Các nguyên tắc 5C của Chương trình bảo vệ thính lực
Mất thính lực là một vấn đề phổ biến
Theo Viện An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NIOSH): “Mất thính lực là một trong những vấn đề về môi trường lao động phổ biến nhất hiện nay, ảnh hưởng tới người lao động (NLĐ) thuộc các ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng, vận tải, nông nghiệp, và quân sự. Khoảng 32 triệu lao động thuộc mọi ngành nghề đang phải tiếp xúc với các mức tiếng ồn hay các chất độc hại có khả năng gây hại tới thính lực.”
Khoảng 16 triệu trong tổng số 32 triệu lao động kể trên đang làm việc trong các ngành công nghiệp chế tạo, bởi vậy khi nước Mỹ đưa các nhà máy chế tạo trở lại trong nước, nhu cầu về phòng ngừa mất thính lực càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Vấn đề nghiêm trọng tới mức nào?
Thường được nhắc tới dưới tên gọi “khuyết tật vô hình”, trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã công bố những số liệu thống kê không mấy lạc quan về tình trạng suy giảm và mất thính lực:
• Mất thính lực là tình trạng bệnh lý mãn tính phổ biến thứ 3 ở người trưởng thành tại Mỹ, sau chứng tăng huyết áp và viêm khớp.
• Khoảng 12% dân số lao động Hoa Kỳ gặp vấn đề về mất thính lực.
• Khoảng 24% các ca mất thính lực ở NLĐ tại Hoa Kỳ gây ra bởi tiếp xúc nghề nghiệp.
• Khoảng 8% NLĐ tại Hoa Kỳ mắc chứng ù tai (nghe thấy âm thanh trong tai), và 4% NLĐ vừa bị mất sức nghe vừa mắc chứng ù tai.
Điều may mắn là tình trạng mất thính lực do ồn có thể giảm thiểu được, hoặc, có thể loại bỏ, thông qua việc thực hành một Chương trình bảo tồn thính lực (HCP) đem tới lợi ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động.
Điều gì làm nên một Chương trình bảo tồn thính lực (HCP) thành công?
Có rất nhiều yếu tố góp phần vào sự thành công của một chương trình bảo vệ thính lực, bao gồm các hoạt động:
• Đo tiếng ồn
• Kiểm tra thính lực
• Bảo vệ sức nghe thông qua các giải pháp kỹ thuật, quản lý, và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE)
• Đào tạo, huấn luyện
• Lưu trữ hồ sơ
• Cân nhắc tới điểm khác biệt và nhu cầu của từng cá nhân
Tuy nhiên, dù ở phạm vi nào, việc áp dụng các nguyên tắc 5C cũng đều đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục NLĐ. 5C là viết tắt của:
• Compliance – Tuân thủ
• Comfort – Thoải mái
• Convenience – Tiện lợi
• Communication – Truyền thông
• Commitment – Cam kết
Tuân thủ
Việc tuân thủ các yêu cầu của Cơ quan quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) đòi hỏi người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hành một Chương trình bảo tồn thính lực khi mức tiếp xúc tiếng ồn nghề nghiệp trung bình trong 8h làm việc của NLĐ bằng hoặc vượt quá 85 dBA (dexiben A).
Mất thính lực do ô nhiễm tiếng ồn thường xảy ra do tiếp xúc lặp lại với mức tiếng ồn cao trong thời gian dài. Điều này cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc đột ngột với tiếng ồn lớn ở mức nguy hiểm như tiếng súng nổ hay máy móc đột ngột tạo ra tiếng ồn lớn trong quá trình hoạt động. Dạng mất thính lực đầu tiên xảy ra từ từ qua thời gian dài, trong khi dạng thứ hai xảy ra đột ngột và thường không được chuẩn bị trước.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mất thính lực là do tiếp xúc với tiếng ồn ở mức 85 dB hoặc cao hơn, hãy xem xét một số loại âm thanh phổ biến và xếp hạng dexiben của chúng..
• Tiếng nói chuyện thông thường—50 tới 85 dB
• Máy cắt cỏ và tiếng ồn giao thông trong thành phố—85 dB
• Máy kéo tại các nông trại—98 dB
• Máy khoan và máy cưa—110 dB
• iPod ở mức âm lượng lớn nhất—115 dB
• Đại hội nhạc rock hoặc buổi hòa nhạc giao hưởng—110 dB tới 140 dB
• Tiếng súng và tiếng pháo nổ—140 dB
Theo NIOSH, NLĐ phải đeo phương tiện bảo vệ thính lực khi làm những công việc có khả năng tiếp xúc với tiếng ồn bằng hoặc lớn hơn 85 dBA đo trung bình trong 8 giờ. Thêm vào đó, người sử dụng lao động phải cung cấp phương tiện bảo vệ thính lực miễn phí cho NLĐ.
