Các nhóm lao động với rủi ro đặc thù
– Vị thế đặc biệt của lao động nữ cần được trú trọng. Sự phân chia giới tính trong lao động gây ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như sức khỏe của phụ nữ tại nơi làm việc, thậm chí gây nguy hiểm đến khả năng sinh sản. Như một tổ chức công đoàn đã chỉ ra rằng:
Công tác ATVSLĐ đều do nam giới chi phối. Có đến 86% Thanh tra ATVSLĐ là nam giới. Nguồn vốn thường được đầu tư vào những ngành có nhiều nam giới hơn là những ngành có nhiều nữ giới. Các tiêu chuẩn về an toàn đều căn cứ trên mô hình lao động là nam giới. Thao tác làm việc cũng như máy móc đều thiết kế theo kích thước và hình thể nam giới. Điều này có thể dẫn tới sự phân biệt đối xử ở một số ngành nghề. (GMB, 1998).
– Ở cả các nước phát triển và đang phát triển hiện nay, có rất nhiều lao động làm việc tại nhà. Tại một số quốc gia, hình thức lao động này được coi là lao động phổ thông, tùy thuộc vào pháp luật về ATVSLĐ. Trong khi đó tại một số quốc gia khác, hình thức lao động này không được quy định trong pháp luật. Những quốc gia phê chuẩn Công ước về làm việc tại nhà, 1996 (Số 177), phải đảm bảo công tác bảo hộ trong lĩnh vực ATVSLĐ giống như với các dạng lao động khác.
– Người lao động làm việc bán thời gian thuộc nhóm có thể không được kể tới trong các điều khoản quy định về ATVSLĐ. Điều này giải thích vì sao Công ước về việc làm bán thời gian, 1994 (Công ước số 175) lại quy định “các biện pháp sẽ được tiến hành nhằm bảo đảm người lao động làm việc bán thời gian cũng được hưởng những chế độ bảo hộ như đối với NLĐ làm việc toàn thời gian :…. (b) công tác ATVSLĐ” (Điều 4).
– Năm 2000, lao động di cư tham gia vào hoạt động kinh tế ước tính đạt đến con số 81 triệu người. Đối với nhiều người trong số họ, điều kiện làm việc đồng nghĩa với việc làm dụng và bóc lột: lao động cưỡng bức, lương thấp, môi trường làm việc tồi tệ, sự vắng mặt của chính sách bảo trợ xã hội, sự phủ nhận tự do lập hội và quyền công đoàn, sự kỳ thị, bài ngoại và sự loại trừ mang tính xã hội … tất cả đã cướp hết mọi quyền lợi của NLĐ khi họ tới làm việc ở một quốc gia khác (ILO, 2004). Các rủi ro về an toàn và sức khỏe gắn liến với các điều kiện kể trên được pha trộn bằng nhiều loại hình công việc phần lớn do lao động nhập cư đảm nhận, những công việc này đều ẩn chứa nhiều nguy cơ và rủi ro, đặc biệt trong ngành nông nghiệp và xây dựng. Tại Châu Âu, tỉ lệ tai nạn lao động mà lao động nhập cư gặp phải cao hơn gấp 2 lần so với lao động bản ngữ, và không có lý do nào để chứng minh rằng tình trạng này có thể tốt hơn nếu ở những nơi khác trên thế giới. Rào cản ngôn ngữ, phơi nhiễm với công nghệ mới, mâu thuẫn gia đình, ít cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, căng thẳng và bạo lực là những vấn đề nổi cộm mà người lao động nhập cư phải đối mặt. Chính điều này khiến họ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các rủi ro về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc.
