Ảnh hưởng của rung động toàn thân tới sức khỏe con người
Qua nghiên cứu của các nhà y học lao động cho thấy, nếu toàn thân dao động với tần số 1Hz thì các cơ quan nội tạng không xê dịch tương đối với người, cả cơ thể cùng dao động như một khối thống nhất. Theo cảm giác chủ quan những dao động đó giống như hiện tượng lắc, tuy có làm cho người khó chịu nhưng không gây bệnh rung. Đối với những rung động có tần số ở trong khoảng từ 2-20Hz, khi đó xuất hiện hiện tượng cộng hưởng, rung động của cơ thể lúc này mạnh nhất và nhiều khi biên độ rung động của nguồn rung khá nhỏ nhưng lại gây những biến đổi nguy hiểm hơn so với tần số cao.
Các công trình nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm đều cho thấy rung động toàn thân theo phương thẳng đứng gây ra rất nhiều phản ứng trong cơ thể. Trong nhiều trương hợp với sự gia tăng của rung động và thời gian tác động, các phản ứng đó được xem như các rối loạn chức năng.
Ảnh: ST (Nguồn: Internet)
Công trình nghiên cứu có tính tổng quát nhất về bệnh rung động toàn thân đã được Borseski và các cộng tác của ông tiến hành công trình này đã khẳng định rằng: Ảnh hưởng của rung động toàn thân được biểu hiện rõ rệt nhất thông qua trạng thái của hoạt động thần kinh, ảnh hưởng tới sự hưng phấn và ức chế. Trường hợp nặng hơn là chứng rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương, viêm tiền đình, gây chóng mặt, nhức đầu dai dẳng, buồn nôn, tình trạng suy nhược mất ngủ, nhãn cầu bị co giật khi mắt đưa quá mức. Bên cạnh đó còn gây rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật làm cho các bệnh mãn tính của các cơ quan nội tạng bị trầm trọng hơn.
Một trường hợp điển hình đã được A.H Mayer nghiên cứu và thông báo là ông đã thấy ở những công nhân lái xe có trọng tải lớn tại các công trình xây dựng (các xe này gây ra những rung động rất mạnh) những rối loạn của hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh thực vật, biểu hiện sự mệt mỏi nghiêm trọng sau mỗi ca làm việc, mất ngủ thường xuyên hay buồn nôn, ứ nước tiểu và buổi sáng. Khi tiến hành chụp X quang cho thấy: 30% trường hợp có dấu hiện co thắt toàn bộ ống tiêu hoá hoặc nhiều khi khu trú tại môn vị hoặc hạ vị: 25% công nhân đã mắc bệnh chướng khí dạ dầy. Bệnh cột sống và dạ dày cũng là căn bệnh điển hình của tác động rung toàn thân.
Ngoài những bệnh kể trên, rung động toàn phần còn gây những biến đổi cục bộ trong cơ thể, thí dụ gây biến dạng xương cục bộ. Hình ảnh dưới đây trình bày sự biến dạng xương bàn chân của một công nhân làm việc liên tục 10 giờ ở vị trí đứng trên môi trường nền nhà xưởng bị rung mạnh.
Hình ảnh: Biến dạng xương bàn chân do ảnh hưởng của rung toàn thân
a) Trước khi làm việc; b) Sau 10 giờ làm việc liên tục
(Nguồn tin: Nilp.vn)