Cách thức cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – Phần 1: Xây dựng kế hoạch can thiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Bài viết giới thiệu đề cương về những giải pháp thực tế nhằm tổ chức dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng kế hoạch can thiệp nhằm cải thiện ATVSLĐ. Hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan và tổ chức liên quan mang tính quyết định. Dựa trên sự hợp tác đã có, các đơn vị tham gia có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN thực hiện cải thiện trên cơ sở điều kiện thực tế của họ. Mục đích của dịch vụ cơ bản là tăng cường hoạt động tự nguyện của các DNVVN và hỗ trợ họ tiến hành cải thiện tự nguyện, góp phần vào việc phòng ngừa rủi ro tại nơi làm việc.

Các giải pháp thực tế trong bài viết bao gồm:

Phần 1.Xây dựng kế hoạch can thiệp để cải thiện điều kiện ATVSLĐ trong DNVVN;

Phần 2.Hợp tác để thúc đẩy các hoạt động cải thiện tại nơi làm việc;

Phần 3.Hoạt động cải thiện;

Phần 4.Những khó khăn của việc tự nguyện cải thiện và làm sao để khắc phục.

Xây dựng kế hoạch can thiệp để cải thiện điều kiện ATVSLĐ trong DNVVN

Bước đầu tiên của việc tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho DNVVN là lên kế hoạch can thiệp về ATVSLĐ của DNVVN ở cấp huyện hoặc tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả, cần lựạ chọn các DNVVN mục tiêu và thành lập một nhóm công tác bao gồm các cơ quan và tổ chức liên quan tham gia. Nên bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ khả thi trước, sau đó thực hiện dần các hoạt động khác lớn hơn.

Mục tiêu của bước lập kế hoạch này là thực hiện một kế hoạch can thiệp khả thi trong một khoảng thời gian nhất định để cải thiện ATVSLĐ trong DNVVN ở địa phương, thông qua việc hợp tác với các cơ quan và tổ chức tham gia. Mục đích can thiệp có thể bao gồm nhận diện và đánh giá nguy cơ đối với  an toàn và sức khoẻ của người lao động, tập huấn theo phương pháp giáo dục hành động có sự tham gia, thăm doanh nghiệp để tư vấn và hỗ trợ, và các hoạt động theo dõi. Những hoạt động này rất quan trọng để đánh giá tác động và tính bền vững của những can thiệp có kế hoạch.

Lựa chọn các doanh nghiệp mục tiêu

Để lựa chọn doanh nghiệp mục tiêu, cần lựa chọn các DNVVN có nhu cầu sử dụng dịch vụ ATVSLĐ cơ bản nhằm bảo vệ công nhân của họ. Sẽ là lý tưởng nếu bạn chọn một số DNVVN có các vấn đề về an toàn và sức khoẻ tương tự. Số các DNVVN lựa chọn trong năm đầu tiên can thiệp nên hạn chế để có thể cung cấp các dịch vụ tổng hợp. Ví dụ chọn khoảng 10 doanh nghiệp nhỏ chế biến thực phẩm hoặc sửa chữa cơ khí chẳng hạn.

Tham khảo ý kiến của các tổ chức thương mại và công đoàn ở địa phuơng là cần thiết và có lợi khi lựa chọn các doanh nghiệp vừa và nhỏ và xây dựng kế hoạch tổng thể. Đề nghị họ phổ biến thông tin về hoạt động dịch vụ ATVSLĐ cơ bản cho các đối tượng của họ để dịch vụ được sử dụng rộng rãi  hơn.

Xây dựng chương trình kế hoạch một năm

Ở giai đoạn này, điều quan trọng là xây dựng được một kế hoạch dễ thực hiện hơn là một kế hoạch phức tạp và nhiều tham vọng. Sau khi thành lập nhóm can thiệp trong số các nhà cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản, cần xây dựng kế hoạch can thiệp. Thông thường, sự hợp tác chặt chẽ giữa thanh tra lao động và các nhân viên trung tâm y tế của Sở Y tế là chủ yếu để thực hiện kế hoạch một cách có hiệu quả. Kế hoạch bao gồm các hoạt động trong hình dưới đây:

Để đạt được sự đồng thuận của mỗi một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kế hoạch một năm, cần giải thích với họ về tính thực tế và đơn giản của các hoạt động trong kế hoạch. Cần thống nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về khoảng thời gian can thiệp và giám sát.

Việc can thiệp để phòng ngừa các mối nguy cơ về an toàn và sức khoẻ bao gồm việc khảo sát đơn giản về môi trường lao động, nhận diện các nguy cơ đáng chú ý về an toàn và sức khỏe và lựa chọn những hoạt động cải thiện có tính khả thi. Khi nhận diện các nguy cơ an toàn và sức khỏe cần lưu ý đến các kết quả kháo sát trước đây, các báo cáo thanh tra, kết quả kiểm tra sức khoẻ và các dịch vụ y tế khác hiện có.

Cần phối hợp tốt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ ATVSLĐ cơ bản trong thực hiện kế hoạch và trao đổi với nhau về các hoạt động trong kế hoạch một năm. Vì vậy kế hoạch cần bao gồm cả việc hợp tác giữa thanh tra ATVSLĐ và các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản. Đặc biệt cần mô tả kế hoạch hợp tác giữa thanh tra lao động trong các Sở LĐTBXH và các Trung tâm y tế dự phòng. Hai cơ quan này có thể bổ sung cho nhau bằng những kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau.

Cần lưu ý rằng việc cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mục tiêu là một cơ hội tốt để cung cấp dịch vụ tư vấn cho người sử dụng lao động và người lao động. Ví dụ, mỗi tuần Sở LĐTBXH và Sở Y tế có thể mở thêm dịch vụ tư vấn an toàn và sức khoẻ cho người lao động.


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu- “Hướng dẫn thực hành Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động trong các DNVVN”)