Ảnh hưởng của tiếng ồn và các biện pháp phòng tránh tiếng ồn trong sản xuất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:45(GMT +7)

Tiếng ồn là tập hợp những âm thanh có thể khác nhau về cường độ và tần số, biến đổi theo thời gian và gây cho con người những cảm giác khó chịu, ngăn cản sự nhận biết, cảm thụ những âm thanh khác.

1. Ảnh hưởng của tiếng ồn đối với sức khỏe và sự tiện nghi

Tiếng ồn là một trong các yếu tố của môi trường gây tác động xấu lên con người. Tiếng ồn gây cho người ta cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến trao đổi tin tức, đến thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ, ảnh hưởng đến điều kiện làm việc và nặng hơn là ảnh hưởng đến sức nghe, sức khoẻ của con người. Như đã biết, việc người lao động phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn cao (đặc biệt tiếng ồn xung) dẫn đến giảm năng suất lao động, suy giảm thính lực và nguy cơ bị bệnh điếc nghề nghiệp. Từ năm 1976, bệnh điếc nghề nghiệp đã được Nhà nước ta công nhận là một trong các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và tỷ lệ người lao động bị mắc bệnh này đứng hàng thứ hai trong các bệnh nghề nghiệp ở nước ta. Không những thế, tiếng ồn còn có tác hại đến các cơ quan khác như: hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hoá,…

Cơ quan thính giác của con người tuy có khả năng thích nghi, tự bảo vệ dưới tác động của tiếng ồn: khi có tiếng ồn mạnh độ nhạy của thính giác giảm xuống và sau khi tiếng ồn ngừng được 2 – 3 phút thì thính lực sẽ được hồi phục trở lại. Nhưng khả năng thích nghi của con người cũng chỉ có giới hạn, theo nhiều nghiên cứu thấy rằng chỉ sau 1 phút tác dụng của tiếng ồn ở vùng tần số 1800 – 2000 Hz với mức âm 85 – 90 dB có thể giảm thính lực 10 – 11 dB. Nếu thời gian tác động của tiếng ồn mạnh hơn và kéo dài thì sẽ có hiện tượng mệt mỏi thính lực dẫn đến khả năng phục hồi kém dần, cuối cùng là không thể phục hồi. Ngoài ra sự thích nghi còn phụ thuộc vào tính mẫn cảm của từng cơ thể, giới tính, sức khoẻ, tuổi tác…

Sự thay đổi ngưỡng nghe vì các nguyên nhân sau:

– Sự chấn thương âm học: Những âm thanh có cường độ rất mạnh hoặc tiếng nổ có thể gây thủng màng nhĩ, tổn thương ba xương nhỏ trong tai và phá huỷ các tế bào thần kinh thính giác hoặc các tổ chức xung quanh. Với mức tiếng ồn khoảng 140 dB sẽ gây chấn thương âm học cho tai.

– Bệnh điếc nghề nghiệp: Việc tiếp xúc với tiếng ồn nhiều năm có thể dẫn đến bệnh điếc nghề nghiêp. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu mỗi ngày người công nhân tiếp xúc 8 giờ với tiếng ồn thì cơ quan thính giác của họ sẽ:

Với mức ồn từ: 90 – 100 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 – 20 năm làm việc.

Với mức ồn từ: 100 – 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 năm làm việc.

Với mức ồn > 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 5 năm làm việc.

Bệnh điếc nghề nghiệp được phát triển dần dần và có thể có các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng chia thành 4 giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn khởi đầu: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ù tai, cảm thấy nghe kém sau ca làm việc. Đo thính lực sau ngày làm việc sẽ thấy có sự suy giảm thính lực ở tần số 4.000 Hz.

+ Giai đoạn tiềm tàng: Thời kỳ này kéo dài từ 5 – 7 năm tuỳ thuộc vào sức đề kháng của tai. Đo thính lực thấy có khuyết hình chữ V rõ rệt ở tần số 4.000, đỉnh có thể tới 50 – 60 dB.

+ Giai đoạn cuối của quá trình tiềm tàng: Thời kỳ này kéo dài từ 10-15 năm. Đo thính lực thấy khuyết hình chữ V đã mở rộng đến vùng tần số 2.000. Nói chuyện bị ảnh hưởng.

+ Giai đoạn điếc rõ rệt: Giai đoạn này bệnh nhân bị ù tai, tiếng nói to cũng khó nghe. Khuyết hình chữ V đã mở rộng đến cả vùng tần số 1.000, 500, 250 Hz.

