Ảnh hưởng sức khỏe dài hạn liên quan đến điều kiện làm việc trong hệ thống cống rãnh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:46(GMT +7)

ANSES (French Agency for Food, Environmental and Occupational Health & Safety) đã công bố bài của chuyên gia đánh giá về sự tiếp xúc và những rủi ro tới sức khỏe của công nhân làm việc trong môi trường hệ thống cống rãnh. Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng các tài liệu khoa học về sự tiếp xúc của người lao động (NLĐ) với các tác nhân hóa học và sinh học kể cả các chất gây ung thư, các hợp chất gây đột biến và tái sinh độc tố có mặt trong nước thải chưa được xử lý và trong bầu không khí cống rãnh, ANSES kết luận rằng tiếp xúc lâu dài trong điều kiện làm việc với cống rãnh sẽ có tác động lớn đến sức khỏe NLĐ.

Trong các báo cáo được công bố, ANSES đã đưa ra hàng loạt các khuyến nghị về các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe NLĐ và giám sát sự tiếp xúc của NLĐ với môi trường ô nhiễm đồng thời cũng nêu thêm các công trình nghiên cứu đã thực hiện. Cơ quan này cũng tập hợp bổ sung các khuyến nghị khi tất cả các nghiên cứu hiện đang triển khai đo đạc các tác nhân sinh học có trong không khí của hệ thống cống rãnh tại Pari được công bố.

NLĐ trong quá trình làm việc với cống rãnh phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân hóa học và sinh học trong không khí, trong nước do hít phải các khí, hơi, son khí, do tiếp xúc qua da và do ăn uống.

Trong năm 2004, INRS đã công bố các kết quả nghiên cứu về tỷ lệ công nhân cống rãnh Pari bị chết theo yêu cầu của chính quyền thành phố Pari. Tỷ lệ người chết cao gây sửng sốt cho mọi người, trong đó bao gồm cả chết do các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư và tự tử. Những kết quả này được minh chứng khi các nghiên cứu tiếp theo vào 2009 ANSES đã công bố các yêu cầu phải đánh giá các rủi ro sức khỏe cho NLĐ cống rãnh và xác định nguyên nhân gây tử vong cao trong ngành này.

NLĐ phải tiếp xúc với nhiều hợp chất độc

ANSES đã tiến hành một cuộc vận động đo lường độc lập trong số những công nhân cống rãnh của Pari từ giữa 10/2014 đến 3/2015 để  bổ sung thêm vào những số liệu ít ỏi trong tài liệu tham khảo. Những đo lường khám phá này đã cho thấy công nhân vệ sinh cống rãnh ở Pari đang tiếp xúc với một “cocktail” các tác nhân hóa học và sinh học có trong nước thải và không khí trong cống rãnh. Thực tế là nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí trong cống rãnh cao hơn nồng độ ô nhiễm bên ngoài do không khí không được trao đổi và bị giam hãm trong không gian kín và do nguồn ô nhiễm đặc trưng của cống rãnh.

Cuộc vận động này giúp làm rõ sự tiếp xúc của NLĐ với các hợp chất gây ung thư, đột biến gen và tái sinh độc tố cũng như xác định được các công việc khác cũng có tiếp xúc độc hại nhiều như làm vệ sinh các bồn chứa bằng phun cát, làm sạch các tấm chắn bằng áp suất cao hay vệ sinh các thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nồng độ đo đạc được đối với một vài hợp chất lại thấp hơn so với tiêu chuẩn tham chiếu (OELs= Occupational Exposure Limits=giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp; TRVs= Toxicity Reference Values=giá trị tham chiếu độc chất); nhưng điều đó cũng không đảm bảo rằng (i) NLĐ sẽ không bị tác động xấu tới sức khỏe khi các hợp chất khác có mặt và (ii) rất có khả năng các chất ô nhiễm sẽ cộng tác dụng với nhau và (iii) có thể vẫn có nồng độ đỉnh (peak) của một số chất ô nhiễm.

Tác động lâu dài tới sức khỏe của NLĐ cống rãnh liên quan nhiều tới các yếu tố rủi ro.

Đề cập tới ảnh hưởng sức khỏe, các triệu chứng NLĐ tiếp xúc với nước thải thường hay được nói tới nhiều là các triệu chứng về đường tiêu hóa, hô hấp, dị ứng mũi, họng và da. Có thể nhận thấy sự gia tăng tần suất một số bệnh truyền nhiễm, phần lớn bệnh kéo dài không lâu và hiếm khi dẫn đến tử vong.