– Người lao động thuộc nền kinh tế phi kết cấu thường có phải tiếp xúc nhiều hơn với môi trường làm việc không được đảm bảo, điều kiện ATVSLĐ nghèo nàn và môi trường lao động tiềm ẩn rủi ro; do vậy họ thường phải chịu tình trạng sức khỏe suy yếu và trấn thương nghề nghiệp… Hầu hết người lao động thuộc khu vực phi kết cấu không có hiểu biết hoặc hiểu biết rất ít về các rủi ro mà họ đối mặt cũng như làm cách nào để tránh xa khỏi các rủi ro đó. Do đặc điểm của nền kinh tế phi kết cầu nên chính phủ không thể thu thập được những số liệu thống kê cần thiết để có những hành động khắc phục phù hợp; đồng thời cũng do nguyên nhân nhiều công việc thuộc thành phần phi kết cấu diễn ra tại gia đình, do vậy thanh tra lao động không thể kiểm tra được điều kiện làm việc hoặc thu thập thông tin và tư vấn cho những người lao động thuộc khu vực này. Trong những năm gần đây, việc mở rộng các quyền cơ bản và bảo trợ xã hội đối với những lao động thuộc khu vực phi kết cấu đã trở thành mối quan tâm chính của ILO. Để chuẩn bị báo cáo về chủ đề này (ILO, 2002a), một cuộc họp toàn thể đã được tổ chức tại phiên họp lần thứ 90 của ILC năm 2002, qua đó phê chuẩn một nghị quyết (ILO, 2002b) và nền tảng cho một kế hoạch hành động trong tương lai. ILO hiện đã bắt đầu tiến hành phát triển các công cụ và phương pháp luận để thực hiện quá trình cải thiện điều kiện và môi trường làm việc của NLĐ thuộc khu vực phi kết cấu thông qua các biện pháp như tập huấn, nâng cao nhận thức và nhiều phương thức khác…
– Nhiều trẻ em hiện đang tham gia vào những công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù con số này có giảm: con số ước tính trên toàn thế giới năm 2004 là 126 triệu, giảm đáng kể so với con số 171 triệu năm 2000. Mức giảm đặc biệt đối với trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 14. Sự cải thiện này cũng góp phần vào việc phê chuẩn rộng rãi Công ước số 182 về Những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, năm 1999; và việc triển khai các điều khoản & nội dung của Khuyến nghị số 190 kèm theo, 1999. Ngày càng có nhiều trẻ em trai và trẻ em gái tham gia vào những công việc nguy hiểm. Khoảng 69% trẻ em trai làm việc trong khu vực nông nghiệp, 22 % làm việc trong khu vực dịch vụ và 9% làm việc trong khu vực công nghiệp.
– Vấn đề về lao động cao tuổi trong lực lượng lao động thế giới cũng đang thu hút được nhiều sự quan tâm, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ. ILO luôn hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ NLĐ cao tuổi, và điều này được quy định chi tiết trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế về người tàn tật, người cao tuổi và bảo hiểm cho những người sống sót. Công cụ toàn diện nhất về vấn đề này phải kể đến Khuyến nghị số 162 về Lao động lớn tuổi , năm 1980 nhằm bảo vệ quyền của NLĐ lớn, tạo sự bình đẳng trong đối xử và nhấn mạnh vào các phương thức cần triển khai để bảo vệ những yêu cầu của NLĐ lớn tuổi trong đó có cả việc nhận diện và xóa bỏ các nguy cơ nghề nghiệp và điều kiện lao động làm đẩy nhanh quá trình lão hóa và giảm khả năng làm việc của người lao động. Tại Hội nghị thế giới lần thứ 2 về người cao tuổi 2002 (ILO, 2002c) ILO đã nhấn mạnh nội dung này và kêu gọi tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh sự thích nghi với điều kiện làm việc của lao động lớn tuổi.
– Tỉ lệ tai nạn của lao động hợp đồng trung bình cao hơn gấp 2 lần so với lao động làm việc lâu dài. Nhiều NSDLĐ dường như cho rằng bằng cách thuê lao động theo hợp đồng thầu phụ ở một số hạng mục công việc, họ sẽ giảm được bớt trách nhiệm đối với những lao động này. Điều này là hoàn toàn sai trái.
– Lái xe là loại hình lao động đặc biệt rủi ro. Số liệu ước tính của quốc tế cho thấy khoảng 15 đến 20% các vụ tai nạn xảy ra trên đường đều diễn ra khi lái xe đang trong ca làm việc, nhưng những trường hợp này lại được xử lý như tai nạn giao thông đường bộ chứ không phải là tử vong liên quan đến nghề nghiệp.
Mặc dù thực tế đáng lo ngại này vẫn đang diễn ra, nhưng các vấn đề nêu trên không thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý của dư luận quốc tế. Hoạt động tuyên truyền kiến thức cũng như thông tin chưa phù hợp đã cản trở việc tiếp cận, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này cũng làm hạn chế khả năng lập kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách và chương trình. Những con số về tử vong, tai nạn và bệnh tật đang róng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng những quyết định đầu tư vẫn được đưa ra trong khi thiếu đi sự quan tâm và suy xét kỹ càng tới các vấn đề về an toàn, sức khỏe và môi trường. Sự tranh giành nguồn vốn, áp lực của toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt ngày càng tăng đã lái sự chú ý khỏi những lợi ích kinh tế lâu dài của môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Trong khi quốc tế vẫn gia tăng sức ép về việc công bố những vụ tai nạn công nghiệp nghiêm trọng, thì nhiều cái chết liên quan đến công việc vẫn xảy ra hàng ngày và hầu như không được ghi chép lại. Người lao động vẫn phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng. Để giảm thiểu những thiệt hại về con người, sự hao tổn về tài chính và sự xuống cấp của môi trường đi kèm với những rủi ro kể trên, cần phải có những hành động mạnh mẽ và mang tính lâu dài để bảo vệ công tác ATVSLĐ.
(Nguồn tin: ILO)