Ảnh hưởng của rung cục bộ tới sức khỏe con người
Các thiết bị này thường có tần số rung động từ 35–250Hz và cao hơn nữa. Trong quá trình làm việc thường gây ra những rung động có biên độ khá lớn như: 0,38-0,5 mm đối với máy khoan đá, 1-1,5 mm đối với máy khoan điện cầm tay và thậm chí tới 1,5 -2,8 mm đối với máy tán vivê khí nén.
Nghiên cứu ảnh hưởng rung động của những loại máy nói trên đối với công nhân sử dụng máy, người ta nhận thấy: Nói chung người công nhân khi thao tác loại máy này thì thường tay trái đỡ và giữ máy, khuỷu tay, vai hoặc đùi giữ vai trò của các điểm tựa, còn tay phải tạo lực ấn. Với trọng lượng trung bình của máy từ 20-35 kg khi hoạt động máy gây ra những rung động mạnh và liên tục, những rung động này sẽ trực tiếp truyền vào cơ thể người công nhân và gây ra những bệnh rung động cục bộ.
So sánh bệnh lý rung cục bộ với bệnh lý rung toàn thân ta thấy có những nét khác nhau rất cơ bản cả về định tính lẫn định lượng. Ở đây có công trình nghiên cứu vô cùng quan trọng của B.Desplas, V.Raynaud và P. Bernard đối với những công nhân sử dụng máy cầm tay gây rung trong mỏ và xây dựng.
Theo các công nhân khi làm việc bằng những máy cầm tay gây rung mạnh như vậy, người công nhân phải có một sự cố gắng nhất định để giữ máy ở tư thế thích hợp, sự cố gắng này đòi hỏi các cơ bắp phải co bóp mạnh và thường xuyên. Sự căng hệ thống cơ tay tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền rung động tới toàn chi trên và vai, dẫn tới sự co rút cơ, phát sinh chuột rút và nặng hơn có thể bị teo cơ và theo H.Desoille, chứng teo cơ thường thấy ở các mô ngón tay út và ngón cái, các cơ liên đốt và cơ cánh tay cũng bị ảnh hưởng nhưng ít hơn.
Tiếp xúc với rung cầm tay vượt mức cho phép có thể gây rối loạn dòng chảy máu ở ngón tay và rối loạn chức năng của hệ thần kinh cảm giác, thần kinh vận động của bàn tay, cánh tay. Ước tính hiện nay có khoảng từ 1,7% đến 3,6% công nhân các nước Châu Âu và Mỹ đang phải tiếp xúc với các yêu tố rung động lan truyền theo cánh tay có hại này. Hội chứng rung động lan truyền theo cánh tay thường thể hiện bằng các rồi loạn vận mạch ngoại vi, thần kinh và cơ – xương. Công nhân tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay có thể bị ảnh hưởng do rung động với những biểu hiện rối loạn thần kinh và/hoặc rối loạn mạch ngoại vi. Rối loạn vận mạch (bệnh ngón tay trắng) và các dị thường ở trong xương – khớp gây ra do rung động lan truyền lên cánh tay ảnh hưởng chế độ đền bù bệnh nghề nghiệp ở một số nước. Những rối loạn này cũng có trong danh mục bệnh nghề nghiệp của Châu Âu.
a. Rối loạn mạch máu và vận mạch
Công nhân tiếp xúc với dụng cụ cầm tay có thể phàn nàn ngón tay của họ thường xuyên bị tái nhợt hoặc trắng bợt kết hợp với đau nhức khi tiếp xúc với lạnh. Triệu chứng này do tuần hoàn mạch máu ngoại vi của ngón tay bị rối loạn được gọi là hiện tượng Raynaud (Raynauds phenomenon). Hiện tượng này được giải thích do rung động gây co thắt mạch và rối loạn tuần hoàn ở ngón tay, làm cho ngón tay dễ bị nhậy cảm đặc biệt khi gặp lạnh. Để lý giải hiện tượng Raynaud do lạnh gây nên, một vài nhà khoa học đã chứng minh sự tăng phản xạ co thắt mạch từ thần kinh trung ương bằng cách kéo dài thời gian tiếp xúc với rung động, trong khi đó một số người khác giữ quan điểm rung động gây nên những biến đổi được khu trú ở mạch máu ngón tay. Những quan điểm giống và khác nhau này đang được sử dụng để mô tả rung động gây nên những rối loạn ở mạch máu: “ngón tay chết hay ngón tay trắng”, ”hiện tượng Raynaud có nguồn gốc từ nghề nghiệp”, ”bệnh tổn thương co thắt mạch” và gần đây rung động gây nên ngón tay trắng (VWF) được quy định là bệnh nghề nghiệp ở trên nhiều nước trên thế giới.
