả thí nghiệm được ghi ở bảng 1, 2 và được thể hiện trên hình 3.

Từ bảng 1 nhận thấy dung dịch nano bạc có hiệu lực diệt vi khuẩn rất tốt. Ở nồng độ thấp nhất là 3 ppm và thời gian phơi chiếu là 30 phút, dung dịch nano bạc đã diệt được hoàn toàn E.coli, Coliforms và diệt đến 99,98 % vi khuẩn tổng số trong thí nghiệm in vitro. Ở thí nghiệm này đối tượng nấm tổng số tỏ ra tương đối khó diệt hơn vi khuẩn nhưng cũng bị tiêu diệt 98,97% bởi dung dịch nano bạc nồng độ 3 ppm và trên 99% bởi dung dịch nano bạc nồng độ 5 ppm. Hiệu quả diệt khuẩn và nấm tăng lên khi tăng nồng độ dung dịch nano bạc. Ở nồng độ 15 ppm dung dịch nano bạc tiêu diệt hoàn toàn bốn đối tượng vi sinh vật khảo sát.

Bảng 1. Hiệu quả diệt khuẩn của dung dịch nano bạc với các nồng độ khác nhau đối với vi sinh vật trong dung dịch (thời gian phơi nhiễm 30 phút).

Bảng 2 cho thấy khi kéo dài thời gian phơi chiếu lên 60 phút hiệu quả diệt vi sinh vật của nano bạc tăng lên rõ rệt ở tất cả các đối tượng vi sinh vật và tất cả các nồng độ. Điều này chứng tỏ dung dịch nano bạc do Phòng Công nghệ thân môi trường chế tạo đã có được một hệ thống giải phóng ion cho phép giải phóng từ từ các ion bạc vào trong dung dịch phản ứng. Đây cũng là một ưu điểm của nano bạc cho phép kéo dài tác dụng diệt khuẩn trong môi trường.

Bảng 2. Hiệu quả diệt khuẩn của dung dịch nano bạc với các nồng độ khác nhau (Thời gian phơi nhiễm 60 phút)

Nếu coi tỉ lệ diệt khuẩn đạt 99% là đáp ứng yêu cầu về dung dịch diệt khuẩn trong môi trường sinh hoạt thì dung dịch nano bạc nồng độ 3 ppm đạt tỉ lệ này đối với E.coli, Coliforms và vi khuẩn tổng số ngay ở thời gian phơi nhiễm 30 phút. Đối với nấm tổng số để đạt tỉ lệ này phải sử dụng dung dịch nano bạc nồng độ 5 ppm. Tuy nhiên khi thời gian phơi nhiễm tăng lên 60 phút, ngay tại nồng độ dung dịch nano bạc 3 ppm đã đạt hiệu quả diệt trên 99% cho cả bốn đối tượng vi sinh vật trong nghiên cứu in vitro.

Hình 3. Khả năng ức chế E.coli và Coliforms của dung dịch nano bạc do Viện Công nghệ môi trường chế tạo

a – Mẫu thí nghiệm với nồng độ dung dịch nano bạc là 10 ppm, thời gian phơi chiếu là 30 phút.

b – Mẫu đối chứng không có nano bạc.

Đánh giá hiệu quả diệt khuẩn in vivo của dung dịch nano bạc trên các bề mặt vật liệu khác nhau:

Kết quả thí nghiệm được ghi ở bảng 3 và được thể hiện trên hình 4. Bảng 3 cho thấy hiệu quả diệt vi sinh vật của dung dịch nano bạc trong thí nghiệm in vivo. Từ các kết quả thí nghiệm thu được cho thấy hiệu quả diệt vi khuẩn và nấm của dung dịch nano bạc đối với các vi khuẩn có mặt trong môi trường sinh hoạt ở các bề mặt khác nhau là rất cao. Ngay tại nồng độ dung dịch nano bạc 5 ppm và ở tất cả các bề mặt thí nghiệm đều cho hiệu quả diệt khuẩn đạt trên 99%. Hiệu quả diệt khuẩn tăng lên theo nồng độ nano bạc sử dụng. Tại nồng độ 12 ppm nano bạc đã diệt hoàn toàn vi khuẩn tổng số và nấm tổng số trên cả 3 bề mặt thí nghiệm.

Hình 4. Khả năng ức chế nấm trên bề mặt nhựa của dung dịch nano bạc 10ppm do Viện Công nghệ môi trường chế tạo.

a – Mẫu đối chứng không có nano bạc;

b – Mẫu thí nghiệm với nồng độ dung dịch nano bạc 10ppm, thời gian phơi chiếu 60 phút.

Trong cả thí nghiệm in vitroin vivo, dung dịch nano bạc do Viện Công nghệ môi trường chế tạo với nồng độ 5 ppm đều cho kết quả diệt trên 99% các đối tượng vi sinh vật trong thí nghiệm. Dung dịch nano bạc nồng độ 5 ppm hoàn toàn thích hợp làm dung dịch khử trùng môi trường sinh hoạt dưới dạng bình xịt.

Bảng 3. Hiệu quả diệt khuẩn của dung dịch nano bạc với các nồng độ khác nhau đối với vi sinh vật trên 3 bề mặt (thời gian phơi nhiễm 60 phút)

4. KẾT LUẬN

Các dung dịch nano bạc thu được có kích thước hạt trung bình 10 nm. Kết quả đo UV-VIS chứng minh các hạt thu được là nano bạc. Khả năng khử trùng của dung dịch nano bạc đối với một số loài vi khuẩn như E.coli, Coliforms, nấm tổng số và vi khuẩn tổng số đã chỉ ra rằng với nồng độ nano bạc 10 ppm, mật độ vi khuẩn khoảng 108cfu/ml sau thời gian phơi chiếu 30 phút trên 99% vi khuẩn thí nghiệm đã bị tiêu diệt.

LỜI CẢM ƠN

Công trình này được hỗ trợ bởi Dự án Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp”. Thời gian thực hiện: 2015-2018, mã số: VAST.TĐ.NANO-NN/15-18.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Egorova E.M., Revina A.A., Opticheskie svoistva i razmery nano chastziz serebra v mizeliarnykh rastvorakh, Kolloidnyi zhurnal, 64: 334-345 (2002).

2. Kudryavtzev B., Figovsky O., Egorova E., Revina A., Buslov F., Beilin D., The use of nano technology in production of bioactive paints and coatings, Vestnik of Moscow State Univ., ser. 2 (Chem.), 42: 332-338 (2001).

3. Mandal S., Arumugam S.K., et al., Silver particles of variable morphology synthesized in aqueous foams as novel templates, Bull. Mater. Sci., 28: 503-510 (2005).

4. Revina A.A., Egorova E.M., Kudriavzev B.B., Vozmozhnosti primenenia nano tekhnologhii v proizvodstve lakocrasnykh materialov i pokrytii, Khimicheskaia Promyshlennost, 4: 28-32 (2001).

5. Revina A.A., Kezikov A.N. et al., Radiazionno- khimicheskii sintez stabilnykh chastziz metallov, Zhurnal Nano tekhnika, 4: 105-111 (2005).

6. Yingwei X., Ruqiang Y. and Honglai L., Synthesis of silver nanoparticles in reverse micelles stabilized by natural biosurfactant, Colloids and Surfaces A: Physicochemical and Engineering Aspects, 279: 175–178 (2006).


(Nguồn tin: Nilp.vn)