Nghiên cứu các ca tử vong cho thấy hiện tượng tử vong cao chủ yếu là ung thư gan và phổi, ngoài ra có thể xác định một hoặc nhiều yếu tố rủi ro liên quan, đặc biệt là các tác nhân hóa học và sinh học mà NLĐ tiếp xúc.

Cuối cùng, do nghề vệ sinh cống rãnh có vị thế thấp kém trong xã hội, tính tập thể yếu và dễ bị kích động gây lo âu, buồn phiền; tất cả các yếu tố đó có khả năng làm tăng lên những ưu phiền, stress cho công nhân vệ sinh cống rãnh.

Các khuyến nghị của ANSES

ANSES nhắc lại các nguyên tắc chung về phòng ngừa nêu trong Luật lao động của Pháp trong đó nhấn mạnh các ưu tiên đối với các biện pháp phòng ngừa tập thể hơn là các biện pháp phòng ngừa cá nhân.

Trong phần kết luận của bài báo đánh giá của chuyên gia, ANSES khuyến nghị mọi người nên có kiến thức sâu hơn về các rủi ro hóa chất, vi sinh vật và tâm lý xã hội để thực hiện các bước bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho NLĐ trong tương lai.

ANSES tán thành các biện pháp tối ưu để giảm thiểu sự tiếp xúc của NLĐ tới các tác nhân hóa học và sinh vật bằng cách:

  • Phải dạy nghề bắt buộc đối với những người làm việc trong các hệ thống cống rãnh ngầm;
  • Đặc biệt chú trọng với các công việc kéo theo sự tiếp xúc rất độc hại (tối ưu hóa thông gió cho các hệ thống cống, cơ giới hóa các công việc độc hại …);
  • Thực hiện các biện pháp an toàn-vệ sinh lao động cùng với các dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp;
  • Xây dựng bản đồ rủi ro gắn với hệ thống cống rãnh (xác định vị trí,  cập nhật kiến thức liên quan đến các khu vực có cống rãnh nơi phải áp dụng các biện pháp đặc biệt)

ANSES xem xét sự cần thiết phải tăng cường khả năng tự giám sát, kiểm tra việc phù hợp của các nguồn xả thải không phải nước thải sinh hoạt với nước đã được cấp phép xả thải, khuyến khích xây dựng hệ thống nước thải tự làm sạch trước khi xả vào hệ thống chung.

ANSES cũng khuyến nghị cung cấp thêm các dịch vụ giám sát sức khỏe cho công nhân vệ sinh cống rãnh theo ý kiến của ủy ban tiêm chủng cao ủy Pháp về tiêm vắc xin leptospirosis và viêm gan A và đảm bảo có thể theo dõi được nguồn gốc dấu vết tiếp xúc.

Ở khía cạnh nghiên cứu, ANSES khuyến nghị nên tiếp tục triển các nghiên cứu dịch tễ để theo dõi tác động lâu dài đối với sức khỏe của công nhân vệ sinh cống rãnh, đánh giá  hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đã áp dụng tại chỗ, ví dụ: cơ giới hóa một số công việc độc hại và thay đổi các biện pháp tổ chức lao động, tiếp tục giám sát cá nhân đối với chất ô nhiễm, nghiên cứu tính hữu ích của  phương pháp sinh học đánh dấu để nâng cao hiệu quả giám sát công nhân vệ sinh cống rãnh cùng lúc tiếp xúc với nhiều yếu tố ô  nhiễm.

Ngoài ra cũng cần tổ chức cuộc vận động nâng cao nhận thức, trước hết là để nhắc nhở mọi người trong cộng đồng rằng cống rãnh không phải nơi để vứt mọi thứ rác thải xuống; thứ hai là hướng dẫn mọi người thực hành cách xả thải văn minh.

ANSES cũng nhấn mạnh rằng những khuyến nghị đã công bố là một phần của  chương trình chung chống biến đổi khí hậu mà nó đang tác động tới vệ sinh đô thị (thay đổi lượng nước xả thải vào hệ thống nước thải, nhiệt độ nước thải thu gom và vận chuyển v.v.). Những ảnh hưởng này, với ý nghĩa là phòng ngừa và bảo vệ NLĐ làm việc trong điều kiện cống rãnh, cần phải dự báo được.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: anses.fr)