Để tuân thủ các yêu cầu của OSHA đòi hỏi các chuyên gia về an toàn phải nhận diện tất cả các nguồn có khả năng gây ô nhiễm tiếng ồn, xác định liệu mức ồn có thể gây nguy hiểm cho NLĐ hay không, và sau đó áp dụng các tiêu chuẩn an toàn nhằm bảo vệ NLĐ, bao gồm việc cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân .
Việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là đặc biệt quan trọng khi các giải pháp kỹ thuật và quản lý không hoặc không thể xử lý được vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại nơi làm việc.
Hiện có rất nhiều loại phương tiện bảo vệ thính lực đáp ứng yêu cầu của các loại môi trường làm việc khác nhau. Dù là loại phương tiện gì, nếu không thể đem lại cảm giác thoải mái khi sử dụng trong thời gian dài, NLĐ có thể từ chối sử dụng chúng, và do đó sẽ khó đạt được yêu cầu về sự tuân thủ.
Thoải mái
“Mặc dù NLĐ ngày càng có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ thính lực, họ vẫn sẽ từ chối sử dụng những phương tiện bảo vệ thính lực to, nặng, không vừa tai và kém thoải mái,” chuyên gia về sản phẩm Cindy Bullion-LaWarre, người giám sát việc phát triển các sản phẩm bảo vệ thính giác và thị giác tại một công ty sản xuất phương tiện bảo vệ cá nhân hàng đầu cho biết. Để đáp ứng nhu cầu về sự thoải mái, Bullion-LaWarre gợi ý một số loại sản phẩm mà các chuyên gia an toàn có thể chỉ định:
• Chụp tai có đệm tai và phần gọng hút ẩm, có thể điều chỉnh để đảm bảo sự vừa vặn và thoải mái.
• Chụp tai dạng đơn giản giúp tăng khả năng quan sát ở hai bên, có thể gập lại để dễ cất giữ bảo quản, và có hệ số giảm âm (Noise Reduction Rating – NRR) phù hợp với môi trường lao động.
• Nút tai bằng bọt dùng một lần, được sản xuất từ vật liệu bọt áp suất thấp, phục hồi chậm. Sản phẩm này khá nổi bật vì khả năng cải thiện mức độ thoải mái khi sử dụng, đồng thời cũng có chức năng bảo vệ tốt, với hệ số giảm âm khoảng 32 – 33.
• Nút tai được đúc theo đặt hàng nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa phương tiện bảo vệ thính lực.
“Việc sử dụng các loại nút tai có thể sử dụng nhiều lần đang ngày càng gia tăng trong công nghiệp, đặc biệt là loại nút tai được đúc riêng cho từng cá nhân” Bullion-LaWarre cho biết. Đôi khi được gọi dưới tên Phương tiện bảo vệ thính lực được cá nhân hóa, loại thiết bị bảo vệ thính lực này cho phép người sử dụng tạo khuôn và đúc nút tai theo các đường cong và hình dạng đặc thù của ống tai chỉ trong vài phút.
Một nút tai đúc riêng có thể sử dụng trong thời gian dài, có thể vệ sinh, và đem tới cảm giác thoải mái hơn các loại thông thường bởi được điều chỉnh vừa vặn cho từng cá nhân. Tất nhiên, khi so sánh với loại nút tai bọt dùng một lần, số tiền đầu tư ban đầu cho nút tai đúc riêng cao hơn. Tuy nhiên, chi phí theo vòng đời của nút tai đúc riêng thường lại rẻ hơn nút tai bọt dùng một lần bị bỏ đi vào cuối ngày làm việc.
Sự tiện lợi
Không phải mọi phương tiện bảo vệ thính lực đều đem tới mức tiện lợi như nhau. Phải thừa nhận rằng con người yêu thích sự tiện lợi trong cuộc sống, thể hiện rõ ràng ở sự phổ biến của dịch vụ lái xe qua trạm (khi người ngồi trên xe có thể mua đồ ăn, thức uống hoặc sản phẩm khác mà không cần phải xuống xe) và điện thoại thông minh. Bất cứ sản phẩm/dịch vụ nào làm gia tăng sự thoải mái và đồng thời dễ sử dụng/thực hiện cũng thường nhận được sự ủng hộ cả ở nhà và tại nơi làm việc.
Hộp rút nút tai
Dù được đặt trên bàn hay gắn trên thường trong một khu vực nhiều phương tiện qua lại, hộp rút nút tai cũng đem tới sự tiện lợi cho NLĐ trong việc tiếp cận loại phương tiện bảo vệ sức nghe này.