2. Các biện pháp phòng chống tiếng ồn trong sản xuất

2.1. Biện pháp giảm tiếng ồn tại nguồn

Đây là biện pháp chủ động, tích cực, giảm tận gốc nguồn ồn. Có thể giảm tiếng ồn ngay từ nguồn phát sinh bằng cách thay đổi dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị cũ, có mức tiếng ồn cao bằng dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị mới, tiên tiến có mức tiếng ồn thấp hơn. Đối với hệ thống thiết bị, máy cũ có thể giảm mức tiếng ồn bằng các biện pháp như:

Biện pháp công nghệ: thay đổi qui trình công nghệ, vật liệu. Thí dụ: thay một số chi tiết có độ chính xác chưa cao, bị mòn, rơ…, thay bánh răng thẳng bằng bánh răng nghiêng, thay các chi tiết kim loại bằng các chi tiết phi kim loại…

Biện pháp cô lập nguồn ồn: trang bị thêm cho thiết bị vỏ bao cách âm, cabin cách âm để cô lập nguồn ồn. Biện pháp này đem lại hiệu quả cao khi áp dụng với các động cơ, máy phát điện, máy nén khí…

Biện pháp cách rung: thiết kế bệ giảm rung, gối giảm rung cho thiết bị nhằm giảm tiếng ồn sinh ra do rung động. Biện pháp này áp dụng đối với hệ máy bơm, quạt cao áp, máy giặt công suất lớn…

Gắn thêm ống giảm âm cho thiết bị khí nén, quạt cao áp…

Đối với hệ thống thông gió, nên thay loại quạt có mức tiếng ồn thấp hơn, cần tính toán, thiết kế để vận tốc lưu chuyển khí trong hệ thống đường ống tương đối thấp (v < 5 m/s), xử lý bề mặt bên trong hệ thống đường ống bằng các vật liệu hấp thụ âm và lắp thêm bộ tiêu âm cho hệ thống thông gió.

Đối hệ thống băng chuyền, cần giảm đến tối thiểu chiều cao rơi của sản phẩm, nên dùng thiết bị chuyền tải bằng băng chuyền thay vì bằng trục lăn.

2.2. Biện pháp giảm tiếng ồn trên đường lan truyền

Trên địa bàn vùng, cũng như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nhà máy, xí nghiệp… có thể áp dụng biện pháp giảm tiếng ồn trên đường lan truyền như:

– Biện pháp sử dụng màn chắn âm.

– Biện pháp hấp thụ âm trong gian sản xuất.

– Biện pháp cách âm.

– Biện pháp sử dụng cabin cách âm, bao cách âm…

– Biện pháp trồng các dải cây xanh dày cành, lá vừa tạo cảnh quan, đảm bảo trong sạch môi trường vừa có thể giảm được một phần sự lan truyền tiếng ồn đến khu vực cần yên tĩnh hơn.

2.3. Giảm tiếng ồn bằng phương tiện bảo vệ cá nhân và tổ chức lao động khoa học

a. Biện pháp giảm ồn bằng phương tiện bảo vệ cá nhân

Không phải với mọi vị trí lao động có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn như đã trình bày ở trên (do tính chất lưu động của công việc, do luôn cần phải điều khiển, vận hành qui trình sản xuất…) thì người ta sử dụng các PTBVCN chống ồn.

Đối với một số thiết bị như máy khoan đá, khoan than, máy tán rivê, máy rèn, máy đột dập, máy cưa… thì việc sử dụng các PTBVCN là thuận tiện và kinh tế hơn cả. Các phương tiện cá nhân chống ồn gồm có: nút tai, bao tai, mũ chống ồn. Các loại bao tai chống ồn của Mỹ, Nhật, Đức,… có thể giảm mức ồn ở tần số cao từ 20 – 30 dBA.

b. Biện pháp giảm tiếng ồn bằng tổ chức lao động khoa học

Định kỳ tổ chức khám bệnh điếc nghề nghiệp: Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật trên, cần tổ chức khám bệnh điếc nghề nghiệp định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm những người mắc bệnh cũng như mức độ bệnh để các nhà quản lý, các bác sỹ có kế hoạch, biện pháp chữa trị kịp thời, có hiệu quả.

Hạn chế thời gian tiếp xúc với tiếng ồn cao: Giảm thời gian tiếp xúc với tiếng ồn cao bằng cách thay đổi, luân phiên vị trí làm việc cũng là một biện pháp được áp dụng nhằm bảo vệ sức nghe của người lao động.

Giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của tiếng ồn: Thông qua các lớp huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ hàng năm, người sử dụng lao động, cũng như người lao động sẽ nâng cao nhận thức về tác hại của tiếng ồn trong sản xuất, đồng thời cũng nắm vững được một số biện pháp tối thiểu nhằm tự bảo vệ thính lực của mình trong quá trình tham gia các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong môi trường lao động có mức tiếng ồn cao.

TS. Triệu Quốc Lộc


(Nguồn tin: Nilp.vn)