Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Ngày 26/12/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 329/2016/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng, bao gồm: bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng.

Theo đó, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ các trường hợp không thuộc trách nhiệm bảo hiểm đã quy định.

Thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.

Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động thi công trên công trường căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.

Phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường được quy định:

* Biểu phí bảo hiểm năm

Loại nghề nghiệp

Phí bảo hiểm/người

(Tỷ lệ % /100 triệu đồng)

Loại 1: Lao động gián tiếp, làm việc chủ yếu trong văn phòng, bàn giấy hoặc những công việc tương tự ít đi lại khác. Ví dụ: kế toán, nhân viên hành chính….

0,6

Loại 2: Nghề nghiệp không phải lao động chân tay nhưng có mức độ rủi ro lớn hơn loại 1, đòi hỏi phải đi lại nhiều hoặc bao gồm cả lao động chân tay nhưng không thường xuyên và lao động chân tay nhẹ. Ví dụ: kỹ sư dân dụng, cán bộ quản lý thường xuyên đến công trường….

0,8

Loại 3: Những nghề mà công việc chủ yếu là lao động chân tay và những công việc có mức độ rủi ro cao hơn loại 2. Ví dụ: kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, công nhân làm việc trên công trường…

1,0

Loại 4: Những ngành nghề nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn và không được quy định ở ba loại nghề nghiệp trên.

1,2

* Biểu phí bảo hiểm ngắn hạn

Thời hạn bảo hiểm

Phí bảo hiểm/người

(Tỷ lệ % trên phí bảo hiểm năm)

Đến 3 tháng

40

Từ trên 3 tháng đến dưới 6 tháng

60

Từ trên 6 tháng đến dưới 9 tháng

80

Từ trên 9 tháng đến dưới 12 tháng

100

Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm quy định trên.

Việc thanh toán phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm và phải được ghi tại hợp đồng bảo hiểm.

Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm

Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động, bao gồm các khoản chi trả:

– Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá sáu (06) tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

– Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý nhưng không vượt quá một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.

– Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới tám mươi mốt phần trăm (81%), mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng trả tiền bồi thường bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường (Phụ lục số 12 ban hành kèm theo Thông tư số 329/2016/TT-BTC).

– Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ tám mươi mốt phần trăm (81%) trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.

Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định không vượt quá một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.

Trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp phát sinh gây thương tật cho người lao động và thương tật này bị làm trầm trọng thêm bởi các thương tật hoặc bệnh tật trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường cho phần bị làm trầm trọng thêm đó.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bao gồm:

– Thông báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và yêu cầu bồi thường do bên mua bảo hiểm lập theo mẫu quy định.

– Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm (nếu có), hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có).

– Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật,(chết) do tai nạn lao động (Bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm: Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật; Giấy chứng thương; Giấy ra viện; Giấy chứng nhận phẫu thuật; Hồ sơ bệnh án; Giấy chứng tử…

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (từ 5% trở lên).

– Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của người lao động (bản gốc).

–  Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).


(Nguồn tin: Nilp.vn)