Hộp rút nút tai được làm từ nhựa và có thể nạp đầy, cho phép các chuyên gia an toàn giảm chi phí khi đặt hàng với số lượng lớn. Thêm vào đó lượng lớn nút tai không cần bao gói riêng cũng đem tới lợi ích về môi trường. Một số loại hộp rút nút tai có thể thay thế cả hộp bằng cách lắp trực tiếp hộp mới vào một phễu quay gắn trên tường. Loại hộp này tạo ra dấu chân sinh thái nhỏ hơn bởi chúng sử dụng ít nhựa hơn trong thiết kế.
Nút tai dạng gọng
Khi cần bảo vệ thính lực không liên tục, nút tai dạng gọng đem tới sự dễ dàng khi tháo ra đeo vào, đồng thời tiện lợi trong việc cố định gọng quanh cổ. Loại phương tiện bảo vệ thính lực này dễ với tới khi cần. Do NLĐ có thể đeo loại nút tai này quanh cổ, nút tai dạng gọng được đeo trực tiếp trên người mỗi cá nhân, do đó không chạm tới các bề mặt không sạch sẽ hoặc thiếu an toàn – một nguy cơ trong thời kỳ dịch bệnh.
Giao tiếp
Nhu cầu về công nghệ trong cải tiến các phương tiện bảo vệ thính lực đang ngày càng gia tăng. Mối quan tâm không dừng lại ở việc nhận thức tình huống, mà người sử dụng muốn các thiết bị cho phép họ giao tiếp tốt lơn với người khác cả trong môi trường làm việc và ngoài công việc.
Chụp tai điện tử
Chụp tai điện tử có khả năng khuếch đại âm thanh, cho phép người sử dụng nghe được âm thanh bên ngoài và tiếng nói chuyện quanh họ, trong khi vẫn bảo vệ họ khỏi những tiếng ồn vượt quá 85 dB có thể làm hỏng thính giác. Công nghệ không dây kết hợp với chụp tai càng giúp gia tăng khả năng giao tiếp, cho phép người sử dụng trả lời và gọi điện thoại thông qua một thiết bị được kết nối bluetooth.
Cam kết
Trong bất kỳ chương trình an toàn nào, sự cam kết luôn là một yếu tố quan trọng, đồng thời đó cũng là một con đường nhiều chiều. Cam kết phải đến từ các cấp lãnh dạo cao nhất, từ bộ phận mua hàng, bộ phận thiết bị, các chuyên gia an toàn, và bản thân NLĐ. Không có sự nỗ lực đơn độc trong khía cạnh an toàn. An toàn là nỗ lực của tập thể, và xứng đáng để theo đuổi.
Một chương trình bảo vệ thính lực thành công là lời cam kết hai bên cùng có lợi cả với người sử dụng lao động và NLĐ bởi:
• Giảm thiểu được sự cố về mất thính lực ở NLĐ, dù từ từ hay đột ngột
• Giảm suy giảm thính lực và chứng ù tai
• Cải thiện tinh thần của NLĐ
• Đem tới hiệu quả sản xuất cao lơn
• Giúp giảm mệt mỏi và khó chịu
• Giảm phàn nàn về các vấn đề sức khỏe do stress
• Giảm các báo cáo nhận diện vi phạm của OSHA
• Giảm chi phí bồi thường cho NLĐ và chi phí y tế
Một cách tiếp cận toàn diện
Điều quan trọng nhất, hãy nhớ rằng mất thính lực có thể phòng ngừa được thông qua các giải pháp kiểm soát kỹ thuật, chính sách quản lý, đào tạo huấn luyện, và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại.
NLĐ cần thể hiện cam kết của mình bằng cách sử dụng phương tiện bảo vệ thính lực thường xuyên tại nơi làm việc. Đồi thời người sử dụng lao động cũng nên khuyến khích NLĐ bảo vệ thính lực của họ trong cuộc sống cá nhân khi tình huống yêu cầu, như khi tham dự những đại hội âm nhạc với âm thanh lớn hay các sự kiện thể theo. Cuộc sống trong công việc và sau giờ làm của chúng ta có mối quan hệ mật thiết với nhau, bởi vậy một cách tiếp cận toàn diện với hoạt động bảo vệ thính lực sẽ đưa tới kết quả tốt nhất.
Reference
1. https://www.cdc.gov/niosh/docs/96-110/pdfs/96-110.pdf?id=10.26616/NIOSHPUB96110
Biên dịch: Hoàng Phương
(Nguồn tin: ishn.com)