Vào lúc đầu, cơn ngón tay trắng xuất hiện ở đầu của một hoặc hai ngón tay, nhưng sự kéo dài thời gian tiếp xúc với rung động cơn ngón tay trắng có thể lan tới đốt, cuối cùng của ngón tay. Đôi khi ngón tay trắng đổi sang mầu tím do thiếu ô xy vì tuần hoàn máu chậm ở ngón tay. Giai đoạn hồi phục, thông thường tăng nhanh bằng sưởi ấm hoặc xoa bóp, ngón tay đỏ lên, thậm trí có thể xuất hiện ngứa và/hoặc đau như là kết quả của tăng dòng máu tuần hoàn ở da. Cơn ngón tay trắng thường gặp vào mùa đông hơn là vào mùa hè và kéo dài một vài phút cho đến hơn một giờ. Sự khác nhau về thời gian tiếp xúc và cường độ của tác nhân kích thích và mức nặng của co thắt mạch máu, cơn ngón tay trắng kéo dài khác nhau, thường kết thúc khi cơ thể được sưởi ấm. Nếu tiếp tục tiếp xúc với rung động, cơn ngón tay trắng xuất hiện thường xuyên hơn và có thể quanh năm. Có thể gặp những biến đổi dinh dưỡng (loét hay hoại tử) ở da của ngón tay trong các trường hợp mãn tính và trường hợp có cơn ngón tay trắng nặng, ít gặp ở các trường hợp mới mắc. Trong cơn ngón tay trắng, người lao động có thể hoàn toàn mất cảm giác xúc giác và sự khéo léo của bàn tay. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động của công việc, tăng nguy cơ tổn thương cấp tính, gây tai nạn lao động.
Bệnh ngón tay trắng ở công nhân sử dụng khoa khí nén trong khai thác than và đá ở Việt Nam
b. Rối loạn thần kinh
Người lao động tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay có thể thấy tê, cóng và ngứa ở ngón tay và bàn tay. Nếu như tiếp xúc với rung động vẫn tiếp tục, những triệu chứng này có thể tăng lên và gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc và hoạt động sống. Ngoài ra, người tiếp xúc với rung động có thể bị giảm cảm giác tiếp xúc, giảm cảm giác nhiệt, tổn thương sự khéo léo của bàn tay khi kiểm tra lâm sàng, ở những người này có thể còn thấy sự suy giảm cảm nhận rung ở các đầu ngón tay. Nghiên cứu dịch tễ học ở công nhân tiếp xúc với rung động lan truyền theo cánh tay đã chỉ ra rằng, tỷ lệ hiện mắc rối loạn thần kinh ngoại vi các loại từ vài % đến 80% trong các nhóm công nhân tiếp xúc.
Công nhân tiếp xúc với rung động có thể thấy những dấu hiệu và triệu chứng tương tự dễ nhầm lẫn với hội chứng rãnh xương cổ tay, các rối loạn do bị đè nén dây thần kinh giữa, dây này đi xuyên thẳng qua rãnh trong xương cổ tay: Hội chứng rãnh xương cổ tay thường gặp ở nhóm nghề sử dụng dụng cụ rung như máy khoan hoặc công nhân nghề rừng, do các stress ecgonomi tác động lên tay và cổ tay: các chuyển động lặp đi lặp lại, co kéo gắng sức, tư thế không thuận tiện,… những yếu tố đó kết hợp với rung động có thể là nguyên nhân của hội chứng rãnh xương cổ tay trong công nhân sử dụng dụng cụ rung cầm tay.
c. Tổn thương xương khớp
Sự co cơ thường xuyên một mặt tạo khả năng cho sự lan truyền rung động và xương, đặc biệt vào các bề mặt của các khớp, mặt khác sẽ làm cho các khớp bị xiết chặt vào nhau một cách không bình thường. Như vậy các khớp xương tất nhiên phải chịu những chấn thương nhỏ và nếu kéo dài thời gian, chúng sẽ gây ra những tổn thất làm mòn các khớp và có những mảnh xương cực kỳ nhỏ bong ra, đây cũng chính là khởi phát của bệnh gai xương và dị vật ở khớp. Đặc biệt khi chụp X quang đã phát hiện có một sự tăng cường bám cơ thực sự tạo ra lồi xương hoặc canxi hoá ở gân và nghiêm trọng nhất là ở khuỷu tay và cổ tay, hiện tượng này đã được các tác giả nghiên cứu giải thích đó là sự thích nghi của đầu xương đối với chức năng bình thường không co cơ và đã chia những tổn thương xương khớp làm bốn loại chính.
* Các tổn thương có hốc nhỏ: Hầu hết là ở các xương cổ tay và thường là xương cá và xương bán nguyệt, các tổn thương này hay gặp nhất (40% các trường hợp) và là điển hình nhất. Các hốc nhỏ xuất hiện dưới dạng dung mao một vật sáng tròn có đường kính thay đổi từ kích thước đầu đinh ghim đến hạt đậu. Những hốc nhỏ này đôi khi rải rác hoặc khu trú trên cùng một xương, những cũng có khi là trên nhiều xương.
* Lồi xương và dị vật: Dị vật nối khớp (thường ít gặp) là hiện tượng những mảnh xương nhỏ hoặc những mảnh sụn nằm ở trên đường liên khớp hoặc có khi có dạng hình cựa gà, hình gai làm cho mặt khớp bị biến dạng và chúng xuất hiện như những di vật chưa bong ra khỏi khớp. Lồi xương và gai xương ở quanh khớp hay gập nhiều hơn và khu trú phần lớn ở khuỷu tay, hiếm thấy ở cổ tay. Chúng thường xuất hiện dưới dạng là những cấu tạo xương nhỏ bám tréo vào ròng rọc và lõi cầu, có dạng hình dẹt hoặc mảnh mỏng, đôi khi là những u xương thực sự của cơ cánh tay trước. Hiện tượng này được nhiều nhà nghiên cứu giải thích đó là sự bão hoà các gân của những cơ xung quanh khớp gần chỗ chúng bám vào xương.
* Hiện tượng yếu xương và biến dạng cấu trúc xương: Hiện tượng này thường quan sát thấy ở khuỷu tay, phần dưới của xương cánh tay phình ra và dày thêm, toàn bộ hoặc từng phần bờ xương bị gồ ghề và cấu trúc của xương bị biến đổi (màng ngoài xương bị mất đi, hoặc bị cứng đặc). Còn phần ở xương cổ tay thì xương thuyền, xương cá và xương bán nguyệt là nói có hiện tượng thay đổi hình sáng và cấu trúc của xương khá nhiều. Xương thuyền to ra, có bướu kèm theo mẩu xương không rõ rệt. Xương có hình dáng của loại xương đặc.
* Hiện tượng hoại tử xương bán nguyệt: Hiện tượng hoại tử xương bán nguyệt là bệnh do chấn thương xương bán nguyệt, do Kiêmbock phát hiện, bệnh này có đặc trưng là xương bị thoái hoá gây ra vẹt khớp hoặc gai khớp đôi khi có thể gẫy xương do lún. Hiện tượng này có thể xuất hiện sớm sau một chấn thương nặng hoặc cũng có thể xuất hiện sau một thời gian dài của một chấn thương nào đó mà không được để ý. Chụp X-quang xương cổ tay của những công nhân sử dụng thiết bị cầm tay gây rung mạnh, người ta đã phát hiện khá nhiều tổn thương đặc trung các bệnh Kiembock. Những tổn thương này thường khởi phát đầu tiên ở xương bán nguyệt làm cho hình dạng của xương bị biến đổi: bị bẹt ra hoặc bị kéo dài, hoặc giảm kích thước. Cấu trúc của xương cũng bị hư biến, xen kẽ những vùng bị mất canxi hoá và kết đặc với nhau thành những vùng bị mất canxi hoá và kết đặc với nhau thành những dung mạo lốm đốm là những vùng có dung mạo như ngà do tăng canxi hoá.
Những tổn thương do xương bán nguyệt đôi khi còn kèm theo những tổn thương của các xương cổ tay lân cận dưới dạng tổn thương về xương khớp thường gặp ở bệnh do rung động nói chung.
d. Tổn thương cơ
Người lao động tiếp xúc với rung động trong thời gian dài có thể có những phàn nàn về đau, mỏi cơ ở tay và cánh tay, giảm lực cơ. Tiếp xúc với rung động có thể là nguyên nhân gây giảm sức nắm của tay. Trong một số trường hợp, mệt mỏi cơ có thể là nguyên nhân của sự tàn tật. Tổn thương do cơ học trực tiếp hay tổn thương thần kinh ngoại vị có thể là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tổn thương cơ như vậy.
Những rối loạn khác cũng phát hiện thấy ở công nhân tiếp xúc với rung như viêm gân, dây chằng và đau nhức mỏi cổ tay ở mức cao,… Những rối loạn như vậy có thể do các yếu tố thuộc ecgonomi quá căng thẳng ở các công việc đơn giản nặng nhọc và sự kết hợp với yếu tố rung động lan truyền lên cánh tay còn chưa thuyết phục được.
e. Các tổn thương khác
Một vài nghiên cứu nhận thấy, công nhân mắc bệnh ngón tay trắng bị giảm sức nghe sớm hơn so với người cùng lứa tuổi do nguồn tiếng ồn lớn phát ra từ những dụng cụ rung. Như vậy, ngoài nguy cơ tiếng ồn, những người mắc bệnh ngón tay trắng có thêm nguy cơ tổn thương sức nghe do rung động gây co thắt mạch máu ở trong tai. Cùng với rối loạn thần kinh ngoại vi, các ảnh hưởng có hại khác đối với sức khoẻ bao gồm tuyến nội tiết, hệ thần kinh trung ương ở những người tiếp xúc với rung động cũng nhận thấy qua các báo cáo của các nhà khoa học Nga và Nhật Bản.
(Nguồn tin: Nilp.vn)